Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quyết liệt dập dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan ra cộng đồng

Thứ Tư 08/07/2020 | 10:41 GMT+7

VHO- Tính từ đầu tháng 6 đến nay, ở Tây Nguyên đã có 3 tỉnh xuất hiện ổ dịch với 41 ca mắc vi khuẩn bạch hầu và 3 trường hợp tử vong tại một số địa phương như Gia Lai, Đắk Nông… Những con số này cho thấy bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp.

 Ngành Y tế khám sàng lọc cho người dân xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa (Gia Lai)

 Hiện ngành Y tế các tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để khoanh vùng, dập dịch và tiến hành các biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Bốn tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch với 44 ca

Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 6 đến nay cả nước có 4 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu gồm TP.HCM, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông với tổng 44 ca mắc. Trong đó Đắk Nông ghi nhận có 17 ca dương tính (2 trường hợp tử vong), Gia Lai ghi nhận 10 trường hợp mắc vi khuẩn bạch hầu (1 tử vong), Kon Tum có 16 ca mắc. Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, tối 3.7, tại bon Bu N’doh, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp ghi nhận một trường hợp là cháu Đ.K (17 tuổi) dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Ngay sau đó, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch và khám sàng lọc thì phát hiện thêm cháu Đ.M.K (7 tuổi) trú tại bon Bu N’doh cũng dương tính với bạch hầu.

Như vậy, tính từ thời điểm đầu tháng 6 đến nay tại Đắk Nông đã có 17 ca dương tính với bạch hầu, trong đó 2 ca đã tử vong. Ngành Y tế đang phối hợp với cơ quan chức năng lập 3 điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ khu vực tại nơi xuất hiện dịch. Ngoài ra bố trí nhân lực, vật tư y tế tiến hành khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và trong ngày 7.7 tổ chức tiêm vắcxin phòng chống dịch cho 726 người trong bon Bu N’doh và các khu vực lân cận.

Tại Kon Tum, từ đầu năm đến nay xuất hiện 10 ổ dịch với 23 trường hợp mắc bạch hầu tại các huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng trong những ngày từ 27.6 đến 2.7 đã có 16 trường hợp dương tính với bạch hầu (trong đó 9 trường hợp người lành mang trùng) ở xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy). Các trường hợp mắc đều là người đồng bào dân tộc. Theo bác sĩ Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, đa số trường hợp dương tính với bạch hầu từ đầu năm 2020 đến nay đều là người lớn tuổi, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do điều kiện sinh hoạt, vệ sinh không đảm bảo, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế cũng khiến một số đối tượng dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh, lây ra cộng đồng.

Qua số liệu thống kê cho thấy, các ổ dịch trong những năm gần đây đều được kiểm soát tích cực, khống chế kịp thời và hiệu quả. Bệnh bạch hầu xuất hiện những năm gần đây do nguồn lực hạn chế nên công tác tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib phòng chống bệnh chưa được rộng rãi, còn người dân ở một số vùng có nguy cơ thì chưa được tiêm phòng. “Giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu là triển khai tiêm vắcxin Td (vắcxin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu) cho đối tượng từ 7 tuổi trở lên để miễn dịch cho cộng đồng. Ngành Y tế Kon Tum cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên quan tâm, hỗ trợ vắcxin Td và vật tư để triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để triển khai tiêm vắcxin Td trên diện rộng cho các xã nguy cơ phòng chống dịch bệnh để đảm bảo công tác phòng, chống lây lan trong cộng đồng”, ông Thanh nói.

 Ngành Y tế tỉnh Kon Tum phối hợp chính quyền địa phương thành lập các chốt liên ngành để khoanh vùng, khống chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng

Các địa phương phải thực hiện nghiêm các biện pháp

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, trong các ngày 3.7 và 6.7, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông, Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Để giảm thiểu trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài. Chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo quy định. Tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng. Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.

Đối với Kon Tum, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Đặc biệt để hạn chế người mắc và tử vong, địa phương cần tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong…

Tại Gia Lai, trường hợp đầu tiên ghi nhận mắc bệnh bạch hầu là cháu bé 4 tuổi ở huyện Đắk Đoa, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong sáng 5.7. Ngành Y tế đã tỉnh Gia Lai nhanh chóng tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm 24 trường hợp là người thân của cháu bé tử vong, kết quả 9 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Sau khi xuất hiện 10 trường hợp mắc bạch hầu, 1 ca tử vong, ngay trong ngày 6.7, UBND tỉnh Gia Lai đã ra văn bản hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị gấp rút phòng dịch, chấm dứt việc lây lan. Sở Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, chú trọng lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, cách ly các trường hợp mắc; chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, nhân lực, vật tư, thuốc… để phục vụ y tế. Sở GD&ĐT tỉnh triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục; chủ động phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận khác cho giáo viên, học sinh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ... và yêu cầu cho học sinh xã Hải Yang nghỉ học 1 tuần. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Đắk Đoa kịp thời hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống, sản xuất của người dân địa phương, nhất là ở xã Hải Yang.

Để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh bạch hầu, Phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy (Kon Tum) và Đắk Đoa (Gia Lai) đã cho học sinh từ cấp mầm non đến THCS được nghỉ học. Đồng thời, ngành GD&ĐT phối hợp với cơ sở y tế tổ chức khám sàng lọc bệnh bạch hầu, tổ chức tiêm vắcxin phòng ngừa cho trẻ theo quy định. 

 NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top