Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Lương Xuân Đoàn: Danh họa Trần Lưu Hậu ra đi để lại một khoảng trống lớn

Thứ Tư 04/03/2020 | 10:23 GMT+7

VHO- Cho đến cuối đời, những thế hệ học trò của ông vẫn chứng kiến hình ảnh danh họa Trần Lưu Hậu loay hoay trên chiếc xe lăn, cố gắng chống chọi với bệnh tật để có thể tiếp tục vẽ và đau đáu với niềm đam mê nghệ thuật.

 Họa sĩ Trần Lưu Hậu (ảnh gia đình cung cấp)

Thế hệ chúng tôi may mắn được tiếp xúc, được chứng kiến những thời khắc lao động nghệ thuật của thế hệ vàng, các danh họa “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”, cho đến thế hệ các họa sĩ khóa Kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc thời kỳ 1949- 1953 do danh họa Tô Ngọc Vân thành lập, gồm các họa sĩ Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu…

Nhân cách lớn của người thầy

Một trong những may mắn lớn nhất của tôi là được làm học trò của thầy, danh họa Trần Lưu Hậu, một nghệ sĩ đã ghi dấu ấn trong nền hội họa Việt Nam với nhiều cống hiến, cách tân trong đào tạo nghệ thuật tạo hình.

Trần Lưu Hậu là một trong số ít họa sĩ đã tiên phong xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ, nếu không muốn nói ông là người duy nhất đã triệt để làm được điều đó. Đóng góp của họa sĩ Trần Lưu Hậu được nhìn nhận rõ ràng nhất là ông đã góp phần làm thay đổi quan niệm nghệ thuật và khuynh hướng sáng tác của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông đã khai mở cho những sáng tác của thế hệ họa sĩ mới, đưa đến cho học trò một quan niệm thẩm mỹ văn minh, trở về những vẻ đẹp đời thường, bình dị, tự sự cá nhân chứ không phải cái minh họa tập thể.

Ở khía cạnh này, mỗi học trò của ông, như tôi, đều cảm nhận rõ nét. Ông là tấm gương về sự mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì sinh viên. Nhân cách người thầy của ông cho đến những phút cuối cùng vẫn luôn tỏa sáng. Thầy Trần Lưu Hậu không chỉ đã tạo ra sự cách tân về quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác mà trong quan niệm đào tạo của ông về cách giảng dạy cũng có nhiều đổi mới. Với đào tạo hội họa, những năm thứ cuối của đại học là giai đoạn quan trọng, quyết định ở mỗi người có hình thành nên một phong cách, phẩm chất nghệ sĩ hay không. Và chính thầy là người đã phát hiện ra những vóc dáng nghệ sĩ trong tương lai, theo cách của riêng mình, không hề đao to búa lớn.

Cái cách mà họa sĩ Trần Lưu Hậu truyền dạy cho học trò là không áp đặt ảnh hưởng của mình tới họ. Ông chỉ phát hiện, đánh thức để mỗi người tự nhìn lại, tự đọc vị bản thể của mình ngay khi còn đang trên ghế nhà trường. Ông đưa đến cho họ những kiến thức cơ bản về mỹ thuật song lại rất tôn trọng cái tôi cá tính của mỗi học trò. Họ không phải nghĩ theo thầy, vẽ theo thầy. Trong các chuyến đi thực tế sáng tác, thay vì chỉ ký họa ghi chép lại thực tế, thầy thường khuyến khích sinh viên thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân. Chính vì thế, ở mỗi tác phẩm, trước một phong cảnh cụ thể, người vẽ luôn cố gắng để tạo ra được những phong cảnh nội tâm, cái bên trong thể hiện bản ngã của mỗi người. Việc thay đổi cách thức “cầm tay chỉ việc” đó đã khích lệ học trò tự định hướng và khám phá năng lực cá nhân. Nhiều khuynh hướng sáng tác mới đã được manh nha hình thành trong thời kỳ này. Nhiều họa sĩ ngay từ sớm đã hình thành cá tính độc lập, hình thành một không gian tự do, riêng biệt trong sáng tạo.

Bột màu cũng trở nên sang trọng

Với hội họa, danh họa Trần Lưu Hậu luôn chủ động trong cuộc chơi và để lại những dấu ấn riêng khiến người thưởng ngoạn phải nghiêng mình. Đây là thời kỳ ảnh hưởng của phong cách vẽ hiện thực kiểu Liên Xô vẫn đang bao trùm các sáng tác mỹ thuật trong nước. Tuy nhiên, ông lại vẽ với cái nhìn chủ quan cá nhân mạnh mẽ. Ông giật những nét bút lớn, dài, đầy xung lực, tạo nên những dòng chuyển động không ngừng trong tác phẩm.

Nghệ thuật của Trần Lưu Hậu rất bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Không làm đề tài gì quá to tát, nhưng luôn luôn trong sáng tác của ông đều có những biến hóa tuyệt vời. Trần Lưu Hậu có “biệt tài” biến những chất liệu giản dị nhất như bột màu cũng trở nên sang trọng. Ông tinh tế, mềm mại khi vẽ lụa; Đầy cảm xúc mãnh liệt, phóng khoáng khi thể hiện trên sơn dầu. Tự tin ở năng lượng sáng tạo, tự tin ở bút lực của mình, danh họa đã biến các chất liệu tưởng như khó tính nhất cũng thăng hoa để cất lên giọng điệu riêng của mình. Yêu cái đẹp, bản thân ông cũng bị cái đẹp lôi cuốn vào đời sống của nó. Trần Lưu Hậu đặc biệt yêu thích khung cảnh thiên nhiên phía Bắc. Ông thích lên mạn ngược và những tác phẩm phong cảnh thành công của ông cũng là những tác phẩm mang khí vị của thượng ngàn. Là người cân bằng được giữa đời sống nội tâm với cảm xúc tràn ra trên bút vẽ, tiềm ẩn bên trong mỗi tác phẩm của ông là những ngôn ngữ rất tinh tế. Thiên nhiên trong tranh Trần Lưu Hậu luôn không bình yên mà xao động, phảng phất có cả sự ngậm ngùi.

Không chỉ có đóng góp lớn trong đào tạo mỹ thuật mà với chuyên ngành thiết kế sân khấu, họa sĩ Trần Lưu Hậu cũng tạo được nhiều dấu ấn. Ngay từ đầu những năm 1980, ông đã từng là một trong số ít các nhà thiết kế sân khấu sớm đi vào tính tối giản, tận dụng không gian đa chiều với những mặt cắt thay vì kiểu trang trí rườm rà thịnh hành trước đó. Song sân khấu chỉ là một góc nhỏ trong kho tàng nghệ thuật của họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Ông đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Tác phẩm của ông có mặt ở Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Phương Đông ở Ba Lan và Liên Xô cũ, trong các bộ sưu tập tư nhân... Danh họa đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

Tuổi cao nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Tên ông vẫn xuất hiện trong nhiều cuộc triển lãm đình đám trong và ngoài nước. Những năm cuối đời, ông không tự đi lại được nhưng vẫn không rời xa hội họa. Ngồi trên xe lăn, ông vẫn trăn trở, loay hoay tìm mọi cách để được vẽ, để được tiếp tục sống với niềm đam mê của mình.

Ở tuổi 92, họa sĩ Trần Lưu Hậu ra đi, thực sự đã để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam một khoảng trống vắng đến mênh mang. 

 BẢO ANH (lược ghi)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top