Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Những mô hình điểm

Thứ Hai 06/07/2020 | 10:33 GMT+7

VHO- Trong sự chuyển biến tích cực về thực hiện nếp sống văn minh trong đời sống lễ hội những năm gần đây, chính quyền nhiều địa phương và các BQL di tích, BTC lễ hội đã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh của người tham gia lễ hội.

BTC Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện NSVM trong lễ hội

Đáng chú ý là có những cách làm được xem như những kinh nghiệm, mô hình điểm để nhân rộng.

Xác định yếu tố “văn minh” là trọng tâm

Xác định nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội là nhiệm vụ trọng tâm, với đặc thù là một lễ hội lớn, thời gian kéo dài, BTC Lễ hội chùa Hương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”. Lễ hội hằng năm được xác định phải bảo đảm các yếu tố: An toàn, văn minh, lịch sự, đạt hiệu quả cao. BQL di tích, BTC lễ hội đã tích cực triển khai các nội dung tại Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu Di tích & Thắng cảnh Hương Sơn thực sự là Di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, từng bước đề nghị tổ chức UNESCO công nhận chùa Hương là Di sản Văn hoá Thế giới. Theo đó, lễ hội Chùa Hương hằng năm được tổ chức trang trọng, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống; đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và du khách. Những nội dung chấp hành quy định pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được tăng cường như chấn chỉnh tồn tại về dịch vụ hàng quán; nêu cao vai trò cộng đồng trong giữ gìn, tôn tạo và xử lý các vi phạm trong khu di tích, thắng cảnh.

Trước mùa lễ hội năm 2020, nhiều chuyển biến về thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội trọng điểm này đã được ghi nhận như: Không đốt hương, vàng mã trong các khu nội tự; Không có hiện tượng biểu hiện mê tín dị đoan; Không có tình trạng hành khất xin ăn; Không có tệ nạn cờ bạc, trộm cắp móc túi; Không có tình trạng kinh doanh đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội; Không có dịch bệnh xảy ra trong khu vực lễ hội; Không thu phí vệ sinh công cộng.

Năm 2020, trước tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, lễ hội chùa Hương đã có thay đổi lớn về kế hoạch và nội dung tổ chức. Quy mô lễ hội và các hoạt động phần hội dừng lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL. Thay vào đó, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại di tích được đẩy mạnh, với nhiều nội dung được triển khai như phun khử trùng, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, tuyên truyền trên loa và hệ thống trực quan…

Tại Hải Dương, việc triển khai Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội đã mang đến nhiều đổi thay tích cực. Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về triển khai thực hiện Nghị định, trong đó nhấn mạnh: việc thẩm định nội dung tổ chức lễ hội phải đảm bảo đúng quy định về tổ chức lễ hội; không chấp thuận các yếu tố có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển; đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của BTC lễ hội… Những biện pháp tuyên truyền này đã góp phần tích cực mang đến một diện mạo mới về nếp sống văn minh tại các lễ hội trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong thời gian qua.

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ VHTTDL, nhiều biện pháp phòng chống dịch được BQL các di tích, BTC lễ hội triển khai trong mùa lễ hội 2020

Nhân rộng những cách làm hay

Theo Sở VHTT TP. HCM, việc triển khai công tác tuyên truyền và thực hiện các văn bản pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội trên địa bàn Thành phố đã góp phần đẩy lùi các hiện tượng thiếu văn minh, không lành mạnh; qua đó tạo nhận thức tích cực đối với việc xây dựng lối sống, ứng xử văn hóa trong mỗi cá nhân, trong từng gia đình, từng cộng đồng khi tham gia lễ hội.

Thời gian qua, Sở VHTT TP đã chỉ đạo Phòng VHTT các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra tại các điểm di tích, lễ hội. Qua đó, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép, không phù hợp với thuần phong mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn; lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, thu lợi bất chính và tổ chức các hoạt động trái pháp luật; đặt tiền công đức, đặt tiền lễ tùy tiện không đúng quy định; lạm dụng việc huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội và các biểu hiện không lành mạnh khác trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, Sở chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá…

Nhận định về diện mạo có nhiều chuyển biến mới mẻ, tích cực tại các lễ hội lớn trong một vài năm qua, ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa (Cục Văn hóa cơ sở) cho rằng, rất nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã được các địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội triển khai tích cực. Đặc biệt sau khi Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đi vào cuộc sống, lĩnh vực luôn thu hút sự quan tâm của xã hội này đã được thiết lập một hành lang pháp lý cần thiết, đầy đủ những quy định nhằm điều chỉnh, quản lý những khía cạnh nhạy cảm, có nhiều tác động đến đời sống, trong đó có nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội. “Sự chủ động, tích cực của các địa phương cũng như những mô hình tiêu biểu được triển khai chính là những yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi những yếu tố phản cảm, thiếu văn minh, lành mạnh, không phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc đã và đang tồn tại ở một số lễ hội. Qua mỗi mùa lễ hội, việc nhìn nhận, đánh giá lại những mô hình tiêu biểu để tiếp tục nhân rộng sẽ là những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, tạo chuyển biến rõ nét về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội”, ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ. 

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tại lễ hội Đền Trần (Nam Định)

Theo BQL di tích Đền Trần, Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), một trong những giải pháp đưa đến thay đổi quan trọng tại lễ hội trọng điểm này là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức, có chiều sâu; tập trung giới thiệu hình ảnh trực quan và các giá trị văn hoá, lịch sử của di tích, của lễ hội. Việc thường xuyên phát trên loa các quy định về công tác quản lý, nếp sống văn minh lễ hội đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng và du khách đến với lễ hội. BQL di tích cũng đã phát hành nhiều bài tuyên truyền về di tích, về lễ hội, ký cam kết với các hộ bán hàng cố định tại các ki ốt và khu vực quy định… Nhờ vậy, lễ hội đã khắc phục được nhiều hiện tượng phản cảm như chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, ném tiền lên kiệu ấn… MINH NGỌC

Quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định mới ở Bến Tre

Sau khi Nghị định 110 ban hành, tỉnh Bến Tre xác định rõ hơn về nội dung, hình thức tổ chức lễ hội ở các cấp và tổ chức tập huấn, hướng dẫn, yêu cầu cấp cơ sở xác định rõ mục đích, ý nghĩa, về điều kiện, quy mô tổ chức lễ hội tại địa phương. Đồng thời, hướng dẫn cấp cơ sở cụ thể việc thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội, có phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống. Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nội dung đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội diễn ra trên địa bàn theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 110. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác. PHƯƠNG MAI

 

 BẢO TÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top