Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thu hồi xe cũ nát ở Hà Nội, TP.HCM: Cần đồng bộ và mang tính khả thi

Thứ Tư 06/01/2021 | 11:53 GMT+7

VHO- Bộ TN&MT vừa đề nghị Hà Nội, TP.HCM thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.

Xe cũ nát đã nhiều lần bị đề xuất thu hồi nhưng vẫn chưa thực hiện được bởi thiếu hành lang pháp lý

Đây là đề xuất không mới, bởi trước đây Hà Nội và TP.HCM đã đề xuất vấn đề này, tuy nhiên chưa thực hiện được vì còn nhiều bất cập.

Để giảm ô nhiễm?

Theo Bộ TN&MT, gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và TP.HCM có xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa. Chính vì thế, Bộ này đã có công văn về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức kiểm kê, đánh giá các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân để giảm thiểu ô nhiễm không khí và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Riêng đối với Hà Nội và TP.HCM, Bộ TN&MT đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ và cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng không khí trên địa bàn cho người dân. Đồng thời, thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Hà Nội và TP.HCM cũng cần thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông…

Cần có phương án hỗ trợ người dân

Người dân hai thành phố Hà Nội và TP.HCM đặc biệt quan tâm đến thông tin này, bởi xe máy cho đến thời điểm hiện nay vẫn là phương tiện giao thông số một của họ. Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe mô tô, xe gắn máy. Năm 2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân, Hà Nội đã lấy ý kiến việc thu hồi xe máy cũ nát trong giai đoạn 2017-2020. Sau đó, nội dung này đã được bỏ ra khi đề án trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2017. Trong khi đó, tại TP.HCM, hiện có khoảng 9 triệu xe máy, trong đó có khá nhiều xe cũ nát đang lưu thông trên đường.

Mặc dù biết rõ việc thu hồi các phương tiện cũ, lạc hậu là cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm không khí, tuy nhiên trong khi ô tô phải đăng kiểm định kỳ và có tiêu chuẩn về khí thải, thì chưa có hệ thống quy chuẩn để xác định mức phát thải của xe máy, cũng như chưa có quy định về đăng kiểm loại phương tiện này khiến các cơ quan chức năng hết sức lúng túng. Bên cạnh đó, số lượng xe máy quá lớn, lượng xe cũ nát giá trị không cao, chủ yếu làm phương tiện mưu sinh cho người lao động, chính vì thế, khi bị lực lượng chức năng dừng xe khi có vi phạm, người dân sẵn sàng bỏ lại phương tiện cũng gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ.

Có một thực tế rõ ràng, xe máy cũ nát đang là tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông. Thế nhưng bên cạnh xây dựng các quy chuẩn, cần nghiên cứu các phương tiện thay thế và có phương án hỗ trợ người dân để những người lao động nghèo vừa có thể mưu sinh, vừa thực hiện theo quy định. Đồng thời, phương tiện giao thông công cộng cũng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Có như thế, những đề xuất như hiện nay của Bộ TN&MT hay của Hà Nội và TP.HCM trước đây mới mang tính khả thi cao. 

Q.XƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top