Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sống dậy linh hồn đá

Thứ Sáu 20/11/2020 | 10:56 GMT+7

VHO-  Mặc dù là kỹ sư cơ khí, không hề liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học, nhưng suốt hơn 30 năm qua, ông Văn Đình Thành ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum (Kon Tum) đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật đồ đá của người tiền sử.

Ông Thành coi những hiện vật được sưu tập trong suốt hơn 30 năm qua như “báu vật” của mình

Qua bộ sưu tầm của ông, người dân, du khách và nhất là nhà khảo cổ có được cái nhìn về đời sống của người tiền sử ở vùng đất Tây Nguyên.

Từ sự tò mò về những hòn đá lạ

Nhắc đến ông Thành “đồ cổ”, người dân địa phương không ai là không biết. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành bộc bạch, vốn là kỹ sư cơ khí, việc sưu tập các hiện vật đồ đá đối với ông là một sự ngẫu nhiên, tình cờ. Ông kể, năm 1977 ông tốt nghiệp với tấm bằng kĩ sư cơ khí của Học viện kỹ thuật Phú Thọ (sau này là Trường Đại học Bách khoa TP.HCM). Sau đó ông tiếp tục học thêm 2 năm và giảng dạy ở trường 5 năm trước khi đến sinh sống, lập nghiệp ở vùng đất phố núi Kon Tum.

Năm 1988, ông cùng một người bạn tìm lên làng Lung Leng ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) làm mỏ khai thác vàng (lúc này việc khai thác vàng chưa bị nghiêm cấm). Mùa khô năm 1989, tại làng Lung Leng, cách vị trí hợp lưu giữa 2 dòng sông Pô Kô và Đắk Bla vài cây số, trong lúc đãi vàng, một người phụ việc chạy vào lán trại đưa cho ông Thành một hòn đá có hình dáng kì lạ. Hòn đá có hình trụ được bo tròn xung quanh, ở giữa được đục lỗ tinh xảo.

Gần một năm sau khi phát hiện hòn đá đầu tiên, những người phụ việc đãi vàng liên tục báo với ông tìm được rất nhiều cục đá có hình dáng kỳ lạ tương tự, ông giữ lại và trả tiền công cho những người nhặt được. Đến năm 1997, ông Thành sưu tập được gần 2.000 cục đá với nhiều hình dáng khác nhau. Tuy nhiên, dù dày công tìm hiểu về chúng, song ông vẫn không thể lý giải “những viên đá với hình thù kì lạ đó là tự nhiên hay có sự can thiệp của bàn tay con người”; “làm thế nào để chế tạo ra chúng” và “nó được sử dụng vào mục đích gì”? Tuy nhiên, ông đã không tìm được đáp án cho những câu hỏi: “Cục đá là đá tự nhiên hay do con người tạo ra?”, “Làm sao có thể tạo hình cục đá và đục lỗ tròn đều, sắc cạnh như vậy?”, “Nếu do con người tạo ra, cục đá có công dụng gì?”.

Năm 1999, khi biết được thông tin về những cục đá có hình dáng kỳ lạ được người dân và ông Thành tìm thấy ở làng Lung Leng, Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã tổ chức thị sát và gửi “mẫu đá” ra Viện Khảo cổ học ở Hà Nội để giám định niên đại. Ngay sau đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá cùng các cộng sự ở Viện Khảo cổ học đã vào Kon Tum khảo sát tại khu vực làng Lung Leng và gặp ông Thành để tìm hiểu về bộ sưu tập của ông. Trong suốt quãng thời gian 7 ngày làm việc, nghiên cứu những đồ vật của ông Thành, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử xác định đây là những công cụ làm bằng đá gắn liền với cuộc sống, lao động sản xuất và sự phát triển của dân tộc Việt tiền sử sống tại Tây Nguyên qua các thời đại Hậu kỳ đá cũ, Hậu kỳ đá mới đến thời đại Sơ kỳ kim khí cách đây từ 2.000 đến 10.000 năm trước.

 Hơn 10.000 hiện vật được ông Thành đánh kí tự, phân loại theo niên đại và bảo quản kỹ lưỡng

Nỗi niềm về “kho báu” của mình

Khi nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Sử kết luận, ông Thành như vỡ òa cảm xúc. Hóa ra, những hòn đá tưởng như “vô tri vô giác” mà bấy lâu nay ông sưu tập lại có giá trị về niên đại, về văn hóa, khoa học và lịch sử. Đây là tiền đề quan trọng để ngành chức năng tiến hành khảo sát ban đầu và khai quật vùng đất Lung Leng (tháng 6.2001). “Trong thời gian PGS.TS Sử làm việc ở đây, những câu hỏi mà tôi băn khoăn bấy lâu nay cũng đã tìm được lời giải. Bức tranh toàn cảnh về đời sống của người tiền sử cách đây cả vạn năm dần dần hiện ra trong đầu. Nhờ có nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Sử tôi mới biết về giá trị lịch sử của những hòn đá tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy. Ông Sử cũng giúp tôi phân loại cổ vật theo các giai đoạn Sơ kỳ đồ đá, Trung kỳ đồ đá, Hậu kỳ đồ đá… Khi có một chút hiểu biết về cổ vật của người tiền sử thì càng thôi thúc tôi tìm kiếm, sưu tập thêm nhiều vật dụng khác”, ông Thành tâm sự.

Đến năm 2006, ông Thành đã sưu tập được khoảng 10.000 hiện vật đá cổ thuộc các chủng loại về lao động sản xuất, vũ khí, nhạc cụ… từ các khu vực lân cận Lung Leng. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia ở Viện Khảo cổ học Việt Nam, ông Thành cũng phân loại theo niên đại, phục dựng và tái hiện được rất nhiều công cụ làm bằng đá của người Việt tiền sử.

Dẫn chúng tôi tham quan “kho báu” của mình, với hàng ngàn cổ vật treo trên tường với hình dáng, niên đại, thời kỳ khác nhau được ông Thành đánh kí tự, phân loại và bảo quản kĩ lưỡng, những hiện vật quý, có giá trị khoa học được ông cẩn thận xếp gọn gàng trong ngăn tủ, ông Thành cho biết thêm, ông dự định xây dựng một bảo tàng để lưu giữ, bảo vệ để những hiện vật của người tiền sử không bị thất lạc. Việc xây dựng có thể làm được, tuy nhiên ai sẽ thay ông trông giữ “bảo tàng” của mình mới là điều ông lo lắng, bởi những người con của ông hiện đang học tập, sinh sống ở nước ngoài và không ai có “đam mê” giống như ông.

“Số cổ vật này có giá trị rất lớn về mặt khảo cổ, nó là nguồn sử liệu quý cho việc nghiên cứu về thời tiền, sơ sử Kon Tum, về một Tây Nguyên miền thượng thời quá khứ. Sắp tới tôi sẽ xây dựng bảo tàng để lưu giữ và phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Nhưng rồi đây chẳng biết ai sẽ thay tôi trông giữ chúng”, ông Thành băn khoăn. 

NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top