Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trường Đại học (ĐH) Văn hóa TP.HCM: Gắn kết và phục vụ cộng đồng

Thứ Hai 28/12/2020 | 10:45 GMT+7

VHO- Trường Đại học (ĐH) Văn hóa TP.HCM là cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập trực thuộc Bộ VHTTDL với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thông tin và du lịch. Quá trình 45 năm hình thành và phát triển với những thành quả đạt được, khẳng định chất lượng đạo tạo của Nhà trường đã được xã hội ghi nhận, là cơ sở và động lực để Nhà trường tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập.

 Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

 Ngày 3.1.1976, theo quyết định của Bộ Văn hóa - Thông tin miền Nam, Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin được thành lập, đào tạo trình độ trung cấp, bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành văn hóa - thông tin. Sau nhiều lần đổi tên và nâng cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đến ngày 23.6.2005, theo quyết định số 154/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường ĐH Văn hoá TP.HCM được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM.

Cung ứng hơn 45.000 cán bộ ngành VHTTDL

Với hai cơ sở đào tạo khang trang, hiện có: Hệ thống phòng học đáp ứng quy mô và hình thức đào tạo, hội trường biễu diễn nghệ thuật, khu nhà học thực hành Văn hóa nghệ thuật, các phòng thực hành Bảo tàng, Thư viện, Truyền thông, Du lịch, phòng thực hành máy tính, phòng hội thảo, phòng học đa phương tiện. Trường đã đạt chuẩn chất lượng theo thông tư 12/2007/TT-BGDĐT ngày 19.5.2017 và Hội đồng trường đã được thành lập theo Luật Giáo dục đại học. KTX 2.500 chỗ đáp ứng 100% chỗ ở cho người học, nguồn học liệu đa dạng và phong phú, đội ngũ giảng viên cơ hữu 100% trình độ sau đại học, có thể khẳng định Nhà trường đã sẵn sàng cho quá trình hội nhập giáo dục đại học khu vực và quốc tế. Giai đoạn từ 2020-2025, Bộ VHTTDL tiếp tục đầu tư hai hạng mục công trình nữa tại cơ sở 2 của Trường, đó là: Nhà hiệu bộ, hội trường, thư viện cao 4 tầng và một khu luyện tập thể dục thể thao đa năng cho sinh viên với diện tích sử dụng khoảng 2.100 m2; nhà luyện tập thể dục, thể thao đa năng diện tích sàn khoảng 1.030 m2.

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã và đang đào tạo trên 45.000 người học, trong đó có trên 21.600 sinh viên, học viên đại học; trên 8.300 sinh viên, học viên cao đẳng; 770 học viên cao học; trên 8.700 học sinh, học viên trung cấp và gần 5.700 học viên được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Số lượng người học đã đáp ứng cơ bản nhân lực lĩnh vực văn hóa và góp phần đối với các lĩnh vực thông tin, truyền thông và du lịch cho ngành VHTTDL, các cơ quan, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết: “Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội; nhà trường phải gắn kết và phục vụ cộng đồng” là chủ trương, phương châm thực hiện xuyên suốt của Trường. Từ năm 2017, khi triển khai thực hiện Nghị định 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, và Quyết định 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung trình độ quốc gia trong toàn bộ hoạt động đào tạo của Trường, Nhà trường đã thống nhất chủ trương xây dựng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng, từ đó, tiến hành triển khai điều chỉnh tất cả các chương trình đào tạo theo định hướng này”, Ông Dũng thông tin thêm, Nhà trường đã đẩy mạnh việc kết nối, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát huy, tận dụng các nguồn lực của xã hội, góp phần nâng cao và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo theo định hướng ứng dụng.

 Thành lập Hội đồng trường đã đánh dấu sự phát triển của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Đẩy mạnh hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, đặc biệt là 20 năm gần đây, Nhà trường đã có chủ trương, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình công tác xã hội, giúp về chuyên môn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại các địa phương bằng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo thông qua các chương trình thực tập thực tế, các chương trình thiện nguyện, bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh các chương trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làm đường dân sinh, tặng nhà tình nghĩa tại các xã vùng sâu, vùng điều kiện kinh tế khó khăn, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách...

Từ năm 2000, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã chọn 2 xã Anh hùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, là xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách, Bến Tre) và Hòa Bắc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) để sinh viên và cán bộ nhà trường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện chương trình thiện nguyện. Những năm gần đây, bằng hình thức tổ chức thi kết thúc học phần sự kiện và nghệ thuật, sinh viên ngành Quản lý văn hóa nghệ thuật vừa thi biểu diễn nghệ thuật, trao tặng nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo, tặng quà cho học sinh tại các địa phương: TP.HCM, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Đắk Nông,…

Hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và hoạt động bảo tàng, giảng viên và sinh viên khoa Di sản văn hóa đã thực hiện các công trình tiêu biểu như: Tư vấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh Cà Mau; xây dựng 5 hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể ở tỉnh Sóc Trăng, đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia năm 2019, 2020 như: Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề; Dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer; Nghệ thuật trình diễn Rô Băm của người Khmer, Nghề làm bánh Pía... Hiện Khoa đang xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia năm 2021 như: Đua ghe ngo ở Sóc Trăng; Nghề làm muối ở Bạc Liêu; Xây dựng đề án Bảo tồn Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer cho tỉnh An Giang...

Khoa Thông tin, Thư viện đã tham gia công tác đào tạo trong Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”. Dự án nhằm giúp các thư viện công cộng và điểm Bưu điện - Văn hóa xã các địa phương có thể vận hành ngay các trạm máy tính truy nhập công cộng, hỗ trợ việc triển khai các dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, văn hóa và giải trí của người dân…

Đảm bảo chất lượng giáo dục

Thông tin về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục (CLGD), PGS.TS Nguyễn Thế Dũng cho hay: “Ngày 8.4.2020, Trung tâm Kiểm định CLGD ĐHQG TP.HCM chính thức cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường. Trường là CSGDĐH đầu tiên của Bộ VHTTDL và là CSGDĐH thứ 23 trong cả nước đạt chuẩn chất lượng theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT”. Ngay trong năm 2020, Trường đã bắt đầu thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với chiến lược 5 năm (2020-2025). Ngày 11.9.2020, Trường đã ban hành các quyết định về việc thành lập Hội đồng tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trì­nh độ đại học các ngành Quản lý văn hoá, Thông tin-Thư viện và Văn hoá học. Ngày 25.9.2020, Trường ban hành các kế hoạch về việc tổ chức tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các ngành Quản lý văn hoá, Thông tin-Thư viện và Văn hoá học, đặt mục tiêu tháng 6.2021 sẽ hoàn thành để tổ chức đánh giá ngoài.

Đáng lưu ý, ngày 24.11.2020 vừa qua, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã chính thức thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự phát triển của Nhà trường. Ngoài chuẩn CLGD đã được công nhận, việc thành lập Hội đồng trường là điều kiện thuận lợi cơ bản để Nhà trường thực hiện 4 nội dung tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học, đó là tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ về tài chính và tài sản; trách nhiệm giải trình trước xã hội, cơ quan chủ quản và người học.

“Nhìn lại 45 năm qua, Nhà trường đã đạt được những thành quả rất quan trọng, tôi cho rằng, chính là nhờ vào sự tận tụy, trách nhiệm, sự đoàn kết đồng thuận của tập thể lãnh đạo, của toàn thể công chức, viên chức, người lao động và sinh viên Nhà trường và sự quan tâm của Bộ VHTTDL, của nhiều cơ quan liên quan và TP.HCM. Thành quả đạt được ngày hôm nay minh chứng cho những nỗ lực công tác, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục và sức mạnh đoàn kết của tập thể Nhà trường. Các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tiếp nối thành công và hướng đến phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế về giáo dục đại học; khẳng định uy tín, thương hiệu của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đối với xã hội”, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh. 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top