Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đưa di sản văn hóa phi vật thể đến với thanh, thiếu niên: Giới trẻ thật sự​​​​​​​ bị “hớp hồn”

Thứ Hai 09/12/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Mười lăm chương trình âm nhạc dân tộc với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận đã được Trung tâm Văn hóa TP.HCM phối hợp với các nhà trường tổ chức biểu diễn và giới thiệu đến các trường ĐH, CĐ và THPT trên địa bàn TP, từ tháng 5-12.2019 vừa qua.

 Chương trình tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng

 Đây là nỗ lực của các đơn vị nhằm đưa di sản văn hóa phi vật thể tiếp cận gần hơn với giới trẻ. Ghi nhận sau các buổi biểu diễn vừa qua cho thấy, chương trình đã mang lại hiệu ứng tích cực, được giới trẻ đón nhận, bước đầu hình thành và tạo cơ hội phát triển những sân chơi nghệ thuật âm nhạc dân tộc trong học sinh, sinh viên.

Khơi ngọn lửa đam mê nghệ thuật dân tộc cho tài năng trẻ

Theo đó, các chương trình đã diễn ra tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH Văn hiến, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Mở TP.HCM, CĐ Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường THPT Phú Nhuận… Trong các suất diễn vừa qua, không chỉ có lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân mà ở các nhà trường còn có sự tham gia hào hứng và nhiệt tình của lực lượng học sinh, sinh viên, giảng viên. Nhiều trường còn thành lập các câu lạc bộ, đội hình nghệ thuật dân tộc để tạo sân chơi cho các bạn trẻ.

Tham gia chương trình biểu diễn tại Trường ĐH KHXHNV TP.HCM, sinh viên Trần Hoàng Phương Thảo, năm 4 Khoa Văn hóa học đã khiến khán giả, nhất là các sinh viên không khỏi bất ngờ khi biểu diễn hát Chầu văn Cô đôi thượng ngàn vô cùng duyên dáng và thuần thục như một nghệ nhân chuyên nghiệp. Tiết mục của em đã được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Thảo chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, biết hát bài chòi từ nhỏ nhưng từ khi vào đại học thì gần như không có cơ hội và nhiều sân chơi để em được nối tiếp niềm đam mê của mình. Năm đại học thứ 2, trường tổ chức giao lưu với Trường ĐH Trà Vinh, em ngỏ ý và được chọn hát tiết mục Chầu văn này, thế là từ đó thỉnh thoảng em có cơ hội được mời biểu diễn ở các chương trình”.

Phương Thảo cho biết thêm, em là lứa nghệ nhân “nhí” được truyền nghề từ năm 14 tuổi. Khi đó đang là học sinh Trường THCS Lương Tấn Thịnh, huyện Đông Hà (Phú Yên), trong một cuộc thi Tiếng hát Hoa Phượng đỏ do địa phương tổ chức, Thảo tham gia với tiết mục Lý Ngựa ô được thầy Nguyễn Bình Thảng (nghệ nhân Bảy Thảng), người được mệnh danh là “quái kiệt” hát bài chòi Phú Yên, phát hiện và chọn để đào tạo. Nhờ sự truyền dạy của các nghệ nhân và niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này mà đến nay Phương Thảo là một trong những nghệ nhân trẻ hiếm hoi theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này. “Hiện nay các sân chơi dành cho giới trẻ thuần về nghệ thuật dân tộc quá ít ỏi, vì thế em rất mong muốn những chương trình như biểu biểu và giới thiệu âm nhạc dân tộc với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đến với các bạn trẻ nhiều hơn, để các bạn hiểu thêm về nghệ thuật dân tộc, riêng bản thân em có cơ hội được theo đuổi niềm đam mê của mình”, Phương Thảo cho hay.

Tương tự, chương trình diễn ra tại Trường ĐH Mở TP.HCM cũng đem lại sự hào hứng không kém cho các sinh viên. Nhân buổi biểu diễn và giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại đây, sinh viên của trường đã ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa của trường với 34 thành viên. Bạn Trần Ra Sil, sinh viên năm 4 ngành Đông Nam Á học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa chia sẻ: “Bước đầu chúng em muốn tạo ra sân chơi nghệ thuật âm nhạc dân tộc làm nơi giao lưu để các bạn thể hiện năng khiếu, trau dồi kỹ năng biểu diễn. Các bạn cũng sẽ kết hợp với Câu lạc bộ các sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM để trao đổi kinh nghiệm, biểu diễn giao lưu, tìm hiểu, đặc biệt là nuôi dưỡng niềm đam mê loại hình nghệ thuật dân tộc trong sinh viên”.

Cần thiết cho sinh viên chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật

Tham gia biểu diễn và giới thiệu các chương trình là những nghệ nhân, nghệ sĩ “gạo cội” và các giảng viên, chuyên gia của loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian như nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, gia đình NNƯT Đức Dậu, NSƯT Lam Tuyền, NNƯT Thanh Tuyết, NNƯT Ngọc Đặng, nghệ nhân Minh Đức, các nghệ sĩ Bích Phượng, Trọng Tiến, Thanh Mai, Anh Hào, ban nhạc với các nhạc công trẻ đến từ Nhạc viện TP.HCM; TS Mai Mỹ Duyên, Trường ĐH Trà Vinh, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Trường ĐH Sài Gòn,…

Mỗi chương trình được dàn dựng hơn 10 tiết mục với các nội dung được chọn lọc bao gồm các điệu lý, dân ca, đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, Ca trù, hát Chầu văn, tái hiện một số tín ngưỡng, đặc biệt là phần giao lưu và giới thiệu về nhạc cụ dân tộc và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể… Các chương trình đã mang lại không gian nghệ thuật đa dạng, đậm bản sắc văn hóa. Nhiều sinh viên cho biết điểm thú vị của chương trình là ngoài phần trình diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân, sinh viên còn được nghe các nhà nghiên cứu văn hóa giới thiệu chi tiết về từng loại hình, nhờ vậy mà các em có cơ hội hiểu rõ hơn về đặc trưng, giá trị các di sản văn hóa phi vật thể để được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Bên cạnh đó còn được giao lưu, trao đổi để qua đó có cái nhìn toàn diện hơn, hỗ trợ thêm cho việc tìm hiểu, học tập chuyên ngành liên quan ở nhà trường.

TS Lê Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXHNV TP.HCM cho hay, trước đây nhà trường có tổ chức các buổi giới thiệu về nghệ thuật kịch nói, các chương trình ca múa nhạc đến sinh viên, tuy nhiên, chương trình giới thiệu kết hợp trình diễn di sản vào trường học là hoạt động hiếm hoi, vì liên quan đến kinh phí tổ chức và cả việc mời gọi cùng lúc nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đến biểu diễn. Do đó, chương trình Biểu diễn - giới thiệu một số loại hình di sản trong các trường cao đẳng - đại học mà Trung tâm Văn hóa TP.HCM thực hiện là một hoạt động rất có ý nghĩa giáo dục cũng như chất lượng nghệ thuật, đặc biệt là lan tỏa các giá trị văn hóa đến với thế hệ khán giả trẻ. Theo PGS.TS Lâm Nhân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chương trình là hoạt động có ý nghĩa và cần thiết đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc đến giới trẻ, đặc biệt là sinh viên các chuyên ngành về nghệ thuật, di sản văn hóa, du lịch…

Trong suốt chặng đường biểu diễn, có lẽ suất diễn tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng để lại nhiều ấn tượng cho các nghệ sĩ nhất. Tại đây, khán phòng 1.400 chỗ ngồi đã chật kín khán giả trẻ. Ban tổ chức cho biết, có đến hơn 2.000 sinh viên đăng ký tham gia nhưng khán phòng không đủ chỗ, hàng trăm sinh viên đành phải tiếc nuối ra về… Như vậy để thấy rằng, nghệ thuật âm nhạc dân tộc - nếu có cơ hội, nếu được đầu tư bài bản, nghiêm túc, thì không lo khán giả trẻ quay lưng. Mong rằng với những hiệu ứng tích cực từ các chương trình nói trên, giới trẻ sẽ có thêm những sân chơi nghệ thuật chất lượng và ý nghĩa như thế. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top