Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hỗ trợ các gia đình khó khăn trong hành trình đi tìm tiếng cười trẻ thơ

Thứ Tư 23/10/2019 | 11:06 GMT+7

VHO- Nhiều người dân ở xã Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An đều cảm phục trước tình cảm vợ chồng của anh Nguyễn Bá Công (sinh năm 1984) và chị Phan Thị Lan (sinh năm 1985). Dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, lại chưa có con, chịu bao lời đàm tiếu của họ hàng, làng xóm nhưng điều đó không làm anh chị nản lòng mà luôn nắm chặt tay nhau để hy vọng vào tương lai về “một gia đình nhỏ có hạnh phúc to to”.

 Vợ chồng anh Công chị Lan luôn động viên nhau vượt qua khó khăn

Trước khi cưới, anh Công và chị Lan đã có 5 năm yêu nhau và kết thúc mối tình đẹp, giản dị là một đám cưới ấm cúng trong năm 2012, với sự vun đắp của hai bên gia đình, chúc tụng và khen ngợi của bạn bè, người thân. Tưởng chừng như thế là mọi chuyện viên mãn nhưng điều không may mắn xảy ra với đôi vợ chồng trẻ khi chờ mãi, một tháng, sáu tháng... rồi một năm mà chị Lan chưa có tin vui. Nghe mọi người mách bảo, anh chị vào Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để khám, bác sĩ thông báo kết quả hai vợ chồng hoàn toàn bình thường và cho thuốc về uống. Vậy mà suốt bảy năm qua, anh chị đã áp dụng nhiều phương pháp từ đông tây y, cả bệnh viện có giấy phép lẫn “thầy lang”, thậm chí được bác sĩ thực hiện IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) hai lần đều thất bại...

Nhưng mọi trở ngại cũng không làm anh chị nản chí, dù bên cạnh những lời chia sẻ là sự đàm tiếu ác ý, thậm chí nhiều họ hàng của gia đình hai bên còn giục anh chị bỏ nhau. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện chia tay nhau mà càng động viên nhau cùng cố gắng. Ai mách ở đâu có thầy hay, thuốc tốt vợ chồng tôi cũng tìm đến, lần xa nhất là lên huyện Tương Dương, vùng sâu vùng xa cách nhà tới 600 km”, anh Công tiết lộ. Anh Công làm nghề thợ xây, còn chị Lan là công nhân, mỗi lần nghe đồng nghiệp kể chuyện con cái khiến chị tủi thân lắm nhưng lại là động lực để hai vợ chồng chị thêm quyết tâm. “Khi yêu nhau, hai vợ chồng em đã trao trọn niềm tin, chúng em sẽ quyết tâm, tìm mọi cách để cùng nhau đi đến hết cuộc đời. Còn anh Công thì luôn động viên em: Họ nói gì kệ họ, chỉ cần vợ chồng bên nhau thì mọi khó khăn sẽ vượt qua”, chị Lan chia sẻ.

Theo chị Lan, khó khăn nhất với vợ chồng chị là số tiền vay mượn để chi phí cho việc chạy chữa, mua thuốc tìm tiếng cười trẻ thơ đã lên tới 200 triệu mà chưa trả được. Chính vì vậy, mỗi lần thất bại là một hai lần thất vọng, có khi phải mất tháng chị mới ổn định được tinh thần. “Trời chưa cho chúng em mụn con nhưng bù lại cho em người mẹ chồng tuyệt vời. Nhiều nhà có đủ con cháu, kinh tế khá giả nhưng không hạnh phúc. Mẹ chồng em đã có đủ cháu nội ngoại nhưng rất thương em, mỗi lần em thất vọng mẹ lại khuyên nhủ, động viên tiếp tục cố gắng. Bà bảo có nhà lấy nhau 10 năm mới có con, các con mới 7 năm đã là gì. Còn các anh chị em thì giúp đỡ về mặt kinh tế suốt 7 năm qua nên em vẫn thấy mình may mắn”, người vợ tâm sự.

Và càng may mắn hơn khi cuối tháng 8 vừa qua, vợ chồng anh Nguyễn Bá Công và Phan Thị Lan trở thành một trong 10 gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn được Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội miễn phí toàn bộ chi phí. Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện cho biết, toàn bộ 10 trường hợp được chọn sẽ được hỗ trợ miễn phí hoàn toàn 100% chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tùy theo từng trường hợp, chi phí cho một lần IVF có thể lên đến hàng trăm triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ đông phôi, chuyển phôi…. “Bệnh viện sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí này cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó để nộp hồ sơ, nghĩa là bệnh nhân không phải bỏ bất kỳ khoản chi phí nào trước, trong và sau khi nhận được sự hỗ trợ này”, Phó Giám đốc Bệnh viện nói.

Cùng nhận hỗ trợ như gia đình anh Công chị Lan, chín gia đình khác như gia đình chị Nguyễn Thị Hường, anh Nguyễn Vinh Đại (Cát Ngòi, Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) phải nuôi bố mẹ già bệnh tật. Bản thân anh làm phụ hồ, chị làm lặt vặt kiếm thêm thu nhập, gia cảnh vẫn rất khó khăn, nhưng anh chị vẫn hằng ngày chắt chiu để có được mụn con như mong ước. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Tiến và anh Quách Văn Thị (Huổi Lục 2, Mường Báng, Tủa Chùa, Điện Biên), thu nhập cũng khá bấp bênh do cả hai không có công ăn việc làm ổn định. Hiện tại, anh vừa xin được việc làm giáo viên âm nhạc tại trường tiểu học và là lao động chính trong nhà, phải phụng dưỡng bố mẹ ngoài 70 tuổi mất sức lao động. Trong khi đó, chị Phạm Thị Tơ, anh Vũ Văn Chí (xóm 22, Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định) đã kết hôn 8, 9 năm nhưng chưa có con. Chị bị tắc vòi trứng nhưng vẫn chưa có điều kiện thực hiện TTTON. Thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào công việc của anh (anh đi làm trang trại ở xa), tuy nhiên vẫn không ổn định...

Mỗi trường hợp là một nỗi niềm, một hoàn cảnh không ai giống ai nhưng họ đều có điểm chung là đau đáu nỗi mong con nhưng chưa thể thực hiện được. Dù kinh tế còn khó khăn, dù còn nhiều rào cản vô hình nhưng với lòng quyết tâm, kiên trì với quan niệm “Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, họ tiếp tục hy vọng và cùng đồng hành trong hành trình chữa trị vô sinh vốn nhiều khó khăn, thách thức. Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Với những ca được chọn để nhận sự hỗ trợ lần này, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện sẽ nỗ lực hết mình để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Vì chúng tôi biết rằng, những cặp vợ chồng này đã từng tuyệt vọng, cô đơn và khát khao đứa con đến cháy bỏng nhưng vì hoàn cảnh, đôi khi họ phải tạm gác giấc mơ về tiếng cười thơ trẻ. Chúng tôi, bằng tất cả tâm sức sẽ dốc lòng để giúp những giấc mơ ấy trọn vẹn”. 

  Hỗ trợ 10 ca TTTON miễn phí là chương trình nằm trong Tuần lễ Vàng 2019 được Bệnh viện Nam học và hiếm muộn tổ chức thường niên từ năm 2015 nhằm hỗ trợ một phần kinh phí điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Năm nay, chương trình đã đón nhận 2.000 lượt khám miễn phí; ngoài ra, Bệnh viện cũng đã trao các gói hỗ trợ đặc biệt trong chương trình bốc thăm trúng thưởng, trong đó, gói hỗ trợ đặc biệt điều trị TTTON tương đương 60 triệu đồng đã thuộc về chị Trần Thị Hường. Hai gia đình nhận được gói hỗ trợ Vàng, tương đương 30 triệu đồng/gói. Ngoài ra, 60 gia đình khác cũng lần lượt nhận được sự hỗ trợ từ 2 đến 10 triệu đồng.

 

 NGỌC DƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top