Thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến

VHO-Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc tạo nên bức tranh tươi sáng về kinh tế - xã hội với việc đạt và vượt 12 chỉ tiêu, các đại biểu cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề nóng, được người dân quan tâm trong phiên thảo luận của Quốc hội vào ngày 31.10. Kết thúc 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đã có 95 đại biểu phát biểu ý kiến, 5 đại biểu tranh luận.

Đã có những cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng

Nêu lại thông tin rằng trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay các trang mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 65 triệu người sử dụng, mạng xã hội của nước ngoài có khoảng 90 triệu lượt người sử dụng và con số này được dự báo tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại cũng còn nhiều vấn đề bất cập.

Chẳng hạn như trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đã có những cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng như là công cụ phục vụ cho mục đích chống phá Đảng, chống phá nhà nước với mục đích lừa đảo, bôi nhọ hay là kích động bạo lực hay đơn thuần là sự vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc thỏa mãn nhu cầu được thể hiện bản thân. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến hiện nay, những hành vi này đã có tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường cũng như tác động tiêu cực đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân. 

Thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến - Anh 1

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ VHTTDL

"Tôi cho rằng, các quy định pháp luật về quản lý thông tin đã khá hoàn chỉnh, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào? Tôi đánh giá cao trong thời gian gần đây, một số vụ việc đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xử lý liên quan tới vi phạm pháp luật về thông tin, nhất là vai trò chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an. Tuy nhiên, với sự lớn mạnh không ngừng của không gian mạng, với hàng trăm mạng xã hội được cấp phép thì vai trò, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn chưa theo kịp sự phát triển này”, đại biểu Sỹ nói.

Đại biểu tỉnh Sơn La cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, pháp luật dân sự và hình sự liên quan tới an toàn thông tin, kịp thời định hướng dư luận với những thông tin sai trái…

Thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến

Dẫn lại vụ án ở trường Gateway, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đó là thái độ thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm: “Xin nói về thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến ở đất nước chúng ta. Xin được bắt đầu bằng câu chuyện cháu bé trường quốc tế bị bỏ quên dẫn đến tử vong trên xe. Các cơ quan công an và pháp luật đang vào cuộc, chúng ta chờ những kết luận của các cơ quan đó. Ở đây, tôi muốn nói về nỗi day dứt của mình mỗi khi nghĩ đến người lái xe thản nhiên tắt máy đóng cửa xe mà không một lần nhìn lại trong xe. Người phụ nữ dẫn các cháu đến trường mà không hề kiểm đếm các cháu khi bàn giao. Cô giáo chủ nhiệm cả ngày không biết có một học sinh trong lớp của mình vắng mặt”.

Đại biểu Trí cũng xin lỗi cháu bé, xin lỗi gia đình cháu bé xấu số khi đề cập đến nỗi đau mà theo ông là do thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm. Dẫn tiếp các ví dụ, đại biểu Trí nói: “Rồi vụ Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Sông Đà lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng. Còn rất nhiều nữa thờ ơ, vô cảm đến mức có người bị tai nạn, bị cướp giật, bị đánh đập ngay giữa phố thì không mấy ai giúp hoặc một người tốt có thể bị kẻ xấu ném đá tới tấp trên mạng thì không mấy ai dám lên tiếng bênh vực”.

Thái độ thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến - Anh 2

Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ lo ngại về thái độ thờ ơ vô cảm và thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến

Ông Trí cũng cho rằng sự thờ ơ, vô cảm có thể làm một tổ chức, một cơ quan hoặc một doanh nghiệp có thể chao đảo vì việc bé bị xé ra to mà không một ai, một cơ quan có thẩm quyền lên tiếng bảo vệ kịp thời. “Người ta thờ ơ, vô cảm vì muốn được yên thân vì nhỏ nhen, vì vụ lợi, vì muốn tham ô, muốn trục lợi vì muốn trù dập người tốt. Thờ ơ, vô cảm đã tiếp tay, đã đồng lõa với thiếu trách nhiệm. Thờ ơ, vô cảm là vũ khí của kẻ xấu để làm hành động xấu. Tôi biết Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã có phê phán về sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, kết quả đạt được như mong đợi của nhân dân, chúng ta cần chống lại sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn”, đại biểu Trí nói.

Ông cũng đề nghị, các giải pháp để khắc phục tình trạng này. Đó là khi xây dựng các bộ luật, Quốc hội cần xem xét có thêm các quy định để hạn chế và ngăn chặn sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm; phải tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho nhân dân được phát hiện, tố cáo những người có thái độ và hành vi thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm.

“Sắp đến Đại hội Đảng các cấp, xin đừng để cho những người thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm với nhân dân và doanh nghiệp giữ bất cứ một trọng trách nào trong bộ máy công quyền”, đại biểu Trí nói đầy tâm huyết.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc