Quy trình bổ nhiệm chặt, nhưng vì sao nhiều cán bộ vẫn vi phạm?

VHO- Hôm qua 7.11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã “đăng đàn” trả lời chất vấn 79 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn về nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ…

Quy trình bổ nhiệm chặt, nhưng vì sao nhiều cán bộ vẫn vi phạm? - Anh 1

 Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu lên thực tế là có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham ô, lãng phí, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng, bố trí người thân vào làm việc trong bộ máy nhà nước.

Một bộ phận cán bộ, công chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn

Từ đó đại biểu Hà đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tỉ lệ cán bộ công chức, viên chức có những vi phạm như vừa nêu ở trên? Nhóm nào chiếm tỉ lệ cao nhất, vì sao? Trên cơ sở tỉ lệ này đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp với từng nhóm sai phạm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng?

Trả lời ý kiến của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà về nhóm vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng kết trong năm 2018, nhóm xử lý kỷ luật đối với công chức có 1.657 người, trong đó nếu phân định theo hành vi chiếm tỷ lệ 0,51% trên tổng số công chức. Nếu chia theo hành vi vi phạm liên quan đến quản lý công chức có 404 người, chiếm 24,4%; vi phạm thi đua khen thưởng chỉ có 2 người, chiếm 0,1% và vi phạm khác như tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ ba là 1.791 người chiếm tỷ lệ 75,5%.

Đây là nhóm cao nhất trong xử lý đối với công chức. Trong nhóm cá nhân xử lý sai phạm, về vấn đề tài chính, ngân sách, có 1.044 người, chiếm 56,61% trên tổng số vi phạm. Riêng về số trường hợp bị kỷ luật khiển trách có 790 người, chiếm 47,7%, cảnh cáo có 488 người, chiếm 29,5%, hạ bậc lương 87 người, chiếm 5,3%, giáng chức 51 người, chiếm 3,4%, cách chức 100 người, chiếm 6% và buộc thôi việc 141 người, chiếm 8,4%. Về xử lý đối với viên chức, trong năm 2018 đã xử lý 3.020 người, chiếm 0,16% trên tổng số viên chức trong đó các Bộ, ngành xử lý 198 người, giảm 48 người so với năm 2017; địa phương là 2.822 người, tăng 98 người so với năm 2017… “Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng đặt vấn đề về một bộ phận cán bộ, công chức có hành vi tham ô, lãng phí, có các hành vi tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng, tỉ lệ nhóm này như tôi đã trình bày ở trên. Còn về giải pháp sắp tới, chúng tôi ghi nhận ý kiến của đại biểu là chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm minh và có qui định các hình thức xử lý cụ thể”, Bộ trưởng Tân nói và cho biết trước mắt Bộ sẽ sửa các văn bản qui phạm pháp luật trong việc xử lý cán bộ công chức, viên chức và sẽ đặt nhiệm vụ này là trọng tâm của Bộ trong năm 2020…

Chúng ta đã không nắm được cán bộ

Đặt vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay Trung ương đã xem xét, kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đây là việc đau xót nhưng không thể không làm. Nhiều cơ quan địa phương đã phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm. Báo chí và dư luận xã hội cũng phản ánh nhiều hiện tượng, cán bộ, công chức, viên chức vô cảm khi tác nghiệp…, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu câu hỏi của cử tri tới Bộ trưởng: “Chúng ta có một quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, qui hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, nhưng vì sao lại xảy ra nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm đạo đức công vụ, không đáp ứng được yêu cầu như vậy? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục của Bộ trưởng trong thời gian tới?

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Trong phiên trả lời chất vấn trước đây tôi đã nói, chúng ta làm rất chặt với quy trình bổ nhiệm 5 bước nhưng cái quan trọng là chúng ta đã không nắm được cán bộ. Tất cả cán bộ đều được quản lý thông qua hồ sơ, lý lịch, thông qua nhận xét, đánh giá, tuyển chọn của cấp dưới. Như kinh nghiệm của Bác Hồ, Bác đã chọn rất đúng người. Ở đây chúng ta làm rất nhiều quy trình, nhiều thủ tục, nhiều tiêu chuẩn nhưng lại chọn không đúng người, không hiểu được cán bộ. Thậm chí trong vấn đề sai phạm của cán bộ công chức, viên chức trong thời gian vừa qua, việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức nhưng khi khai không trung thực thì chúng ta không phát hiện được.

Rất nhiều bộ hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến và cơ quan tổ chức đút vào tủ, không đi xác minh. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có quyết định giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu, tổ chức khi nhận hồ sơ cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại, làm cơ sở trong việc xem xét, bổ nhiệm cán bộ chứ không phải chỉ nhìn thấy chữ ký của ông Vụ trưởng tổ chức, chữ ký của cơ quan, đơn vị gửi đến là quên trách nhiệm của mình. Rất nhiều hồ sơ, rất nhiều trường hợp so với bảo hiểm y tế, thời gian công tác không khớp nhau; ngày, tháng, năm sinh cũng không giống”. Bộ trưởng Tân cho biết như thế và cho rằng có nhiều trường hợp chúng ta cũng không phát hiện được các sai phạm của cán bộ, công chức trong thời gian công tác trước khi được bổ nhiệm. “Hồ sơ cán bộ là rất quan trọng, vì vậy tôi đề nghị các địa phương chỉ đạo các Sở Nội vụ, các Ban tổ chức, quản lý hồ sơ cán bộ là phải kiểm tra, chứ không phải chỉ cất hồ sơ”.

Cũng theo Bộ trưởng Tân, vấn đề quản lý cán bộ phải xuyên suốt, liên tục, quản lý ngay từ đầu khi tuyển dụng, học hành rồi đề bạt. “Chúng ta phải quản lý chặt hồ sơ, nắm chắc cán bộ, phải đi tìm cán bộ, tìm người tốt chứ không phải để người ta đi tìm mình. Tôi mong rằng chúng ta sẽ tìm được cán bộ giỏi trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ mong muốn. 

 Tham gia trả lời phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: “Chấn chỉnh các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người thiếu theo chuẩn, sai quy trình, người nhà; làm đúng chức trách của người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, phát hiện và xử lý vi phạm”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tăng cường trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất, tạo cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tránh ý kiến trái chiều trong dư luận. P.V

 Chúng ta có một quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được xem là khá chặt chẽ nhưng vì sao lại để xảy ra nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong đạo đức công vụ, không đáp ứng được yêu cầu như vậy? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới của Bộ trưởng là gì?

(Đại biểu PHẠM TẤT THẮNG - Vĩnh Long)

 Chúng ta đã làm rất chặt với quy trình bổ nhiệm 5 bước nhưng cái quan trọng là chúng ta đã không nắm được cán bộ. Tất cả cán bộ đều được quản lý thông qua hồ sơ, lý lịch, thông qua nhận xét, đánh giá, tuyển chọn của cấp dưới. Như kinh nghiệm của Bác Hồ, Bác chọn rất đúng người. Ở đây chúng ta làm rất nhiều quy trình, nhiều thủ tục, nhiều tiêu chuẩn nhưng lại chọn không đúng người, không hiểu được cán bộ. Thậm chí trong vấn đề sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua, hồ sơ cán bộ, công chức khai không trung thực mà chúng ta không phát hiện được…

(Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN)

 

 THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc