Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Di tích đình làng Hiền Sỹ (Huyện Phong Điền, TT- Huế): Kẻ gian “đục tường, phá khóa”​​​​​​​ lấy cắp cổ vật quý hiếm

Thứ Tư 16/10/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Hai cổ vật có giá trị quý hiếm có từ thời vua Tự Đức được trưng bày tại án thờ đình làng Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, Phong Điền) đã bị kẻ gian “đục tường, phá khóa” lấy đi nhưng không ai hay biết cho đến khi… Hiện cơ quan Công an huyện Phong Điền đang phối hợp với chính quyền địa phương tích cực điều tra, truy tìm cổ vật.

 Đình làng Hiền Sỹ (xã Phong Sơn) vừa bị trộm đột nhập lấy đi các cổ vật quý thời vua Tự Đức

Di tích đình làng Hiền Sỹ là “địa chỉ đỏ” trong lịch sử đấu tranh của huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi đình làng này có lịch sử gần 700 năm, cũng là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa cổ của dân tộc và vùng đất Thuận Hóa. Năm 2015, đình làng Hiền Sỹ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử, văn hóa. Ngôi đình cũng là nơi lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý hiếm từ nhiều thời vua Nguyễn nên không ít người “nhòm ngó”.

Mới đây, ông Nguyễn Trung, người được giao phụ trách trông coi và hương khói của đình làng Hiền Sỹ hốt hoảng phát hiện cửa hông của đình bị phá và cổ vật trong án thờ “không cánh mà bay”. Ông Trung cho biết, ngày 13.10 vừa qua (tức ngày Rằm tháng Chín), ông đến đình làng quét dọn và thắp hương thì thấy cánh cửa hông có dấu vết đục tường, chốt cửa bị phá. Lo lắng điều không hay, ông Trung tiếp tục vào bên trong kiểm tra thấy trên án thờ đã bị mất đi một số đồ vật quý. “Tôi kiểm tra ở tủ 2 án thờ bên trong đình, một án thờ vẫn y nguyên. Án thờ còn lại thì mất 2 cổ vật quý có từ thời vua Tự Đức. Bên cạnh đó 5 bộ lư đồng và chiếc chiêng đồng có giá trị mấy chục triệu nhưng trộm vẫn không cuỗm đi. Có lẽ, các đối tượng này chỉ nhắm đến cổ vật quý thôi”, ông Trung kể.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, ông Trung đã thông báo đến Ban Trị sự làng Hiền Sỹ. Ông Lê Ngọc Biên, Trưởng Ban trị sự làng cho hay, hai cổ vật bị mất cắp trong đình gồm một lục bình và một ché cổ từ thời vua Tự Đức. Cả 2 cổ vật này làm bằng sứ, tráng men màu đất và trắng, xanh; cao khoảng 60cm, đường kính khoảng 40 cm và 80 cm. Theo Ban trị sự làng Hiền Sỹ, các cổ vật quý của làng đều được bảo quản và cất giữ kỹ trong tủ. Thường vào những dịp lễ quan trọng của làng thì mới đưa ra trưng bày. Không ngờ, các đối tượng trộm cắp đã nhắm đến từ trước và lấy đi những đồ quý của đình làng.

 Dấu vết đục tường, phá chốt cửa rất chuyên nghiệp của các đối tượng trộm cổ vật

“Cách đây không lâu, chúng tôi có đưa một chiếc chuông cổ đi hàn lại và đã gặp một số người ngỏ ý hỏi mua. Sau đó, một số người ở Đà Nẵng cũng đến gặp đại diện của làng và trả giá lên đến 1,2 tỉ đồng, nhưng chúng tôi không bán. Có lẽ khi nghe thông tin này nên một số đối tượng lên kế hoạch để đột nhập đình làng, trộm đi cổ vật quý”, ông Lê Ngọc Biên nói. Ông Nguyễn Bá Nam, Bí thư Đảng ủy xã Phong Sơn thông tin, các bậc cao niên trong làng đang liên lạc với con cháu sinh sống ở nơi khác để tìm lại những bức ảnh chụp về các cổ vật đã mất. Qua đó sẽ cung cấp cho cơ quan Công an truy xét, điều tra. Đồng thời đại diện của làng cũng phân công nhau trông giữ đình và những vật dụng liên quan để đảm bảo hiện trường. “Hai cổ vật đã mất là những hiện vật mà làng từng được Nhà vua ban tặng. Dù là cổ vật nhưng nhiều người ở ngay trong làng vẫn rất khó nhận ra, chỉ có những người am hiểu về cổ vật mới biết nó có giá trị. Rất nhiều hiện vật nhưng chỉ có hai cổ vật niên đại lâu nhất bị lấy mất”, ông Nam kể.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết đang chỉ đạo UBND xã Phong Sơn và các đơn vị liên quan phối hợp với Công an huyện để điều tra, làm rõ vụ trộm cổ vật nói trên. “Có thể nói các đối tượng này khá chuyên nghiệp, đã lên kế hoạch theo dõi và chuẩn bị từ trước nên mới đục tường, phá chốt cửa để đột nhập vào gian chính của đình làng và dễ dàng lấy đi cổ vật quý. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện mới có chuyện trộm cắp cổ vật như vậy. Trước đây cũng có một số vụ trộm đồ thờ cúng (chủ yếu là lư đồng) do thanh niên gây ra, chủ yếu là để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Còn chuyện này, các đối tượng trộm mục đích chỉ muốn lấy cổ vật quý”, ông Hùng thông tin. 

Những năm qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra một số vụ trộm cắp cổ vật. Điển hình như các vụ trộm cổ vật ở điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức); lăng Thiệu Trị; lăng Khải Định. Tại nhiều ngôi cổ tự như Thánh Duyên, Giác Lâm, Quốc Ân cũng bị kẻ gian cuỗm đi nhiều bức tượng Phật cổ quý hiếm. Tuy nhiên đến nay việc truy bắt kẻ gian của những vụ việc trên vẫn đang trong tình trạng “mò kim”…

 


SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top