Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Từ Luật tiếng Việt nghĩ về Ngày tiếng Việt

Thứ Hai 28/09/2020 | 11:44 GMT+7

VHO- Nhân sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại Thi hào Nguyễn Du (1820-2020) vừa diễn ra tại Hà Tĩnh, là một dịp để chúng ta nhìn ra những đóng góp to lớn của Nguyễn Du trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị ngàn đời của tiếng Việt. Truyện Kiều đúng là một kiệt tác nhiều “tầng vỉa” để chúng ta khai thác mãi, không bao giờ cạn.

 Tại cuộc Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” vừa diễn ra tại TP Hà Tĩnh, GS Phong Lê gợi ý sau đây sẽ kiến nghị gửi Nhà nước có một Ngày tiếng Việt Ảnh: H.T

Càng tìm hiểu, nghiên cứu, chúng ta càng thấm thía câu nói của học giả Phạm Quỳnh năm xưa: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Quốc văn, quốc sử quốc ngữ là ba nhân tố làm nên quốc hồn quốc tuý mỗi dân tộc. Đọc lại Truyện Kiều mà Nguyễn Du viết cách đây trên 200 năm, ta nhận ra một tiếng Việt toàn bích, tuyệt vời đến mức, đọc đi đọc lại vẫn thấy hay. Vì vậy, bên lề các cuộc hội thảo vừa qua, rất nhiều đại biểu, trong tâm trạng tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt, đều mong muốn toàn dân ta rất nên “làm một cái gì đó” để khẳng định và tôn vinh tiếng Việt.

Tôi nhớ, ngay từ năm 2009, trên diễn đàn Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã mạnh dạn đề nghị với Quốc hội nhanh chóng xây dựng và thông qua một bộ luật, mang tên Luật về tiếng Việt. Có nhiều lý do, trong đó, có lý do Nhà nước phải quan tâm tới nhu cầu của toàn dân về ý thức giữ gìn, bảo vệ tiếng nói “công cụ giao tiếp quan trọng nhất”. Và cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết “hiện nay tiếng Việt lai căng quá. Đọc trên báo chí nhiều khi không biết phải hiểu như thế nào”.

Tiếng Việt hiện tại vẫn giữ được vai trò quan trọng của một công cụ giao tiếp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Và tiếng Việt cũng chưa đến nỗi “xuống cấp trầm trọng” như quan điểm của một số người. Nhưng với tư cách một người đã và đang quan tâm nghiên cứu tới tiếng Việt trong nhiều năm qua (đã viết hơn 15 cuốn sách về phổ cập ngôn ngữ) tôi thấy tiếng Việt đúng là “đang có vấn đề” và đã đến lúc cả đất nước và Nhà nước cần phải có thái độ về vấn đề này. Trước hết, chúng ta cần phải có Luật giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt như một pháp lệnh mà bất cứ một công dân nào nói tiếng Việt phải tuân thủ (người Pháp đã làm việc này hơn một thế kỷ nay). Vì là ngôn ngữ quốc gia, mọi vấn đề liên quan tới yếu tố cấu thành (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) cần được chuẩn hóa. Dĩ nhiên, ngôn ngữ vốn đa dạng, phức tạp. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không tìm ra chuẩn.

Chuẩn là một quá trình lựa chọn (tìm ra biến thể đúng trong nhiều biến thể đang tồn tại). Chuẩn là cái được coi là hợp lý (về logic ngôn ngữ, về văn hóa) và là căn cứ để cộng đồng hướng tới thực hiện. Mỗi năm các nhà xuất bản của ta cho ra đời vài chục ngàn đầu sách và hằng ngày hằng tuần có không biết bao nhiêu ấn phẩm báo chí (Việt Nam đang có 199 báo in và hàng ngàn báo, trang web điện tử). Ngôn từ hằng ngày thì vô cùng đa dạng, phức tạp. Hay cũng lắm và dở cũng nhiều. Ngôn ngữ là giao tiếp bằng lời. Lời nói không chỉ nói đúng mà phải nói sao cho hay. Vị thế giao tiếp, bối cảnh giao tiếp đòi hỏi các nghi thức giao tiếp thích hợp. Chuyện nói năng (nhất là giới trẻ, trên internet, điện thoại, trong đời thường...) hiện nay đang bất chấp các chuẩn mực văn hóa giao tiếp. Luật Ngôn ngữ (trong đó Luật Tiếng Việt, ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) sẽ là căn cứ để toàn dân hướng theo thực hiện và cũng là căn cứ để cơ quan chức năng “bắt lỗi”, điều chỉnh.

Thứ hai, Nhà nước cần xem xét và hoạch định rõ hơn chính sách ngôn ngữ các dân tộc như một chiến lược dài hơi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển ngôn ngữ 54 dân tộc trong cộng đồng đất nước Việt Nam. Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã có một Nghị định cách đây tròn 40 năm (53-CP, 22.8.1980), thể hiện một chính sách ngôn ngữ rõ ràng và nhất quán của Nhà nước ta: Tiếng Việt, giữ vai trò chủ đạo, tuy nhiên, ngôn ngữ 53 dân tộc còn lại cũng rất cần tôn trọng, bảo vệ và giữ gìn. Nhưng xem ra, thái độ và sự quan tâm của xã hội nói chung chưa được đều và chưa được nhiều. Tiếng Việt trong xu hướng hội nhập và hòa nhập lại đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ “bảo tồn và giữ gìn bản sắc ngôn ngữ” cấp bách hơn.

Thứ ba, để khẳng định và tôn vinh, chúng ta rất cần có một Ngày Ngôn ngữ toàn dân hay Ngày Ngôn ngữ dân tộc. Ngày đó, sẽ là một dịp để mỗi người dân nhớ tới, có ý thức và thái độ đúng trong việc trân trọng, bảo vệ ngôn ngữ dân tộc mình. Chúng ta biết, năm 1999, UNESCO đã quyết định chọn ngày 21.2 hằng năm là Ngày Tiếng Mẹ đẻ Quốc tế (International Mother Language Day). Theo nhiều nhà nghiên cứu “Ngôn ngữ là y phục của tư duy” (Language is the dress of thought). Không thể nói là yêu dân tộc mà lại không thông hiểu và quý trọng tiếng nói dân tộc mình.

Vì vậy, để hòa cùng mọi cư dân, mọi dân tộc trên Tổ quốc Việt Nam trong Ngày Ngôn ngữ dân tộc, những người nói tiếng Việt, yêu tiếng Việt sẽ có một ngày của riêng mình: Ngày Tiếng Việt. Đó sẽ là một ngày hội ngôn ngữ thực sự. Liên Xô (trước đây) có tới 130 ngôn ngữ khác nhau, nhưng người ta vẫn tổ chức một “Ngày Tiếng Nga” rất hoành tráng, cho những người coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ và cho cả những người dân tộc khác, quan tâm và yêu thích tiếng Nga.

Xin được nhắc lại câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. Ngôn ngữ là tài sản, là hồn vía làm nên thần thái của mỗi dân tộc. Tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét để tiến tới xây dựng Luật Ngôn ngữ, Luật Tiếng Việt Ngày Tiếng Việt.

Tiếng Việt ngàn đời hôm nay còn nguyên vẹn

Bánh chưng xanh - xanh đến tự bây giờ. 

 PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top