Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh trung học:“Bế tắc” là do đâu?

Thứ Hai 28/12/2020 | 10:56 GMT+7

VHO- Công tác phân luồng hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh (HS) trung học hiện nay chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng, đa số còn mơ hồ, không định hướng đi sau khi tốt nghiệp trung học... là thực trạng được chỉ ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho HS phổ thông trong bối cảnh hiện nay”, do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM và Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

 Học sinh trường THCS Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM trong giờ học nghề

 Thông tin về công tác hướng nghiệp, phân luồng tại TP.HCM, TS Nguyễn Đặng An Long, Chánh văn phòng Đảng ủy Sở GD&ĐT cho hay, hiện 100% trường THCS trên địa bàn TP có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, có giáo viên tư vấn hướng nghiệp; hằng năm tổ chức ngày hội tư vấn, phân luồng HS, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối các trường phổ thông ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng phân luồng HS.

Phải tốt nghiệp THPT mới được coi là đủ “trình độ văn hóa”?

Công tác hướng nghiệp cho HS sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung hiện được định hướng vào 4 con đường chính: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học TCCN hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học. Nhìn chung, công tác phân luồng tại TP.HCM nhiều năm qua giúp nhận thức của xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên số HS sau THCS vào học các trường dạy nghề còn thấp.

“Công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS sau trung học ngày càng trở nên bế tắc, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi tuổi đời của các em còn là “vị thành niên” và yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12). Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh dẫn đến một thực trạng xã hội ngày càng tràn lan các trường đại học, cao đẳng mà thiếu hẳn một hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn làm cho xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng. Hệ lụy là cơ cấu nhân lực nước ta luôn bất cập như “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân thất nghiệp hoặc không làm đúng nghề, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại rất thiếu nguồn tuyển. Do đó không đáp ứng được yêu cầu phát triển lành mạnh của nền kinh tế - xã hội”, TS An Long cho hay.

Theo ông Hàng Quốc Tuấn, Trường THPT Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), trong những năm qua, công tác phân luồng hướng nghiệp HS đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trên thực tế việc hướng nghiệp và phân luồng HS vẫn còn khó khăn, thách thức. “Nếu thẳng thắn nhìn nhận thì công tác phân luồng hướng nghiệp không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, nếu không muốn nói là thất bại trong lĩnh vực này”, ông Tuấn nói.

HS trung học “đói” thông tin về định hướng nghề nghiệp

Đại diện tỉnh Trà Vinh cũng cho hay, thực tế hiện nay ở các trường THCS, THPT, giáo viên phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kĩ thuật, hầu như không có giáo viên được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp.

Nhà trường hiện nay không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn, hướng nghiệp nên HS và giáo viên không có được sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn. “Không ít nơi có hiện tượng giáo viên xin tiết hướng nghiệp để dạy bộ môn của mình, mạnh ai nấy xin và mạnh ai nấy cho. Thế nên mới có kết quả đáng buồn là có một tỉ lệ rất lớn HS trung học không được phân luồng hướng nghiệp đúng để có hướng lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Theo các đại biểu, đa số HS trung học đều “đói” thông tin về hướng đi và định hướng nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay thì chỉ đề cập đến một số nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn tổ hợp môn học và định hướng hàn lâm sau này của HS. Cùng với đó là hiện tượng số lớn HS khi lựa chọn ngành học, trường học thì chọn những ngành, những trường có cái danh “kêu” mà không quan tâm đến mình có đủ năng lực không, mình có yêu thích không và học ngành đó sau này sẽ làm gì, cơ hội việc làm ra sao… Điều này dẫn đến hệ quả là quá nhiều lao động trẻ sau khi được đào tạo trong các cơ sở giáo dục sau THCS, THPT không tìm được việc làm phù hợp trong khi các đơn vị sử dụng lao động lại mỏi mắt vì không tìm ra được lao động chuyên môn cần thiết.

Bàn về vấn đề khởi nghiệp trong HS trung học, ThS Trần Thanh Xuyên, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang chia sẻ: “Thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta chưa cổ động khởi nghiệp, khó chấp nhận thất bại, luôn sợ bị coi thường nếu như thất bại và xem thất bại là dấu chấm hết. Mặt khác, cánh cửa cơ hội mở ra cho người gặp thất bại đứng lên để bước đi lần nữa là vô cùng hiếm hoi. Có thể kể đến một vài ràng buộc như: Vốn, nghị lực, thái độ của xã hội, sự ngăn cản của gia đình, người thân, bạn bè”.

“Văn hóa này đã ảnh hưởng đến giáo dục lớp lớp HS ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ xem việc thất bại là gây ra điều “sai trái lớn”, bản thân và xã hội khó chấp nhận. Do đó, thanh niên, HS phổ thông nói riêng cần thay đổi cách nghĩ, loại bỏ ngay tư tưởng an phận, thụ động, sợ thất bại và từng bước chuyển đổi tâm thế từ làm thuê sang làm chủ, tự tin khẳng định bản thân”, ThS Trần Thanh Xuyên bày tỏ.

Công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS sau trung học ngày càng trở nên bế tắc, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi tuổi đời của các em còn là “vị thành niên” và yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12).

Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh dẫn đến một thực trạng xã hội ngày càng tràn lan các trường đại học, cao đẳng mà thiếu hẳn một hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn…

(TS NGUYỄN ĐẶNG AN LONG, Chánh văn phòng Đảng ủy Sở GD&ĐT TP.HCM)

 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top