Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Viết tiếp việc xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam: 4.0 ở đâu hay vẫn chỉ là ngày truyền thống

Thứ Tư 05/08/2020 | 10:46 GMT+7

VHO- Giới nghề nhận định, thương hiệu Liên hoan phim (LHP) Việt Nam đang ngày càng yếu hơn do gặp nhiều rào cản. Khi đang ở thời kỳ 4.0 thì công tác truyền thông của LHP vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ, trong khi tại thời điểm đó, sự kiện LHP lại không bị che lấp bởi hàng chục, hàng trăm những sự kiện khác được quảng bá rầm rộ như hiện nay.

 Trao giải thưởng Bông Sen Vàng cho phim truyện điện ảnh Song Lang tại LHP Việt Nam XXI

 Rõ ràng, bài toán xây dựng và quảng bá Thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới, chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

Tận dụng những cơ hội quý

Đề cập đến sự phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật là điều kiện thuận lợi cho hội nhập điện ảnh cũng như quảng bá Thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo cơ hội quý báu cho việc quảng bá “Thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam”. Giống như việc quảng bá thương hiệu nói chung, việc quảng bá thương hiệu LHP sẽ hiệu quả, phổ biến và thiết thực hơn khi áp dụng công nghệ số.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực giải trí và truyền thông. Điện ảnh là một ngành đã ứng dụng những công nghệ mới về kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong cả ba lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim...”, bà Hà cho biết. Phát hành phim truyền thống trên thế giới đứng trước nhiều thay đổi. Việc chiếu phim trên mạng đã trở thành phổ biến. Đặc biệt, đối đầu với đại dịch Covid-19, khi các rạp chiếu phim tạm thời ngừng hoạt động, thị phần phổ biến phim thông qua các nhà phát hành phim trên các nền tảng ứng dụng trực tuyến phát triển nhảy vọt. Lượng người đăng ký các nền tảng trực tuyến tăng lên mức kỷ lục do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Sự tăng vọt này góp phần đẩy nền tảng mạng cùng các dịch vụ kỹ thuật số khác phát huy vai trò.

So với việc phải chia doanh thu cho nhà quản lý rạp, hãng sản xuất đưa được tác phẩm điện ảnh lên mạng đã giúp họ chủ động, không tốn nhiều chi phí và có cơ hội thu lợi nhiều hơn, mở ra một xu hướng mới với những lợi thế có thể làm thay đổi vĩnh viễn khái niệm điện ảnh chỉ có thể được trải nghiệm ở rạp và phim đã lên mạng sẽ không thể quay lại rạp. Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều LHP quốc tế đã chuyển sang dạng thức mới là tổ chức LHP trên mạng. Do vậy, những LHP theo hình thức truyền thống cũng cần có sự chuyển đổi để thích nghi và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nội dung LHP Việt Nam cũng như cách thức quảng bá, tuyên truyền cho sự kiện lớn này vẫn mang tính cố định từ nhiều năm nay, với các hoạt động như chiếu phim tại rạp, chiếu phim ngoài trời, hội thảo, gặp gỡ giao lưu với khán giả địa phương, tổ chức triển lãm, lễ khai mạc, lễ bế mạc và trao giải thưởng, tiệc chiêu đãi nghệ sĩ, đại biểu... Cách làm mang tính công thức này khiến chính các nhà sản xuất, người làm nghề băn khoăn. Ở các kỳ LHP trước, công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu từ trước khi LHP diễn ra vài tháng. Và đó là khoảng thời gian quá ngắn để người dân có thể biết, tiếp nhận chứ chưa nói đến việc tò mò và háo hức về LHP. “Cách làm đó cũng như một bộ phim chỉ được PR trước khi chiếu vài tuần, sẽ khó có thể có doanh thu tốt như một bộ phim được đầu tư khâu truyền thông bài bản từ khi bắt đầu hình thành dự án, tổ chức casting, làm tiền kỳ...”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.

Khẳng định LHP Việt Nam phải là một LHP được các đối tượng trong xã hội quan tâm chứ không chỉ riêng những người trong nghề hoặc các nhà báo, theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, để làm được điều này, phải có những chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa thành tựu của cách mạng 4.0 trong việc đưa cái tên LHP Việt Nam tới gần nhất với khán giả.

 Hình ảnh quảng bá sự kiện LHP Việt Nam XXI cũng cần được thay đổi

Thời 4.0 phải khác

Phó cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết, công tác quảng bá LHP Việt Nam trên mạng chưa được coi trọng và phát triển thành một công cụ quảng bá chính như nhiều LHP đã tận dụng thực hiện. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá còn nhiều hạn chế. Sự biến đổi trong thời đại công nghệ số đã tác động lớn trong đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt trong công nghiệp giải trí. Tuy nhiên, điện ảnh hiện không phải là món ăn tinh thần chiếm ưu thế, đặc biệt với khán giả trẻ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Lượng khán giả quan tâm đến các bộ phim mới trong LHP, quan tâm tới các ngôi sao hiện diện trên thảm đỏ cũng sụt giảm đáng kể. “Sự hội nhập nhanh và sâu rộng của kinh tế, văn hóa, thể thao quốc tế tạo nên cơ hội thuận lợi cho nghệ sĩ và khán giả tiếp xúc với các sự kiện giải trí trên thế giới với các hình thức mới lạ, nội dung hấp dẫn hơn so với LHP Việt Nam. Trong khi đó, LHP Việt Nam chưa đổi mới về hình thức, nội dung chính là khó khăn trong cuộc đua giành khán giả và người hâm mộ...”, bà Hà nhấn mạnh. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra đã ảnh hưởng đến thói quen tập trung đông người xem phim tại các rạp và gây tác hại lớn đến hoạt động của các LHP, hoạt động trao giải điện ảnh. Nhiều LHP lớn, Chợ phim trên thế giới đã phải thay đổi hình thức hoạt động, kế hoạch tổ chức. Điều này đã làm thay đổi căn bản tư duy và cách thức tổ chức LHP, do đó cũng làm thay đổi cách thức quảng bá LHP và các sự kiện điện ảnh.

Giới nghề nhận định, quảng bá cho thương hiệu LHP Việt Nam thời 4.0 phải khác nhiều so với cách làm cũ. “Nếu chúng ta có những kênh quảng bá riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa những bộ phim cả cũ cả mới tới khán giả theo những hình thức mới mẻ nhất, ví như tạo những clip ngắn là những trường đoạn đặc sắc của các phim..., thì chưa nói đến thương hiệu, nhưng cái tên LHP Việt Nam sẽ dần dần trở nên thân quen với khán giả Việt”, theo đạo diễn Bông sen Bạc “Truyền thuyết về Quán Tiên” Đinh Tuấn Vũ. Anh cũng gợi ý việc mở thêm những giải bình chọn của khán giả cho các bộ phim, các diễn viên nổi tiếng. Bởi chính lượng fan của họ cũng là kênh quảng bá vô cùng chất lượng cho LHP. Ở phần này, giải thưởng “Ngôi Sao Xanh”, một giải thưởng điện ảnh thường niên tại Việt Nam đã làm rất tốt. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với các nhà sản xuất, các nhà phát hành trong quãng thời gian 2 năm giữa mỗi kỳ LHP cũng như trong những ngày diễn ra LHP.

Ví dụ, có thể tạo ra những chợ phim Việt Nam với sự tham gia của các nhà phát hành quốc tế. Điều đó sẽ tạo ra một cơ hội thực sự cho các NSX phim Việt Nam, cho các bộ phim Việt Nam, dù là phim kinh phí lớn hay những phim độc lập có thể bước ra những thị trường ở nước khác một cách dễ dàng hơn. “Tôi nghĩ sau nhiều kỳ LHP quốc tế Hà Nội được tổ chức thành công thì việc tổ chức một chợ phim như vậy tại LHP Việt Nam hoàn toàn khả thi. Và khi có những thành quả đầu tiên, những sự kết hợp được thực hiện ngay trong khuôn khổ LHP thì đó cũng là lúc thương hiệu LHP Việt Nam được khẳng định mạnh mẽ...”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ. NSND Như Quỳnh cho rằng, các nhà làm phim nên tích cực quảng bá từ khi bấm máy. “Khi tôi đóng Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng, đúng lúc Hà Nội mưa lụt, họ vội quay cảnh lụt lội để quảng bá phim, khiến khán giả nước ngoài tò mò. Ngoài ra, nghệ sĩ cũng mong được đồng hành quảng bá phim ở nhiều tỉnh, thành, như các êkíp nước ngoài thường làm khi phim ra mắt...”, nghệ sĩ Như Quỳnh chia sẻ.

Khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá thương hiệu LHP nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, khâu quảng bá LHP Việt Nam thời gian qua vì liên quan đến thủ tục hành chính, văn bản pháp lý, nên thời gian truyền thông cho sự kiện ngắn. Ví như việc Cục Điện ảnh sẽ tổ chức LHP Việt Nam ở Huế vào năm sau nhưng chưa truyền thông sự kiện vì các giấy tờ liên quan đến khâu tổ chức chưa hoàn thiện. “Bên cạnh đó, việc BTC dường như vẫn coi sự kiện giống như một ngày kỷ niệm truyền thống của ngành điện ảnh, vì thế mời nhiều người lớn tuổi, không còn hoạt động trong nghề tham gia. Trong khi, chúng ta nên hướng đến các nhà sản xuất trẻ - lực lượng nòng cốt của làng phim hiện đại”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết. 

 Việc BTC dường như vẫn coi sự kiện giống như một ngày kỷ niệm truyền thống của ngành điện ảnh, vì thế mời nhiều người lớn tuổi, không còn hoạt động trong nghề tham gia. Trong khi, chúng ta nên hướng đến các nhà sản xuất trẻ - lực lượng nòng cốt của làng phim hiện đại.

(Cục trưởng Cục Điện ảnh VI KIẾN THÀNH)

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top