Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phân hạng giấy phép lái xe: Sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân

Thứ Hai 06/07/2020 | 10:52 GMT+7

VHO- Trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bên cạnh những quy định tạo thuận lợi cho người dân, được nhiều người ủng hộ như cho phép sử dụng giấy xác nhận của tổ chức tín dụng thay cho đăng ký xe khi thế chấp ngân hàng, thì một số quy định liên quan đến giấy phép lái xe được đưa ra khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng.

 Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng nếu thực hiện phân hạng GPLX mới

 Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, giấy phép lái xe (GPLX) được chia làm 17 hạng (Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định 12 hạng GPLX). GPLX các hạng A0, A1, A, B1 không quy định thời hạn; GPLX hạng B2 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 60 tuổi, đối với các trường hợp từ 60 tuổi trở lên, GPLX có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; GPLX hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp…

Phù hợp với chuẩn quốc tế?

Trong 17 hạng này, quy định mới về GPLX của xe máy đang khiến nhiều người đặc biệt quan tâm và nếu được thực hiện thì hàng triệu người bị ảnh hưởng, bởi ở Việt Nam lượng xe máy chiếm phần lớn trong giao thông hằng ngày của người dân. Tại Luật Giao thông đường bộ 2008, người được cấp GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xy lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc. Với dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, người có GPLX hạng A chỉ được phép điều khiển xe có dung tích xy lanh đến 125cc và động cơ điện có công suất từ 4 - 11kW. Muốn điều khiển xe có dung tích xy lanh từ 125cc – 175cc thì buộc phải chuyển hạng GPLX.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc phân hạng GPLX theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhằm phù hợp với chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc công nhận GPLX của Việt Nam và quốc tế theo nguyên tắc ngoại giao có đi, có lại, tạo điều kiện sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, đối với người đã được cấp GPLX thì sẽ tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1, A2, A3 không thời hạn). Trường hợp hết hạn thì đổi sang GPLX theo hạng mới tương ứng. Còn đối với người được cấp GPLX mới, hoặc cấp đổi GPLX sẽ được phân chia lại theo hạng GPLX mới. Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân.

Tuy nhiên, nếu những quy định về phân hạng GPLX trong dự thảo Luật được thực hiện, những người được cấp mới GPLX có thể gặp không ít rắc rối. Ví dụ, vợ có xe máy có dung tích xy lanh dưới 125cc (GPLX hạng A1), chồng có xe máy có dung tích từ 125cc trở lên (GPLX hạng A), nếu vợ muốn đi xe của chồng thì không thể. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, những quy định về GPLX như trong dự thảo Luật có thể tạo ra sự lẫn lộn, có thể gây sự nhầm lẫn cho người dân cũng như cơ quan quản lý. Điển hình như sẽ xuất hiện cùng 1 hạng GPLX A1 nhưng giá trị sử dụng lại khác hẳn nhau: GPLX hạng A1 theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được điều khiển xe có dung tích xy lanh từ 50 – 175cc, trong khi đó, GPLX hạng A1 (mới) chỉ được điều khiển xe từ có dung tích xy lanh từ 50 – 125cc.

Cần nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất

Một số chuyên gia cho rằng, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX có 12 hạng đã rất hợp lý, không cần phải chia nhỏ thành 17 hạng. Ý kiến của đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân là chưa thỏa đáng và sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Bên cạnh đó, đề xuất quy định phải khoa học và phù hợp với thực tiễn, không phải cứ đề xuất ra, dư luận không đồng tình thì bỏ hoặc thay đổi, còn không thấy ai nói gì là giữ lại. Đơn cử như các nội dung gây nhiều ý kiến tranh luận về quy định về đèn nhận diện của xe môtô, khi dư luận phản ứng dự thảo đã chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông, mà chỉ quy định sử dụng đèn nhận diện nếu phương tiện đã có thiết kế loại đèn này. Điều kiện về kinh doanh vận tải cũng đã bỏ yêu cầu bộ phận quản lý an toàn phải tập huấn và nhận chứng chỉ, thay vào đó là việc hậu kiểm của các cơ quan quản lý.

Rõ ràng, bên cạnh những quy định được nhiều người ủng hộ như cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn, cấm dùng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, cấm quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc, các quy tắc trên đường cao tốc, quy tắc cho người đi bộ, quy định cụ thể trách nhiệm của người có liên quan khi xử lý tai nạn giao thông, lái xe được theo dõi số lần vi phạm hành chính và số lần tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng trên cơ sở dữ liệu quản lý để thu hồi GPLX nếu tái diễn nhiều lần… thì việc phân hạng GPLX đang khiến nhiều người băn khoăn, thậm chí lo lắng cho những bất cập, rắc rối có thể gặp phải nếu được thực hiện tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Người dân đều mong muốn các quy định của Luật cần rõ ràng, phù hợp với thực tiễn, thuận lợi trong việc áp dụng. 

Q.XƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top