Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cụm di tích quốc gia lò gốm Cổ Sành (Bình Định): Nếu không có bia giới thiệu, ai nghĩ đây là di tích?

Thứ Tư 11/03/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Mặc dù cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành (lò Cây Quăng và lò Cây Mận) ở thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) là di tích cấp quốc gia, nhưng kể từ ngày được công nhận đến nay, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích này chưa được quan tâm.

 Di tích lò Cây Quăng đang bị xâm hại nghiêm trọng khi thành nơi chăn nuôi vịt của người dân

 Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý đã dẫn đến tình trạng di tích bị xâm phạm rất nghiêm trọng, người dân đã lấn chiếm di tích để chăn nuôi vịt, xây dựng nhà ở…?

Gò Sành hay còn gọi xóm Sành là tên gọi chung của một xóm nhỏ, xưa kia là lò Bác Sứ thuộc thôn Phụ Quang, cách TP Quy Nhơn khoảng 25 km về hướng Tây Bắc. Từ quốc lộ 19 vào đến cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành chừng 2 km. Theo giới nghiên cứu khảo cổ học, vị trí di tích nằm trong tuyến du lịch làng nghề An Nhơn, tháp Chăm, Bảo tàng Quang Trung nên rất thuận lợi cho du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu.

Có mặt tại điểm di tích lò Cây Quăng, chúng tôi ghi nhận khu vực bảo vệ di tích đang bị người dân chiếm dụng làm nơi chăn nuôi gia cầm. Không những vậy, phần cổng di tích được làm “dã chiến” bằng một hàng rào cây tre khô, trông rất phản cảm. Cách đó không xa, di tích lò Cây Mận cũng bị người dân chiếm dụng, trở thành nơi chứa củi, xen vào đó là những đống rác thải sinh hoạt. Ông Trần Văn Trưởng, một người dân sống ở đây ngao ngán chia sẻ: “Theo tôi được biết, hai di tích này đã có từ lâu đời. Sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia, không hiểu sao lại bị chính người dân địa phương lấn chiếm đất để chăn nuôi vịt, xây dựng nhà, nơi tập kết rác thải… Hiện cũng chưa một cơ quan chức năng nào lên tiếng di tích Gò Sành đang bị xâm hại, mất vệ sinh như vậy”.

Ông Trần Thanh Bình, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu vực Phụ Quang, phường Nhơn Hòa cho biết, phải thừa nhận công tác bảo vệ môi trường, phát huy giá trị tại cụm di tích này chưa được quan tâm từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Từ việc khu vực bảo vệ bất khả xâm phạm di tích không được xác định rõ ràng nên mới bị người dân lấn đất, thành nơi chăn nuôi gia cầm, xây nhà, tập kết rác trái phép... “Sắp tới chúng tôi sẽ vận động các hộ sống xung quanh di tích không nên chăn nuôi gia cầm, gia súc, không xả rác bừa bãi. Có như vậy di tích mới được bảo tồn”, ông Bình cho biết.

 Di tích lò Cây Mận bị người dân biến thành nơi chứa củi, tập kết rác thải sinh hoạt

Được biết, hiện tại cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành có khoảng 16 hộ sinh sống với khoảng 16 ha, nhưng phần đất di tích nằm chủ yếu ở các hộ Nguyễn Văn Diện (lò Cây Quăng), Nguyễn Mẫn và Đào Cẩn (lò Cây Mận). Cách đây vài năm, cơ quan chức năng có đến di tích kiểm tra và lập lại bia mới để gọi là thực hiện biện pháp bảo tồn di tích. Nhưng di tích vẫn bị buông lỏng quản lý và bị xâm hại, chưa phát huy được giá trị, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay Bảo tàng Bình Định), hội viên Hội Khảo cổ Việt Nam cho biết: “Thời điểm tôi còn làm Giám đốc, lúc bấy giờ khai quật di tích lò Cây Quăng và lò Cây Mận xong là lấp cát làm dấu, để sau này nếu có tiếp tục khai quật thì cũng dễ phục vụ cho công tác nghiên cứu. Trong hồ sơ công nhận di tích, chúng tôi có lập khoanh vùng bảo vệ di tích rất rõ ràng. Thế nhưng, để phát huy cụm di tích này lại rất khó khăn, bởi di tích nằm lọt trong khu dân cư. Và nếu cơ quan quản lý di tích ở cấp tỉnh không làm tốt, không đề ra kế hoạch bảo tồn, bảo vệ môi trường; không đề ra định hướng khai thác thật hiệu quả trong cơ chế quản lý di tích hiện nay; không có sự phối hợp với chính quyền địa phương… thì chắc chắn cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành còn tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng”.

Ông Hòa cũng cho rằng, muốn bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành thì cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ cơ quan quản lý di tích tỉnh Bình Định. Đừng nghĩ, lập bia mới thay bia cũ thì có thể bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thay vào đó cần có một chiến lược, một quy định phân cấp quản lý di tích thật rõ ràng, trách nhiệm cụ thể ở từng di tích cấp quốc gia để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đúng ý nghĩa với cộng đồng.

Di tích lò Cây Quăng thuộc cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành có niên đại cuối thế kỷ XIII-XV. Theo kết quả khai quật khảo cổ năm 1991, nơi đây đã phát hiệu dấu tích lò nung còn tương đối nguyên vẹn cùng nhiều loại hình sản phẩm gốm. Từ việc phát hiện khu lò gốm Gò Sành và nhiều lò gốm Chămpa khác ở Bình Định cho thấy, vùng đất này trong lịch sử từng là một trung tâm sản xuất gốm của vương quốc Chămpa. Sản phẩm gốm Chămpa ở Bình Định, trong đó có gốm Gò Sành không những đáp ứng nhu cầu đời sống mà còn cả trong việc giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Còn di tích lò Cây Mận thuộc cụm di tích lò gốm cổ Gò Sành của người Chăm, có niên đại cuối thế kỷ XIII-XV. Qua kết quả khai quật những năm 90 của thế kỷ XX đã phát hiện dấu tích nhiều lớp lò nung có kích thước khác nhau, được xây dựng chồng lên nhau cùng một địa điểm và cùng với nhiều loại hình sản phẩm gốm Chămpa được sản xuất tại đây.

Từ đó cho thấy, khu lò này đã từng hoạt động trong một thời gian dài và trải qua nhiều giai đoạn cải tạo, tu sửa. Đây là một trong những trung tâm sản xuất gốm lớn, giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội Chămpa. 

PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top