Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Một họa sĩ kêu cứu vì bị mạo danh trên sàn đấu giá quốc tế

Thứ Hai 23/03/2020 | 11:34 GMT+7

VHO- “Chào anh Ngô Kim Khôi. Tôi là họa sĩ Nguyễn Thụ. Tôi nghe nói có người mạo danh tôi, làm tranh sơn mài mang đi đấu giá ở Pháp, mà tôi thì chuyên vẽ tranh lụa. Mong anh lên tiếng giúp tôi, cảm ơn anh”, họa sĩ Nguyễn Thụ “cầu cứu” đồng nghiệp.

 Bức sơn mài “Thuyền buồm dưới ánh trăng” mạo danh hoạ sĩ Nguyễn Thụ (chữ ký góc phải tranh) Nguồn ảnh: AGUTTES

 Nỗi lòng của họa sĩ lão làng

Họa sĩ Nguyễn Thụ ở tuổi 90 đã phải “cầu cứu” đồng nghiệp cùng chung tay giúp ông tháo gỡ vướng mắc liên quan tới việc mạo danh trên các sàn đấu giá quốc tế. Dù cả đời không sáng tác một bức sơn mài nào, nhưng mới đây ngày 12.3.2020, sàn đấu giá online của Aguttes (Pháp) đưa lên bức sơn mài có thông tin tác giả là họa sĩ Nguyễn Thụ, mang tên Thuyền buồm dưới ánh trăng, sơn mài thếp vàng, được bán với giá 400€. Trước đó, ngày 21.6.2018, bức sơn mài Gánh hàng hoa cũng được đưa lên sàn nhà đấu giá Lynda Trouvé tại Trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot, Paris, được giới thiệu của họa sĩ Nguyễn Thụ, chất liệu sơn mài cẩn trứng, giá khởi điểm được đề nghị là 300 /500€, nhưng không bán được. Cả 2 bức đều có giá bán khá thấp so với giá tranh thực tế (lên tới vài nghìn đô một bức) của họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Thụ.

Bức xúc vì bị mạo danh, họa sĩ Nguyễn Thụ đích thân quay một video, nhờ nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi viết bài lên án những tranh sơn mài đem bán tại Pháp vừa rồi đã mạo danh tên ông, đó là tranh giả.

Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên khóa 1 (1957- 1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên của trường và giữ cương vị Hiệu trưởng từ năm 1985 đến năm 1991. Ông bén duyên và dành tâm huyết cả đời mình cho những bức tranh lụa. Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng như như Cô gái Tày, Làng ven núi, Mẹ con... Nhiều tác phẩm của ông đã nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng trên thế giới và tư nhân. Việc tranh Nguyễn Thụ xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế không có gì ngạc nhiên. Nhưng việc khiến ông phải lên tiếng cầu cứu các đồng nghiệp, đặc biệt là nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi hiện đang sinh sống tại Pháp lại bởi một lý do tréo ngoe, người ta trưng tên ông với sơn mài, trong khi cả đời Nguyễn Thụ chưa từng sáng tác một bức sơn mài nào.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, hiện nay, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nghệ thuật. Tất cả mọi giao dịch đều bị đình trệ. Vì thế, ông chưa thể tới 2 nhà đấu giá nói trên để phản ánh bức xúc của họa sĩ Nguyễn Thụ.

 Bức tranh “Gánh hàng hoa” được rao bán trên sàn nhà đấu giá Lynda Trouve Nguồn ảnh: LYNDA TROUVÉ

Vấn nạn tranh Việt giả trên trường quốc tế

Cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, vấn nạn tranh giả đã đưa tranh Việt vào sự hỗn loạn và lũng đoạn thị trường, làm cho tranh Việt không thể vươn cao. Đa số trường hợp tranh giả là do người Việt hại chính người Việt. Họa sĩ Việt Nam chép tranh, giả tranh của thế hệ danh họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rồi đưa vào các phòng trưng bày bên Pháp. Các nhà sưu tập Việt Nam tưởng rằng tranh ở Pháp đã được kiểm chứng nên mua về. Trong khi đó, mối quan hệ của phòng trưng bày với những người chép tranh, môi giới rất phức tạp và nhạy cảm.

Tuy nhiên, ở trường hợp này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cũng đưa ra một giả thiết khác. Có thể, các nhà đấu giá tại Pháp đôi khi không hiểu hết các tên tiếng Việt, nhất là các dấu trong ngôn ngữ Việt Nam, cứ thấy ký “NgThu” thì cố tìm ra một người họa sĩ có tên giống như thế để gán vào mà không hỏi hay tìm hiểu thêm. Họa sĩ Nguyễn Thụ là một tên tuổi sáng giá, phải chăng vì vậy tên của ông đã bị gán vào tranh sơn mài của một nghệ nhân hay hãng sơn mài nào đó có tên NgThu, NgThư, NgThứ… chăng?

Nhưng, vẫn phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn nạn mạo danh các tên tuổi của hội họa Việt Nam trên các sàn đấu giá nước ngoài. Nguyễn Thụ không phải là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam bị mạo danh trên sàn đấu giá quốc tế. Trước đó, nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong cũng đã đưa lên trang web chào bán trước khi buổi đấu giá bắt đầu nhiều tác phẩm của các danh họa thế hệ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... 

NGỌC MINH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top