Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thu trên 150 tỉ đồng tiền bản quyền âm nhạc năm 2020: Đã có niềm tin để sống với đam mê

Thứ Sáu 15/01/2021 | 10:33 GMT+7

VHO- Con số trên 150 tỉ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 12% so với năm 2019 (113 tỉ đồng) được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đưa ra tại lễ tổng kết hoạt động trong năm 2020 thực sự là con số ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và mang đến nhiều xáo trộn.

 Lễ tổng kết hoạt động năm 2020 của VCPMC

 Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tập trung vào việc khai thác và bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trên môi trường Internet, tích cực áp dụng công nghệ hiện đại vào mọi hoạt động. Nhờ đó, vượt lên khó khăn chung, hoạt động của VCPMC trong năm vẫn duy trì ổn định và ghi nhận những bước phát triển.

Thu tiền tác quyền âm nhạc từ đâu?

Theo đó, Trung tâm đã thu được hơn 150 tỉ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trên các nền tảng số và các địa điểm khách sạn, resort, nhà hàng… Trong số này, tiền thu được từ các website, ứng dụng nhạc, mạng xã hội (Youtube, Facebook...) đạt con số “khủng”, với trên 102 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2019. Tiền bản quyền từ quốc tế (CMOs) đạt gần 4 tỉ đồng, đáng chú ý là mảng này tăng đến 95% so với năm trước. Từ số tiền này, trong năm 2020, VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền trên 107 tỉ đồng; dự kiến trong tháng 1.2021 sẽ tiến hành phân phối số tiền 36 tỉ đồng.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, để thu được kết quả như vậy, Trung tâm đã số hóa toàn bộ dữ liệu bằng các phần mềm tốt nhất; phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế; đàm phán thành công với các nền tảng như Spotify, Youtube, TikTok để kiểm soát dữ liệu. Theo ông Cẩn, hằng ngày, các dữ liệu âm nhạc phát ở đâu, bài gì, trong thời lượng bao lâu đều được lưu lại. Từ đó, Trung tâm có cơ sở để thực hiện thu phí bản quyền.

Năm 2020, nổi bật nhất trong các hoạt động của VCPMC là mảng đối ngoại. Trong năm, VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) trên thế giới, số lượng hợp đồng ký kết tăng khoảng 10% so với năm 2019. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu lĩnh vực biểu diễn của các CMOs trên thế giới bị sụt giảm nhưng nguồn thu từ nước ngoài của VCPMC vẫn tăng trưởng mạnh do tốc độ tăng trưởng lĩnh vực kỹ thuật số. Mối quan hệ hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới không chỉ giúp VCPMC quảng bá và bảo vệ kho tác phẩm Việt được khai thác tại nước ngoài mà còn giúp bảo vệ kho tác phẩm nước ngoài của các chủ sở hữu nước ngoài được khai thác tại Việt Nam. Hiện tại, việc quản lý và cấp phép kho tác phẩm nước ngoài được sử dụng và khai thác tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý quyền của VCPMC.

Năm 2020 cũng là năm có diễn biến mới với lĩnh vực ủy quyền. VCPMC đang tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing). Các đối tác quyền liên quan của người biểu diễn và quyền liên quan của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình trong nước và quốc tế, cụ thể là Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế (IFPI)… hiện đang trong quá trình đàm phán với VCPMC để hợp tác, phối hợp, đại diện cấp phép tại thị trường Việt Nam.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Số lượng thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC trong năm 2020 là 276 tác giả. Tổng số thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả. Theo Trung tâm, do tác động của dịch bệnh, hoạt động âm nhạc trong năm 2020 diễn ra chủ yếu trên môi trường mạng, vì vậy, Trung tâm đã hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số (như các MV/video, audio ca nhạc), cảnh báo và gỡ các link vi phạm theo yêu cầu của tác giả.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lĩnh vực hoạt động truyền thống của VCPMC như nhạc sống, nhạc nền đều bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với việc mạnh dạn chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, tập trung nhân lực, kỹ thuật vào các lĩnh vực truyền thông, truyền hình nên hoạt động cấp phép vẫn giữ được đà tăng trưởng. Đáng chú ý, lĩnh vực trực tuyến tăng trưởng mạnh ở hầu hết các hạng mục, có ảnh hưởng quyết định đến việc giữ vững đà tăng trưởng chung của VCPMC trong một năm tưởng chừng rất khó khăn, cụ thể như: Website, ứng dụng di động tăng trưởng mạnh với nguồn thu chính đến từ các ứng dụng quốc tế như Facebook; Apple; Tiktok; Spotify; MOOV; Star Maker... Youtube tăng trưởng mạnh do có sự đầu tư về nhân sự và công nghệ; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc khai thác trên Youtube, đảm bảo tối đa lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cấp phép của Trung tâm vẫn còn gặp một số khó khăn. Đơn cử, ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, ngoài lý do dịch bệnh khiến hoạt động biểu diễn tê liệt trong nhiều tháng, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn thường xuyên tìm cách né tránh, thậm chí thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chia sẻ ấn tượng với những kết quả mà VCPMC đã đạt được: “Năm 2020, tất cả chúng ta đều trải qua khó khăn do đại dịch. Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy, thích ứng kịp thời, ứng dụng công nghệ khoa học, Trung tâm đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Những con số biết nói như hơn 4.000 hội viên, trên 150 tỉ đồng tiền thu tác quyền đã chứng tỏ Trung tâm là cánh chim đầu đàn trong công tác bảo vệ quyền tác giả suốt nhiều năm qua, với những nỗ lực không mệt mỏi...”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng chia sẻ: “VCPMC đã giúp tôi có được số tiền đầu tiên từ bài hát của mình. Số tiền nhỏ nhưng đã mang đến trong tôi niềm tin rằng tôi có thể sống được với đam mê và có thể hoạt động chuyên nghiệp trong âm nhạc...”. Tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ cũng bộc bạch rằng mình hoàn toàn yên tâm khi có Trung tâm hỗ trợ cho hoạt động sáng tác, bởi mỗi bài hát ra đời đều là tài sản và chất xám của nghệ sĩ.

Trong kế hoạch hoạt động năm 2021, VCPMC cho biết việc sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động, từ phương thức đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm trong các môi trường khác nhau đến cung cấp thông tin phân phối cho các tác giả thành viên. 

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top