Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

15 Tháng Ba 2024

Làm việc với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Quan trọng nhất vẫn là tác phẩm chất lượng cao

Thứ Tư 20/05/2020 | 09:00 GMT+7

VHO- Thống nhất với giải pháp hỗ trợ kinh phí để các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL có thể biểu diễn đồng loạt trên các sân khấu, với mục đích kéo khán giả quay lại với nhà hát sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất hiện nay là các đơn vị nghệ thuật phải có những tác phẩm chất lượng cao. Nếu để “lọt” những chương trình kém chất lượng, khán giả sẽ quay lưng rồi dẫn đến mất niềm tin với nghệ thuật biểu diễn...

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc 

 Đó là một trong những nội dung quan trọng tại buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Tạ Quang Đông với lãnh đạo các đơn vị Khối nghệ thuật thuộc Bộ, nhằm trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động biểu diễn sau Covid-19 vào ngày hôm qua 19.5, tại Hà Nội.

Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng nghệ thuật

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, trong cái khó khăn mùa dịch Covid-19 thì đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ có một “khoảng lặng” cần thiết để nhìn lại chính mình. Giảm bớt giãn cách xã hội, nhiều hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng với nghệ thuật biểu diễn thì đây là lúc cần phải có sự thay đổi tư duy về làm nghệ thuật, theo đó mới kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của khán giả.

“Trên thực tế có nhiều chương trình nghệ thuật còn sơ sài, cẩu thả từ nội dung tới hình thức. Nếu cứ dựng và diễn theo lối mòn thì xin đừng kêu ca là vì sao khán giả không tới rạp, nhà hát. Mười hai nhà hát của Bộ phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy để làm nên những tác phẩm hay, có chất lượng và chạm được tới trái tim khán giả. Để đạt được như vậy thì cần phải đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp hơn, hấp dẫn và hiện đại hơn”, Bộ trưởng hết sức lưu ý. Trước và ngay sau giãn cách xã hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức hai chương trình nghệ thuật đặc biệt và tạo được những dấu ấn đậm nét, đó là Mùa xuân dâng Đảng nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Dâng Người tiếng hát mùa Xuân nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là những chương trình nghệ thuật phục vụ với mục đích chính trị thông qua những tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, nhưng điều mà khán giả cũng như đông đảo những người làm nghệ thuật ghi nhận ở đây chính là ở sự công phu đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo. Nhìn nhận thành công của hai chương trình đặc biệt này cũng như một loạt các chương trình do Bộ VHTTDL tổ chức, Bộ trưởng cho rằng, con đường duy nhất để sinh tồn của nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường chính là các đơn vị nghệ thuật phải xây dựng thương hiệu riêng bằng chất lượng nghệ thuật và được đánh giá bằng thước đo từ khán giả.

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân”

“Chỉ cần để “lọt” ra ngoài một chương trình nghệ thuật có chất lượng kém, không đáp ứng được tiêu chí cao nhất là chất lượng thì sẽ làm giảm đi niềm tin và uy tín thương hiệu của mỗi nhà hát. Vì vậy, điều mà các đơn vị nghệ thuật cần quan tâm không phải là số lượng chương trình được dàn dựng nhiều hay ít, mà chính là chất lượng”, Bộ trưởng khẳng định.

Sẽ là cuộc “ra quân” đồng loạt

Tại buổi làm việc, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt đó là hỗ trợ tài chính cho các đơn vị tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn, cũng như ngay tại rạp của các đơn vị. Theo kế hoạch này, ngành nghệ thuật sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt tại các địa điểm như: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Nhà hát Lớn, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian Văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ... Với các đơn vị nghệ thuật chưa có rạp biểu diễn như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Bộ sẽ bố trí, sắp xếp biểu diễn tại những địa điểm phù hợp.

Nhà hát Tuổi Trẻ đánh dấu sự trở lại nhanh chóng sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covdi với dự án "Bay lên những ước mơ" mùa 2 diễn ra vào đầu tháng 6.2020

Vở Bệnh sĩ (Tác giả Lưu Quang Vũ) của Nhà hát Kịch Việt Nam là vở diễn mở đầu cho đợt biểu diễn phục vụ khán giả của 12 nhà hát thuộc Bộ vào tối thứ 7, ngày 23.5.2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng thống nhất với đề nghị của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ lựa chọn một chương trình nghệ thuật hoặc vở diễn tiêu biểu để biểu diễn ngay trong dịp này. Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng thu xếp thời gian để tham dự buổi diễn đầu tiên của mỗi đơn vị nhằm cổ vũ, động viên các nghệ sĩ. Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ cần có những hành động cụ thể, thiết thực để ủng hộ kế hoạch này. Theo dự kiến, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ “mở màn” với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối thứ 7 ngày 23.5; Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sẽ chọn một bộ phim hay để chiếu vào tối Chủ nhật ngày 24.5.

Việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL đã giải quyết được những khó khăn trước mắt đó là làm sao để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp biểu diễn. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều có chung mong muốn cơ quan quản lý sớm nghiên cứu, xây dựng thành chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn với định hướng lâu dài hơn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao cho các nhà hát; xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống... Ngay cả với bài toán về khán giả cũng cần có những dự án để xây dựng thế hệ công chúng mới cho nghệ thuật, nhất là việc tiếp cận với khán giả trẻ. 

 Người làm nghệ thuật biểu diễn cũng cần có cả tư duy làm kinh tế. Hãy yêu chính mình, tâm huyết với tác phẩm của mình làm ra trước khi kêu gọi người khác đến với nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật cũng nên bỏ tiền ra mua vé để đến xem các chương trình biểu diễn của đơn vị bạn. Có xem thì mới biết được mình đang ở đâu và tự hỏi rằng có đủ sức để tham gia cuộc chạy đua cạnh tranh lành mạnh trong nghệ thuật cũng như tự thay đổi tư duy của chính mình hay không?

(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)

 

  Trên thực tế có nhiều chương trình nghệ thuật còn sơ sài, cẩu thả từ nội dung tới hình thức. Nếu cứ dựng và diễn theo lối mòn thì xin đừng kêu ca là vì sao khán giả không tới rạp, nhà hát. Mười hai nhà hát của Bộ phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy để làm nên những tác phẩm hay, có chất lượng và chạm được tới trái tim khán giả. Để đạt được như vậy thì cần phải đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp hơn, hấp dẫn và hiện đại hơn…

 THÚY HIỀN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top