Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mong chờ tín hiệu khởi sắc từ phim cổ trang Việt

Thứ Tư 18/03/2020 | 09:11 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, thị trường phim Việt khó tìm được sản phẩm quá xuất sắc nhưng phải thừa nhận rằng phim Việt đang dần trở nên chuyên nghiệp, có sự đầu tư chỉn chu, đặc biệt là dòng phim cổ trang, dã sử, phim hướng đến các nhân vật, giai thoại trong văn học, văn hóa dân gian đang được quan tâm và hứa hẹn đem lại diện mạo mới khởi sắc hơn cho thị trường phim Việt.

 Phim “Trạng Quỳnh” thành công về mặt doanh thu nhưng bị chê về cốt truyện yếu

 So với nhiều nước khu vực Bắc Á có nền điện ảnh phát triển mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, phim cổ trang Việt khiêm tốn hơn rất nhiều.

Danh sách đang nối dài

Trong lịch sử điện ảnh cổ trang Việt, có thể kể đến một số phim như Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca, Mỹ nhân kế, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Trạng Quỳnh hay trước đó nữa là các tác phẩm Đêm hội Long Trì, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại… Tuy nhiên, dòng phim này từ lâu vẫn là “ca khó” đối với các nhà sản xuất và đạo diễn, do đó tới tận sau này số lượng phim ra đời chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong năm 2020, dự kiến sẽ ra mắt khá nhiều bộ phim cổ trang được chuyển thể từ truyện cổ tích, truyện tranh, tác phẩm văn học nổi tiếng và cả nhân vật lịch sử. Trong danh sách các phim được công chúng kì vọng, có thể kể đến Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Bộ phim chuyển thể dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng của Việt Nam Thần đồng đất Việt. Nội dung phim lấy bối cảnh thời Hậu Lê, nhưng những sự kiện xảy ra không trùng lặp với thực tế mà góp nhặt từ nhiều sự kiện, điển tích khác nhau của lịch sử Việt Nam. Phim dự kiến khởi chiếu vào 1.5. Gợi sự chờ đợi không kém là dự án phim được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du do nhà sản xuất Mai Thu Huyền thực hiện, dự kiến bấm máy vào tháng 4 để kịp rạp vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, lấy cảm hứng từ câu chuyện hai vị Nữ Vương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Trưng Trắc và Trưng Nhị, dự án phim Trưng Vương của Trương Ngọc Ánh cũng góp mặt trong năm 2020. Nữ diễn viên cũng cho biết còn kết hợp với đạo diễn Victor Vũ để làm phim Sơn Tinh - Thủy Tinh: Chuyện chưa kể… Đặc biệt là mới đây, bộ phim cổ trang, dã sử Phượng khấu ra mắt công chúng trên ứng dụng giải trí trực tuyến cũng được khán giả nồng nhiệt đón nhận, từ đó, bước đầu cung cấp cho người xem một thị trường phim khá đa dạng về phương thức thể hiện cũng như đề tài, cho thấy các nhà làm phim đang nỗ lực chọn một địa hạt khó hơn để thực hiện.

Những nghịch lý buồn

Có thể thấy, số phận các bộ phim cổ trang trong thời gian qua thường rơi vào hai trường hợp: Phim được truyền thông tốt, doanh thu cao nhưng chất lượng kém, tệ hơn là lai tạp yếu tố nước ngoài, thiếu tính thuần Việt nên không được đánh giá cao; hoặc phim có chất lượng ổn, nghiên cứu kĩ lưỡng nội dung thì lại “đìu hiu” tại các rạp chiếu, đó là một nghịch lý không chỉ dòng phim cổ trang hay dã sử mà các thể loại phim khác cũng có chung hoàn cảnh. Năm 2010, Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được giới chuyên gia đánh giá tốt nhưng lại thất bại ở doanh thu phòng vé, thu không bù được kinh phí. Năm 2012, Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ dù ra mắt đúng dịp Tết nhưng bị chê có lai tạp yếu tố không thuần Việt, tâm lý nhân vật hời hợt, rốt cuộc phim chỉ thu về hơn 16 tỉ đồng, trong khi kinh phí đầu tư 25 tỉ. Mỹ nhân kế năm 2013 của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tuy thành công về mặt doanh thu (có lẽ nhờ quy tụ dàn diễn viên đình đám nên thu hút khán giả trẻ) với 57 tỉ đồng nhưng đã không tạo được dấu ấn nào về mặt nội dung cũng như tính nghệ thuật. Tương tự, Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân năm 2017 đã đạt doanh thu khá cao với 66 tỉ đồng nhưng bị đánh giá là nội dung sơ sài, không đặc sắc. Hay gần đây nhất là Trạng Quỳnh của đạo diễn Đức Thịnh dù thắng lớn phòng vé với doanh thu hơn 100 tỉ nhưng không nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn, chủ yếu là bị chê về cốt truyện yếu, ngôn ngữ không phù hợp và cả chuyện lùm xùm tố nhau tại thời điểm đó khiến khán giả mất thiện cảm với bộ phim…

Nỗ lực vượt khó

So với các thể loại phim khác, phim cổ trang, dã sử khó thực hiện hơn vì nhiều yếu tố, từ kịch bản, cốt truyện, diễn xuất cho đến bối cảnh, trang phục và kỹ xảo hậu kỳ,… vì thế mà các nhà sản xuất, đạo diễn “dè dặt” đối với các dự án phim cổ trang Việt cũng là điều dễ hiểu. Việc thiếu hụt những biên kịch chắc tay cùng đội ngũ cố vấn là những chuyên gia về lịch sử, văn hóa đã khiến nhiều phim cổ trang Việt có nội dung hời hợt, rời rạc, không có ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật. Bên cạnh đó, trang phục cổ trang hay bối cảnh cũng là yếu tố được dư luận và giới chuyên môn “soi” nhiều nhất. Hầu hết các bộ phim cổ trang đều có kinh phí cao và rất khó khăn khi phải quay trong điều kiện Việt Nam không có phim trường. Theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, với những bộ phim có sự đặc biệt về thời gian như phim chiến tranh, phim cổ trang, thì bối cảnh chính là một trong những thành tố quan trọng nhất để tạo nên một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa. “Tuy vậy, rất ít nhà sản xuất xác định được đúng đắn tầm quan trọng của bối cảnh. Họ thường lược bỏ hoặc tinh giản đến mức tối đa số tiền đầu tư cho thiết kế mỹ thuật, chỉ quan tâm đến diễn viên và phần nào đó phục trang. Điều này dẫn đến hệ luỵ là rất nhiều bộ phim đều có bối cảnh khá chật chội, góc máy nghèo nàn, sự di chuyển của diễn viên trong mỗi khuôn hình cũng vì thế mà hạn chế hơn nhiều”, đạo diễn trẻ cho biết.

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng các dự án phim cổ trang vẫn nhận được nhiều sự quan tâm, không chỉ từ các nhà chuyên môn, nhà làm phim mà còn từ chính công chúng. Khán giả vẫn đang mong đợi những “siêu phẩm” cổ trang đúng nghĩa. Đó không chỉ là những thước phim chất lượng, mang đậm bản sắc Việt, mà còn là những sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa đối với đời sống tinh thần khán giả Việt, góp phần tăng thêm hiểu biết, tạo động lực cho người xem tìm hiểu về lịch sử, nguồn cội của dân tộc. Một đạo diễn tâm tư: Hiện tại, dòng phim cổ trang Việt Nam đang yếu mà chúng ta cứ né tránh hoài thì bao giờ mới mạnh”. Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng mỗi người góp một chút công sức và quan trọng hơn là sự ủng hộ của khán giả, thì hy vọng dòng phim cổ trang Việt sẽ sớm mở ra một con đường riêng. 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top