Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khánh Hòa gặp khó trong quản lý lao động người nước ngoài: Do luật còn sơ hở hay thiếu kiểm tra, giám sát?

Thứ Hai 25/11/2019 | 11:18 GMT+7

VHO-  Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý lao động người nước ngoài (LĐNNN), tuy nhiên với những lao động núp bóng khách du lịch, thành viên góp vốn doanh nghiệp… đang gây ra không ít những khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

 Theo quy định, LĐNNN muốn làm việc tại Việt Nam thì phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động (là thành viên góp vốn của doanh nghiệp). Đối với lao động thuộc diện cấp giấy phép thì thủ tục phải theo đúng trình tự thủ tục thẩm định và khá phức tạp. Còn đối với loại không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì thủ tục đơn giản hơn, chỉ cần có hộ chiếu và giấy chứng nhận thành viên tham gia góp vốn là đã đủ điều kiện.

 Cần tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài Ảnh minh họa

Vì luật không quy định rõ mức góp vốn…

Do thủ tục đơn giản nên đã có không ít LĐNNN đã né tránh việc xin cấp mới hoặc cấp lại giấy phép lao động, mà chỉ cần tham gia góp vốn để được xác nhận là LĐNNN không thuộc diện cấp giấy phép. Trong khi đó, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư lại không quy định rõ mức góp vốn, nên nhiều LĐNNN đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp chỉ vài triệu đồng để thuộc diện không cấp giấy phép. Chính vì họ thực hiện theo đúng quy định nên các ngành chức năng buộc phải thực hiện xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép để họ làm việc trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, qua công tác kiểm tra, các ngành chức năng phát hiện có không ít LĐNNN thực hiện góp vốn chỉ từ 3 đến 10 triệu đồng để được ở lại Việt Nam làm việc. Tình trạng LĐNNN ở lại làm việc và lách luật bằng cách tham gia góp vốn đang có chiều hướng gia tăng, và tạo khó khăn cho công tác quản lý. Năm 2015, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 26 LĐNNN xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép, đến năm 2016 tăng lên 166 người và từ đầu năm 2019 đến nay đã tăng lên 218 người. Phần lớn những người này làm việc ở các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, lữ hành, cửa hàng buôn bán nông sản, trang sức… Điều đáng nói là vị trí công việc họ đang làm thì đa phần người Việt Nam đều có thể đảm nhận được. Trong khi pháp luật quy định, LĐNNN làm việc tại Việt Nam phải là những công việc mà người Việt Nam không thể đảm nhận được.

Bên cạnh đó, tình trạng LĐNNN núp bóng khách du lịch vào làm việc trên địa bàn Khánh Hòa ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện tại, hàng chục cơ sở bán hàng dành cho khách đi theo tour, cố định trên địa bàn TP Nha Trang và huyện Cam Lâm có rất nhiều LĐNNN làm việc không có giấy phép. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những cơ sở bán hàng cho khách nước ngoài đều do người Việt Nam đứng tên trên giấy phép kinh doanh. Nhưng trên thực tế, các cơ sở này do người nước ngoài tổ chức hoạt động, điều hành, buôn bán. Do đó, để tạo sự hoạt động khép kín, các cơ sở này đã đưa người bản địa sang làm việc không phép.

Từ làm việc “chui”… biến thành khách du lịch

Đa số những LĐNNN này vào Việt Nam bằng con đường du lịch rồi ở lại làm việc “chui”. Khi các ngành chức năng kiểm tra thì ngay lập tức những người lao động không phép này lại “biến” thành những vị khách hàng để đối phó. Với chiêu thức này khiến các ngành chức năng không có cơ sở, chứng cứ để xử lý chủ cơ sở và LĐNNN đang làm việc không phép. Họ được chủ cơ sở thuê nhà trọ ở xung quanh nơi làm việc. Vào mỗi buổi sáng hay chiều tối, rất dễ bắt gặp những lao động này đi xe máy hoặc ô tô tới đưa, đón đi làm. Đã vậy, phần lớn những lao động “chui” này khi tham gia giao thông đều không chấp hành đội mũ bảo hiểm, thậm chí chở 3 đến 4 người trên chiếc xe máy.

Trong năm 2018, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra gần 30 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, du lịch qua đó đã phát hiện hơn 300 LĐNNN làm việc không phép, vi phạm pháp luật. Ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt hơn 3,3 tỉ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, các ngành chức năng đã kiểm tra 2 doanh nghiệp trên địa bàn TP Nha Trang và phát hiện hơn 30 LĐNNN làm việc không phép, và đã ra quyết định xử phạt hơn 140 triệu đồng…

Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khánh Hòa cho biết, tình trạng doanh nghiệp, LĐNNN lách luật theo hình thức góp vốn đang diễn biến khá phức tạp, gây mất công bằng giữa người cấp giấy phép với người không cấp giấy phép; tạo ra nhiều biến tướng, thiếu sự ràng buộc và gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, các Bộ, ngành Trung ương cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng quy định rõ về mức vốn góp và thời gian cụ thể cho mức góp đó. Đồng thời, trong hồ sơ đề nghị xác nhận LĐNNN không thuộc diện cấp giấy phép cần quy định bổ sung thêm giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp của từng người.

Có như vậy mới tránh được những người vào Việt Nam làm việc lại là lao động phổ thông; tạo sự chặt chẽ trong công tác quản lý, tránh được rủi ro người bị bệnh truyền nhiễm, tội phạm quốc tế... Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thẩm định về vị trí việc làm khi LĐNNN xin xác nhận không cấp giấy phép; tăng cường hậu kiểm khi đã cấp giấy chứng nhận góp vốn cho người nước ngoài.

Theo một lãnh đạo UBND TP Nha Trang, để hạn chế và quản lý tốt hơn tình trạng lao động “chui” tại các cơ sở bán hàng cho khách nước ngoài thì các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất thì mới dễ phát hiện và có biện pháp xử lý. Lực lượng công an cần tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Đặc biệt, ngoài chuyện xử phạt LĐNNN “chui” cũng nên tăng mức xử phạt đối với chủ doanh nghiệp và rút giấy phép kinh doanh có thời hạn, để tạo sức răn đe cho các doanh nghiệp tránh sử dụng lao động không phép. Như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất LĐNNN không phép và tăng cường công tác quản lý đối với các đối tượng này.

Tình trạng doanh nghiệp, LĐNNN lách luật theo hình thức góp vốn đang có diễn biến khá phức tạp, gây mất công bằng giữa người cấp giấy phép với người không cấp giấy phép, và đang tạo ra nhiều biến tướng, thiếu sự ràng buộc, gây khó khăn cho công tác quản lý trên địa bàn.

(Ông VĂN ĐÌNH TRI, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khánh Hòa)

NGỌC BẢO CHÂU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top