Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Pháp: Mạnh tay với nạn bạo lực gia đình

Thứ Hai 09/09/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Chính phủ Pháp đã có kế hoạch xây dựng thêm 1.000 khu nhà tạm trú dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình. 

 Cuộc tuần hành đòi lại công bằng cho những người phụ nữ chịu bạo lực gia đình và tưởng nhớ các nạn nhân đã qua đời Ảnh: GETTY IMAGES 

Đây là hành động cụ thể nằm trong nỗ lực đối phó với sự gia tăng số phụ nữ bị sát hại do bạo lực gia đình gần đây. 
3 ngày 1 vụ 
Julie Douib, 34 tuổi, một phụ nữ tại Pháp đã bị chồng cũ của mình sát hại vào tháng 3 năm nay sau khi đệ đơn ly dị và báo cáo các hành vi bạo lực của chồng với cảnh sát. Cái chết của Julie chỉ là phần nổi trong hàng loạt các vụ bạo hành và sát hại mà nhiều phụ nữ tại Pháp phải chịu đựng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng là hồi chuông cảnh báo đối với Chính phủ trong công tác khắc phục vấn đề bạo lực gia đình và những khó khăn mà phụ nữ Pháp phải đối mặt. 
Julie Douib là nạn nhân thứ 30 qua đời bởi bạo lực gia đình kể từ đầu năm cho đến tháng 3. Từ tháng 3 đến nay, có thêm khoảng 70 phụ nữ khác đã tử vong sau khi bị chồng bạo hành. Theo số liệu của Chính phủ, cứ ba ngày lại có một phụ nữ Pháp bị sát hại bởi chính người bạn đời của mình. Dù vẫn chưa rõ nguyên nhân đứng sau sự gia tăng của các hành vi bạo lực tại Pháp, vấn đề này đã thu hút sự chú ý rộng rãi từ dư luận, đặc biệt là sau khi Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu sử dụng thuật ngữ “femicide” để chỉ việc phụ nữ bị sát hại. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1970 nhưng không được công nhận chính thức trong các bộ luật hình sự của Pháp. Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Cơ sở về Bình đẳng giới Marlène Schiappa cho biết, thuật ngữ này sẽ sớm được bổ sung vào các văn bản luật sau các buổi thảo luận của Chính phủ. 
Theo dữ liệu gần đây nhất của Eurostat, kể từ năm 2015 đến nay, phụ nữ tại Pháp bị sát hại nhiều hơn ở Anh, Italia và Tây Ban Nha. Trong năm 2018, 121 phụ nữ Pháp đã bị sát hại bởi chính chồng mình. Nhiều nạn nhân trước đó đã báo cáo hành vi bạo hành và lạm dụng với cơ quan chức năng, nhưng đều nhận được sự phản ứng tắc trách và chậm trễ. Điều này dần trở thành nỗi đau đầu của các nhà chức trách tại đây. Chính phủ nước này cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống lại vấn nạn này. Vào ngày 3.9, Chính phủ Pháp đã tổ chức một buổi đối thoại cấp quốc gia với mục đích ngăn chặn bạo lực gia đình, điều được một số luật sư và công tố viên nhìn nhận như một “dịch bệnh” đang ngày một lan rộng và nghiêm trọng. 
Tham vấn qua đường dây nóng 
Quá trình tham vấn bắt đầu từ ngày 3.9 về việc tăng cường các đường dây nóng hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình 3919 và sẽ tiếp tục cho đến ngày 25.11, Ngày Quốc tế về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Trong suốt 12 tuần, Chính phủ Pháp sẽ tổ chức 91 hội nghị trên khắp đất nước để thảo luận về cách phòng chống hành vi bạo lực và sát hại đối với phụ nữ, bảo vệ các nạn nhân đứng lên tố cáo và đề ra các hình thức xử phạt thích hợp. 
Trả lời phỏng vấn của AFP, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết: “Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ đã bị chôn vùi dưới sự thờ ơ, bất cẩn và máy móc của những người không có khả năng nhìn trực diện vào nỗi đau kinh hoàng này”. Pháp hiện chi 5 triệu euro mỗi năm trong công tác ngăn chặn bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khoản ngân sách này là không đủ để đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho phụ nữ. Các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đã tăng cường nỗ lực và kêu gọi Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho công tác khắc phục bạo lực gia đình. 
Trong những năm gần đây, các nhà chức trách Pháp đã ban hành một số chính sách để giải quyết vấn đề lạm dụng và bạo hành đối với phụ nữ. Bên cạnh các hội nghị, Thủ tướng Édouard Philippe công bố các biện pháp cụ thể, bao gồm giao thức thống nhất để đánh giá mức độ nguy hiểm trong tình trạng sống của một số nạn nhân. Ông cũng cho biết, các công tố viên và tòa án chuyên môn sẽ được lập ra để xử lý nhanh chóng các trường hợp bạo lực. 
Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, Antoinette Salducci một đại diện của công dân địa phương Corsia cho biết: “Đồn cảnh sát nên là nơi trú ẩn cho tất cả những phụ nữ địa phương chịu bạo lực và lạm dụng trong gia đình”. Luc Frémiot, cựu công tố viên, một nhân vật tiên phong trong nỗ lực giúp đỡ những người sống sót sau bạo lực gia đình ở Pháp cho hay: “Phụ nữ cần được coi trọng và nhìn nhận nghiêm túc sau khi họ đặt chân tới đồn cảnh sát để trình báo về vấn đề của mình. Bên cạnh đó, các sĩ quan không thực hiện báo cáo về hành vi bạo lực đều phải chịu các mức kỹ luật thích hợp”. 

 THỤC LINH 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top