Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Kế hoạch lùi thời gian năm học chỉ là thụ động?

Thứ Hai 16/03/2020 | 10:29 GMT+7

VHO- Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục khi kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh lần thứ 2 theo hướng lùi tất cả các mốc thời gian quan trọng như kết thúc năm học, ôn tập và thi cuối cấp…

 Học sinh ở Hà Nội học trực tuyến qua truyền hình

Mặc dù việc điều chỉnh là cần thiết, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, dường như Bộ GD&ĐT thụ động trong việc điều chỉnh kế hoạch năm học hơn là chủ động có một kế hoạch dài hơi để đối phó với dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học dài ngày, có tỉnh còn cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới. Sơ bộ, khoảng 900.000 học sinh lớp 12 sẽ phải thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học vào ngày 8-11.8, theo quyết định điều chỉnh khung thời gian năm học mới nhất của Bộ GD&ĐT. Như vậy, năm nay thí sinh dự thi muộn hơn gần 2 tháng so với năm ngoái. Do kỳ thi THPT quốc gia tổ chức muộn, nên phải đến cuối tháng 8 năm nay, gần 1 triệu thí sinh cả nước mới biết điểm và cuối tháng 9 mới biết đỗ hay trượt đại học. Các tân sinh viên đại học năm 2020-2021 sẽ phải nhập học muộn hơn ít nhất một tháng, vào khoảng tháng 10-11.

Mặc dù trong thông báo về lùi kế hoạch thời gian năm học, Bộ GD&ĐT không nêu mốc hoàn thành tuyển sinh lớp 10, nhưng với việc lùi thời điểm kết thúc năm học một tháng rưỡi, các mốc tuyển sinh lớp 10 có thể lùi tương ứng, tức là phải đến đầu tháng 9 mới hoàn tất. Trong khi thông thường kỳ tuyển sinh quan trọng này diễn ra vào đầu tháng 6, công bố điểm chuẩn vào giữa tháng 6 và đến giữa tháng 7 là hoàn thành. Đó là còn chưa nói tới việc hàng triệu học sinh nghỉ học ở nhà thì phụ huynh phải đôn đáo tìm mọi cách quản lý con em họ, tìm các phương pháp ôn tập, củng cố kiến thức, không ít vị phụ huynh phải xin nghỉ phép ở nhà trông con và trở thành những “gia sư bất đắc dĩ”.

Theo một vị hiệu trưởng trường tư thục, việc các tỉnh, thành vẫn cho học sinh nghỉ tình thế theo từng tuần là bất cập, gây bị động cho phụ huynh và nhà trường. Vị cán bộ quản lý giáo dục này cho rằng, chủ động kéo dài khung năm học đến cuối năm nay là cấp thiết, tạo hành lang pháp lý cho các tỉnh chủ động ban hành lịch nghỉ học gắn liền với biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, phương án công nhận tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh cũng cần linh hoạt, trao quyền chủ động nhiều hơn cho trường đại học để đối phó với tình trạng ngắt quãng trong việc hoàn thành chương trình học.

“Chỉ là giải pháp tình thế” là đánh giá chung của nhiều chuyên gia khi cho tới nay Bộ GD&ĐT đã phải điều chỉnh kế hoạch năm học tới 2 lần, mà chưa ai dám chắc đó là đợt điều chỉnh cuối cùng của năm học này. Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng những điều chỉnh kế hoạch năm học của Bộ GD&ĐT là thụ động, chung chung và kém hiệu quả. “Nếu dịch còn kéo dài vài tháng nữa thì Bộ GD&ĐT chắc chắn lại phải điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, như thế sẽ có rất nhiều hệ lụy và học sinh có nguy cơ sẽ mất một năm học. Điều cần làm là tìm ra biện pháp đối phó cụ thể, hiệu quả như dạy và học trực tuyến như thế nào, công nhận kết quả đó ra sao thì không thấy Bộ chỉ đạo cụ thể”, ông Nhĩ nói. Theo ông Nhĩ, với hệ thống truyền hình Trung ương và các địa phương rộng khắp, Bộ GD&ĐT có thể phối hợp với các đơn vị này xây dựng chương trình dạy và học trực tuyến, đưa ra các quy định cụ thể về quản lý, kiểm tra chương trình, công nhận kết quả dạy và học trực tuyến…

Ít ra đó cũng là biện pháp hiệu quả lúc này, có thể áp dụng trong thời gian có dịch vì dịch bệnh không biết kết thúc lúc nào, không lẽ lùi thời gian kết thúc năm học nhiều lần nữa? Về vấn đề này, theo ThS Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt, đưa ra các giải pháp cụ thể góp phần chống đợt dịch này cũng là cơ hội để Bộ GD&ĐT thay đổi chính sách, hành lang pháp lý để công nhận kết quả học tập trực tuyến. Đây là cách để chúng ta chủ động trong những tình huống bất khả kháng mà không bị gián đoạn chương trình. Cùng quan điểm này, một cán bộ quản lý giáo dục tại TP.HCM cho rằng, một tuần qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan diện rộng, ngành giáo dục cần tính phương án cho nghỉ học dài ngày, có thể kéo dài 1-2 tháng tới, thậm chí nghỉ hết học kỳ II. Nếu tình hình diễn biến như vậy, Bộ GD&ĐT có thể áp dụng giải pháp ghi nhận kết quả 1 học kỳ cho học sinh và cho “nợ” học kỳ II. Ở năm học mới, học kỳ I dành để dạy học kỳ II của năm lớp trước. Nếu bố trí thời gian hợp lý khi hết dịch, khoảng hai năm học sẽ kịp bù một học kỳ còn thiếu. Với học sinh lớp 12, kỳ thi THPT quốc gia có thể lùi đến cuối năm…

Cũng có ý kiến cho rằng, dù Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh kế hoạch khung thời gian năm học tới 2 lần nhưng “cố bám” mốc thời gian kết thúc năm học và thi cử trước thời điểm ngày 5.9 là để gò thời gian năm học mới đúng kế hoạch như mọi năm là không thích hợp ở thời điểm hiện tại. Vì không ai biết thời điểm dịch Covid-19 sẽ kéo dài và kết thúc tại mốc thời gian nào. 

 QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top