Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh di tích quốc gia số 7 Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM: Đằng sau việc chủ nhà muốn trả lại Bằng xếp hạng

Thứ Tư 11/03/2020 | 12:12 GMT+7

VHO- “Đúng là trong đơn thư tôi có viết thể hiện quyết tâm như vậy nhưng tận đáy lòng mình, tôi luôn muốn duy trì di tích này bởi đây là nơi lưu giữ biết bao chiến công, là kỷ niệm thời chiến đấu của biết bao chiến sĩ biệt động Sài Gòn ngày ấy. Ngôi nhà được xếp hạng di tích là niềm tự hào và vinh dự của gia đình chúng tôi, làm sao mà tôi nỡ…”.

Ông Ngô Văn Lập, người mới gửi đơn thư cho UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng đã tâm sự với Văn Hóa như vậy.

Tầng 1 căn nhà là nơi trưng bày các tư liệu, hình ảnh liên quan đến di tích

Tọa lạc tại số 7 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3, TP.HCM (địa chỉ cũ là số 7 Yên Đỗ), tiệm phở Bình nức tiếng Sài Gòn (của vợ chồng ông Ngô Toại) ngày ấy đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6, là nơi tập kết các chiến sĩ biệt động để trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Năm 1988, “địa chỉ đỏ” này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Mới đây, ông Ngô Văn Lập (con trai ông Ngô Toại, đại diện gia đình trực tiếp quản lý ngôi nhà) đã gửi đơn xin trả lại Bằng xếp hạng di tích quốc gia cho TP.

Nơi nuôi giấu của gần 100 chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Có mặt tại tiệm phở Bình vào buổi trưa ngày 8.3 khi khách đã thưa vắng, cũng là thời điểm mọi người khá mệt mỏi chuẩn bị nghỉ ngơi. Vậy nhưng khi chúng tôi đề nghị muốn tham quan di tích, trong điện thoại ông Ngô Văn Lập niềm nở trả lời là sẽ xuống đón ngay. Chỉ mấy phút sau, trong bộ quần áo tươm tất, người chiến sĩ già nhanh chóng đưa chúng tôi lên lầu 1, nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh của các thành viên biệt động Sài Gòn F100...

Trong vai trò là hướng dẫn viên, ông thuyết minh cặn kẽ về chiến công và sự hy sinh của từng chiến sĩ trong các bức ảnh đang được treo trang trọng ở nơi đây. Tiếp đến, ông nói về những cột mốc lịch sử trong chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, vai trò cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6, đã tập kết các chiến sĩ biệt động để trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch… Theo đó, từ năm 1963, vì có vị trí chiến lược nên tiệm phở Bình đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng làm nơi nuôi giấu, hội họp, trao đổi tin tức giữa các chiến sĩ biệt động đầy mưu trí và gan dạ. Lúc ấy, gia đình ông gồm cha, các anh chị em đều tham gia cách mạng, khi đó ông còn nhỏ (12 tuổi) nên làm giao liên. Theo ông Lập, căn nhà 3 tầng này ngày trước có thời điểm nuôi giấu đến gần 100 cán bộ, chiến sĩ. Những lúc đông người như vậy nhiều người có khi phải ngủ ngồi. Vào 20h ngày mồng Một Tết Mậu Thân 1968, tại lầu 2 của ngôi nhà, Bộ Tư lệnh tiền phương đã đọc mệnh lệnh Tổng tiến công và nổi dậy của thành phố…

Nhìn cách ông thuyết minh và hồi tưởng lại một cách say sưa với quá khứ hào hùng của cha anh và các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm ấy, mới thấy ông trân quý di tích này đến nhường nào.

Tiệm phở Bình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988, kế bên là căn nhà số 9 Lý Chính Thắng

Xin được hoán đổi nhà để làm nơi trú ngụ

Ông Lập kể, ngày trước các anh em cùng ba mẹ sống chung trong căn nhà này, đến khi ba anh em đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia về thì “tiếp quản” tiệm phở truyền thống của gia đình và buôn bán cho đến nay. “Ba hộ gia đình anh em chúng tôi gồm 16 người sinh sống trong diện tích nhà quá chật hẹp. Dưới trệt thì duy trì tiệm phở kiếm sống, tầng 1 dành làm khu trưng bày tư liệu, hiện vật của di tích, do vậy chúng tôi phải cải tạo bếp ăn cũ từ ngày trước để làm nơi ở, đồng thời phải cơi nới trên mái sân thượng để ở. Mặc dù vậy hiện căn nhà đã xuống cấp nặng”, ông Lập nói và cho hay bản thân đang bị bệnh nan y không có tiền chạy chữa, ông cũng không có chế độ trợ cấp gì…

Trước sự bức bách về chỗ ở, cách đây 5 năm gia đình ông Lập đã kiến nghị với UBND TP.HCM là xin được hoán đổi căn nhà số 9 Lý Chính Thắng liền kề nhà số 7 (xây dựng cùng thời điểm năm 1963 và chung tường, chung cột, có diện tích tương đương với nhà số 7 di tích), hiện do Nhà nước quản lý và đang bỏ trống. Trả lời kiến nghị này của ông Lập, Ban Tiếp công dân TP đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Giao UBND quận 3 khẩn trương thẩm định giá thực tế 2 ngôi nhà số 7 và số 9 Lý Chính Thắng theo quy định, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo trình UBND TP.HCM quyết định”. Ngày 2.3.2017, Chủ tịch UBND quận 3 đã đề xuất với lãnh đạo TP.HCM mua căn nhà (số 7 Lý Chính Thắng) với giá đề nghị của gia đình là 30 tỉ đồng, và kiến nghị UBND TP giao địa phương chủ động thuê đơn vị thẩm định, sau này trực tiếp quản lý, sử dụng đúng mục đích phục vụ khách tham quan.

Theo ông Lập, năm 2018, UBND TP đã họp với các Sở, ban, ngành liên quan và thống nhất TP trưng dụng toàn bộ ngôi nhà (số 7 Lý Chính Thắng) để phục dựng lại như trước đây để phục vụ khách tham quan di tích lịch sử, đồng thời cấp cho gia đình ông Lập căn nhà liền kề số 9 Lý Chính Thắng làm nơi ở. “Tuy nhiên, từ đó đến nay các thủ tục này vẫn chưa hoàn tất. Không hiểu sao sự việc cứ kéo dài từ đó đến nay khiến gia đình ông mệt mỏi, con cháu trong gia đình đông, người lớn thì già yếu, bệnh tật nan y nhưng không có tiền chữa trị, trong khi chỗ ở hiện tại thì quá chật chội, xuống cấp”, ông Lập tâm tư.

 Ông Ngô Văn Lập dẫn phóng viên Văn Hóa lên lầu 1 của di tích rồi giới thiệu một cách say sưa về danh sách các thành viên biệt động Sài Gòn F100 Ảnh: THÙY TRANG

“Chúng tôi mong thành phố có sự quan tâm đến di tích này”

Chính vì vậy, tại lá đơn thứ 10 đề ngày 20.2 vừa qua, ông Ngô Văn Lập viết: “Chúng tôi hết sức bế tắc bao năm qua. Đã qua 5 năm và 9 lần gửi đơn cứu xét đến các cơ quan ban ngành của TP.HCM, nhưng đến hôm nay gia đình chúng tôi vẫn tiếp tục sống trong sự mong chờ với bao khó khăn, chung đụng và bệnh tật mà không có tiền chữa trị. Một lần nữa cũng là lần cuối cùng, tôi đại diện gia đình viết đơn đề nghị đến các cấp lãnh đạo của TP để chỉ đạo, giải quyết thấu đáo cho gia đình chúng tôi…”. Cuối đơn, ông quyết liệt, “gia đình chúng tôi sẽ trả lại Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia… để tự lo liệu cho cuộc sống…”.

Ngày 3.3, Sở VHTT TP.HCM có văn bản số 1180/SVHTT-QLDSVH gửi UBND quận 3 và ông Ngô Văn Lập. Văn bản cho biết, theo đề nghị của ông Lập tại đơn ngày 20.2.2020 về việc hoán đổi di tích Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, qua xem xét, Sở có ý kiến như sau: Việc hoán đổi nhà đất số 7 Lý Chính Thắng với nhà đất số 9 Lý Chính Thắng đã được UBND TP chấp thuận giao cho UBND quận 3 thực hiện theo quy định, gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo trình UBND TP. Được biết UBND quận 3 cũng đã có công văn số 1686 ngày 12.9.2019 về kết quả thẩm định giá nhà đất tại hai địa chỉ số 7 và số 9 Lý Chính Thắng gửi Sở Tài chính xem xét, do đó Sở VHTT chuyển đơn đề nghị của ông Lập nêu trên để UBND quận 3 xem xét, trả lời theo quy định. 

 Chúng tôi không hề muốn trả lại Bằng xếp hạng di tích quốc gia, chỉ muốn gia đình có nơi ở thoải mái hơn. Và thực sự mong thành phố có sự quan tâm đến di tích này, có thể phục dựng toàn bộ căn nhà như trước đây, làm địa chỉ lịch sử phục vụ công chúng. Đó mới chính là tâm nguyện của gia đình chúng tôi. Cứ như hiện nay cũng chỉ có lầu 1 được dùng làm di tích, các nơi khác thì đã cải tạo thành nơi ở, tất cả đã đều xuống cấp, không thể kéo dài tình trạng này mãi được.

(Ông NGÔ VĂN LẬP)

 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top