Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Coi chừng hiểm họa khôn lường!

Thứ Hai 23/03/2020 | 11:46 GMT+7

VHO- Sau khi có thông tin về thuốc sốt rét HydroxyCloroquin (HCQ) có thể điều trị bệnh Covid-19, không ít người đã tìm mua loại thuốc này để tích trữ dẫn đến việc thiếu hụt thuốc trên thị trường.

 Lời đồn khiến người dân đổ xô mua thuốc HCQ phòng chống bệnh Covid-19

Các chuyên gia cảnh báo, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thuốc sốt rét có thể điều trị được bệnh Covid-19.

Nghe theo tin đồn trên mạng, suýt nữa mất mạng

Ngày 21.3, một bác sĩ cho biết vừa cấp cứu một người đàn ông 44 tuổi, uống 4g Cloroquin (tương đương 20 viên 200mg hoặc 16 viên 250mg) vì nghe theo tin đồn trên mạng xã hội là uống thuốc có thể đề phòng dịch bệnh Covid-19. Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn mờ, lơ mơ… Bệnh nhân đã được cho thở máy, dùng thuốc vận mạch rửa dạ dày, lợi tiểu.

Bệnh nhân này có lẽ là nạn nhân đầu tiên của sự cả tin dùng thuốc HCQ để chữa bệnh Covid-19. Thông tin được lan truyền sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng về việc Cloroquin và Azithromycin chữa được Covid-19. Hậu quả là nhiều người tìm mua loại thuốc này, khiến nhiều nhà thuốc bán lẻ đã hết hoặc trở nên khan hiếm, thuốc bị đẩy giá lên từ 100.000 đồng hộp lên 200.000 đồng/ hộp. Trong khi đó những bệnh nhân được chỉ định sử dụng loại thuốc này cho các bệnh mãn tính thì không có để mua.

Đề cập về điều này, PGS. TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) cho biết, HCQ/cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ... HCQ là Cloroquin có gắn thêm nhóm (–OH) để giảm các tác dụng phụ so với cloroquin thông thường, cho dù vậy thuốc vẫn có rất nhiều tác dụng phụ, như gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu, các bệnh lý về tim mạch có thể gây đột tử…

Tuy nhiên, một thực tế là một số quốc gia như Trung Quốc đã sử dụng loại thuốc này trong trận dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Câu hỏi đặt ra là thuốc này có tác dụng điều trị Covid-19 không, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, “có thể” nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sàng không ngẫu nhiên, không đối chứng cũng cho thấy các tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý để đưa một loại thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vắcxin vậy. Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin.

Có biết nguy hiểm thế nào không?

Nói về việc sử dụng HCQ, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan nhanh trở thành đại dịch toàn cầu trong một thời gian ngắn đã thúc đẩy các quốc gia, các nhà nghiên cứu phải gấp rút tìm ra vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho loại virus “quái ác” này. Thời gian quá gấp rút vì vậy con đường ngắn nhất cho các nhà nghiên cứu là tầm soát lại những loại thuốc đã được sử dụng một thời gian dài, có bằng chứng về sự an toàn khi sử dụng và có hoạt tính ngăn ngừa tiêu diệt được virus. Do vậy một loạt các loại thuốc như Remdesivir (thuốc điều trị Ebola, SARS), Lopinavir/Ritonavir và Darunavir (thuốc diều trị HIV), Favipiravir (thuốc điều trị cúm)… và cả Chloroquine/ HCQ được các nhà nghiên cứu chọn lựa để thử nghiệm điều trị virus SARS-Cov 2.

“Về HCQ đã được các nhà khoa học đưa ra một số kết luận như có tác dụng ức chế sự phát triển của virus (trong ống nghiệm) gấp 3 lần so với chloroquin (ở liều thử nghiệm). HCQ có tác dụng kháng viêm khá tốt và làm giảm phóng thích các hoạt chất trung gian (cytokins) do vậy rất có thể có tác dụng tốt cho việc ngăn chặn tiến trình tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp (hay các cơ quan nội tạng) và ngăn chặn diễn tiến tới sốc ở những bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, liều điều trị thích hợp trên người cần kiểm chứng thêm”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.

Việc người dân đổ xô đi tìm mua, tích trữ thuốc HCQ gây ra tình trạng thuốc khan hiếm ảo, giá thuốc tăng vọt trong những ngày qua là một sự ngạc nhiên lớn cho các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ trong nước. “Việc mua thuốc tích trữ có biết uống thuốc theo liều lượng nào để chữa bệnh Covid-19 không? Có biết những đối tượng nào tuyệt đối không được dùng thuốc không? Có biết tác dụng phụ nào đáng ngại nhất và cách theo dõi nó không? Nếu nhiễm bệnh thì điều trị ở nhà hay vào bệnh viện mà cần tích trữ thuốc…” là những câu hỏi đặt ra mà người dân cần trả lời trước khi bỏ tiền ra để mua thuốc HCQ mong điều trị bệnh Covid-19.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam có sẵn nguyên liệu và sản xuất số lượng lớn loại thuốc này vì sốt rét là một trong những bệnh phổ biến, cần loại trừ ở Việt Nam chứ không hiếm như các nước ôn đới. Cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có khuyến cáo một cách chính thức về việc sử dụng thuốc HCQ cho dự phòng hay chữa bệnh Covid-19. Vì vậy, cộng đồng cần tuân thủ đầy đủ khuyến cáo của Bộ Y tế, có bệnh, nghi ngờ có bệnh cần tư vấn thầy thuốc, tuyệt đối không tự ý mua thuốc HCQ để uống nhằm mục đích dự phòng hoặc điều trị tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

 Chưa có cơ sở

Theo thông tin chúng tôi được biết thì việc đưa thuốc có thành phần chloroquine vào điều trị bệnh Covid-19 của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) còn đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, chứ chưa có khuyến cáo sử dụng thuốc này. Cùng với đó, thuốc mà FDA đang nghiên cứu là chlo­roquine, nhưng có gốc khác gốc với thuốc đang lưu hành tại Việt Nam để điều trị bệnh sốt rét. Vì vậy việc mua thuốc chloroquine đang lưu hành tại Việt Nam để dự phòng chữa bệnh do virus Covid-19 là chưa có cơ sở.

(TS NGUYỄN QUANG THIỀU, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương)

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top