Đại biểu Quốc hội nói gì về đầu tư cho văn hóa?
VHO- Trong quá trình thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu lên thực trạng đầu tư cho văn hóa, đồng thời mong muốn Chính phủ cần có sự đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực được xem là nền tảng tinh thần của xã hội này.
Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 31.10 Ảnh: NGUYỄN QUANG PHÚC
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, cử tri đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc điều hành bộ máy nhà nước, để có những con số ấn tượng như trong báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, còn một số nội dung Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, nhất là vấn đề về văn hóa .
Nguồn kinh phí được cấp chỉ tổ chức được một số lễ hội thôi
“Trong những năm qua lĩnh vực văn hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng xét về tổng thể thì văn hóa chưa được coi trọng và tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển. Trong khi đó, văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề. Đối với một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam hiện nay lại rất cần coi trọng và tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Trong Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội còn nêu hết sức chung chung, chưa có phân tích sâu và nêu nguyên nhân những tồn tại trong thời gian qua như những vấn đề xuống cấp về đạo đức trong lối sống đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Nguồn lực đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và rất hạn chế.”, đại biểu Ánh nhấn mạnh.
Đại biểu Ánh cho biết, nguồn ngân sách dành cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khoảng 76 tỉ một năm và 58 tỉ một năm đối với nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết của 118 công trình di tích cấp quốc gia. Nếu chia bình quân thì chưa đầy 500 triệu đồng một công trình. Ngoài ra, nhiều công trình văn hóa cấp quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng; việc sắp xếp bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật trên cả nước đang còn nhiều bất cập, chưa hợp lý… Đại biểu Ánh đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này trong báo cáo và có những giải pháp cụ thể để giải quyết một cách căn cơ: “Chính phủ cần ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách để tu bổ cho các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…”.
Trao đổi với phóng viên Văn Hoá bên hành lang Quốc hội vào sáng 31.10, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ tuy có đề cập đến lĩnh vực văn hoá nhưng xét thấy chưa ngang tầm với vai trò, vị trí của văn hoá. “Kinh tế và văn hoá phải luôn kết nối với nhau. Có một thực tế là sự đầu tư cho văn hoá chưa tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá. Qua thực tế cho thấy sự đầu tư cho văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nguồn kinh phí được cấp như hiện nay thì văn hoá mới chỉ tổ chức được một số lễ hội và một số hoạt động kỷ niệm mà thôi”, đại biểu Phương nói.
3 trụ cột: Văn hoá, Môi trường và Di sản
Góp ý về cụm từ “phát triển bền vững”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Phát triển bền vững của Việt Nam theo tôi có ba yếu tố, ba trụ cột: Thứ nhất, phải nâng cao văn hóa. Thứ hai, bảo vệ môi trường. Thứ ba, bảo tồn di sản. Trong nâng cao văn hóa gồm hai vế, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới. Bảo vệ môi trường thì gồm có bảo vệ môi trường thiên nhiên, không khí, đất, nước, rừng, biển, không trung, mặt đất, lòng đất và bảo vệ môi trường xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo. Bảo tồn di sản thì gồm có di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa”.
“Nếu chúng ta chỉ định hướng bằng tiền thôi thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào đây để tăng GDP lên... Cho nên chúng tôi đề nghị xoay trục lại, xuyên suốt trong việc định hướng phát triển của chúng ta là ba trụ cột: văn hóa, môi trường và di sản và đó chính là con người. Nếu không chúng ta sẽ không còn con người với bản sắc Việt Nam. Như thế sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ bản sắc của dân tộc chúng ta”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định: “Ngoài vốn đầu tư cho tăng trưởng là tài nguyên, tài chính, nhân lực, công nghệ, thể chế thì văn hoá là một trong những yếu tố tác động đến sự tăng trưởng. Vì văn hoá là bao gồm cả những ứng xử trong đạo đức sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo niềm tin, động lực cho các đối tác khi xúc tiến đầu tư, kinh doanh. Vì thế mối quan hệ văn hoá, đạo đức không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người mà còn chi phối trong các hoạt động kinh tế. Đạo đức làm cho niềm tin của các đối tác, giữa người sản xuất và người tiêu dùng được củng cố hơn. Chẳng hạn gần đây là vụ Asanzo làm mất niềm tin của người tiêu dùng hay các vụ lừa đảo bán hàng giả. Đó chính là văn hoá ứng xử, là đạo đức kinh doanh. Ngay trong các nhà trường cũng vậy, cách ứng xử giữa thầy cô với học sinh, giữa học sinh với học sinh có tốt hay không cũng là do cái nền là văn hoá, là đạo đức. Vì vậy đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho con người và việc phát triển nền văn hoá bền vững, không chỉ có trách nhiệm của riêng ngành văn hoá mà còn là của toàn xã hội”, đại biểu Vân nói.
Chúng ta còn quan niệm văn hoá là một cái gì đó xa xỉ Về đường lối, cương lĩnh, chúng ta luôn đặt văn hoá ở vị trí rất cao, là bó đuốc soi đường, là động lực để phát triển. Nhưng trên thực tế ta vẫn coi văn hoá là một cái gì đó thượng tầng, vẫn theo nguyên lý cổ hủ là “phú quí sinh lễ nghĩa”. Nhưng hình như thế giới đã đi ngược lại rồi, các nước phát triển đều đầu tư tỉ lệ % đủ lớn để đầu tư cho văn hoá, như thế ta đã không bằng người ta rồi. Đơn cử một ví dụ, cho tới giờ chúng ta vẫn chưa có một bảo tàng đúng nghĩa, thu hút khách du lịch. Có một dự án đầu tư về bảo tàng, mới nghe con số 11 ngàn tỉ đồng thì làm cả xã hội choáng ngợp, cho rằng đó là sự lãng phí trong khi giá trị mà một bảo tàng mang lại là rất lớn. Tại sao sự đầu tư cho văn hoá còn ít, là vì chúng ta còn quan niệm văn hoá là một cái gì đó xa xỉ. Ngay như các địa phương đầu tư cho văn hoá cũng ít. Họ có thể thấy ngay hiệu quả khi đầu tư cho một con đường nhưng họ không bao giờ suy nghĩ được về những cái liên quan đến tâm hồn con người, giúp con người hình thành nhân cách. Đó là những thứ không cân đong, đo đếm được. (Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC) |
Chính phủ cần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá Trong 2 ngày qua nhiều đại biểu đã đề cập nhiều đến thực trạng xuống cấp của đạo đức xã hội và đặt vấn đề về đầu tư cho văn hoá. Tôi rất đồng tình và thấy rằng đây là những ý kiến xác đáng. Cũng từ những ý kiến tham gia của các đại biểu tôi thấy rằng vì sao chúng ta đều thống nhất cao, đánh giá cao, khẳng định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá nhưng lại không đặt vấn đề sẽ có một chương trình hoặc đề án để đầu tư có mục tiêu cho phát triển văn hoá trên cả nước, tương xứng và phù hợp với quan điểm, phát triển kinh tế phải gắn với công bằng, tiến bộ xã hội và đầu tư cho văn hoá thì phải ngang bằng đầu tư cho kinh tế. Tôi kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng chương trình tiêu quốc gia vềvăn hóa trong thời gian tới như những chương tình mục tiêu về xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang thực hiện trong thời gian qua. (Đại biểu LÝ TUYẾT HẠNH) |
T.SÂM