Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Một mình ngành Du lịch không thể làm được

Thứ Sáu 13/12/2019 | 11:17 GMT+7

VHO- Một trong những vấn đề quan trọng có thể thúc đẩy phát triển ngành Du lịch Việt Nam để đến năm 2025, tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 45 tỉ USD, buộc chúng ta phải gia tăng mạnh về chất lượng dịch vụ du lịch.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tại chuyên đề 3 về “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” Ảnh: KIỀU DƯƠNG

Vấn đề này đã được các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch thảo luận, đánh giá và đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai.

Cần thiết cải thiện điểm đến

Trong phiên thảo luận chuyên đề về “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến”, thuộc Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019, các đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch (HHDL), các chuyên gia du lịch, kinh tế đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm: Nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm tại điểm đến, đầu tư nâng cấp hạ tầng, bảo vệ môi trường tại điểm đến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch. Qua đó cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm tốt, đem đến sự hài lòng, tăng lượng khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại điểm đến. Trong đó, điểm đến có thể là 1 quốc gia, 1 thành phố, 1 điểm tham quan.

Theo ông Võ Anh Tài, Chủ tịch HĐQT Saigontourist: Việc đầu tư nhiều lĩnh vực để cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến là cần thiết, nếu muốn khách hài lòng cao nhất. Thủ tướng Chính phủ đã từng yêu cầu ngành Du lịch phải giữ du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và trở lại sớm hơn. Tuy nhiên, có những vấn đề bản thân ngành Du lịch không thể giải quyết được mà phải có sự phối hợp liên ngành để giải quyết. Sự hài lòng của du khách phụ thuộc rất nhiều vào những ngành khác chứ không phải chỉ ngành Du lịch.

Qua khảo sát đánh giá sự hài lòng của du khách khi đến Việt Nam nhằm đánh giá đúng các thị trường và đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách, nhóm các chỉ số mà du khách chưa thực sự hài lòng rơi vào nhóm: giao thông; ô nhiễm không khí, rác thải và hỗ trợ giải quyết các sự cố. Thủ tục và phí visa cũng chưa nhận được sự hài lòng nhiều, chi phí tour cao; đường bay thẳng còn ít, thời gian bay kéo dài, gia tăng chi phí. Bên cạnh đó, việc thiếu dịch vụ mua sắm, giải trí; sản phẩm độc đáo chưa có nhiều, không có sản phẩm quốc gia… cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.

Không thể phát triển tự nhiên

Tại phiên thảo luận này, Quảng Ninh được đưa ra là điển hình phát triển du lịch thần tốc những năm qua, hiện nay Quảng Ninh đón gần 5,7 triệu lượt khách quốc tế, có nghĩa là 1/3 số khách quốc tế đến Việt Nam đã tới Quảng Ninh. Cả tỉnh Quảng Ninh có 1.380 cơ sở lưu trú với 25.000 buồng phòng. Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam lưu ý: Nếu không cẩn thận Hạ Long, trung tâm du lịch của Quảng Ninh sẽ biến thành thành phố biển không còn chỗ cho du khách nữa. Vì thế, khi phát triển du lịch phải có quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch, không thể phát triển tự nhiên và mải mê đầu tư mà không còn nghĩ đến du lịch.

Dẫn ra bài học đau xót từ việc không có định hướng và thực hiện không đúng quy hoạch khi phát triển du lịch cộng đồng, mô hình lưu trú homestay ở Ninh Bình, bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch HHDL Ninh Bình cho biết: “Trước 2006, quanh khu vực quần thể danh thắng Tràng An có gần 30 homestay. Hiện nay, trong khu vực di sản Tràng An có hơn 200 homestay đang hoạt động với 1.500 phòng, cả vùng lõi và vùng đệm, trong đó 1/3 nằm trong vùng đệm”. Vẫn theo bà Thanh: Các cơ sở lưu trú này không có giấy phép kinh doanh. Đã nhiều lần các bên gặp nhau để bàn cách tháo gỡ nhưng đều bế tắc, chưa thể đi đến đồng thuận; việc quản lý thực hiện quy hoạch rõ ràng không hiệu quả. “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, làm rõ việc ai phải chịu trách nhiệm, phá vỡ quy hoạch phải bị xử lý thế nào và dù lợi ích có lớn đến đâu, trong quá trình phát triển phải tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt…”, bà Thanh nói

Nhiều đại biểu cho rằng: Việt Nam quên mất gốc của ngành Du lịch là khách du lịch chứ không phải những thứ làm nên dịch vụ du lịch hay sản phẩm du lịch. Có nghĩa rằng, sự hài lòng của khách du lịch mới là mục đích quan trọng nhất. Vì thế, để có một điểm đến đúng nghĩa phải đầu tư đầy đủ, thiết lập lại bộ tiêu chí, ví dụ những điểm không ứng dụng công nghệ thông tin không công nhận điểm đến; chuyển đổi từ vé sang thẻ từ; số hóa dữ liệu ở các điểm du lịch…

“Việc giải quyết những hạn chế, vướng mắc và nâng cao chất lượng điểm đến, cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến cần sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng, một mình ngành du lịch không thể làm được. Bên cạnh đó, việc kết nối chính quyền và doanh nghiệp phải thẳng thắn, phản biện trên tinh thần xây dựng, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chứ không phải chỉ kêu ca ở những diễn đàn không chính thức. Nhà nước chắc chắn cũng muốn nghe ý kiến của doanh nghiệp. Có thể có những việc chưa làm được, nhưng chắc chắn ý kiến của các doanh nghiệp sẽ giúp cho cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp với thực tế”, ông Vũ Thế Bình nói. 

 THUÝ HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top