Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đề nghị đưa tiết đọc sách vào khung giờ học chính thức: Quyết tâm làm và phải làm ngay

Thứ Tư 28/08/2019 | 11:10 GMT+7

VHO- Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị như trên. Và đây là sự trăn trở và cũng là mong muốn của nhiều chuyên gia, nhà giáo, học sinh và phụ huynh tại buổi Tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?”, do Hội Xuất bản VN phối hợp Sở GD&ĐT và Thành đoàn TP.HCM tổ chức tại TP.HCM vào hôm qua 27.8.

Nhiều ý kiến mong muốn cần đưa tiết đọc sách vào chương trình dạy học chính khóa

 Các ý kiến tại đây cũng cho biết, mặc dù ai cũng hiểu được giá trị của việc đọc sách đối với việc hình thành nhân cách, giáo dục toàn diện cho HS, nhưng từ nói đến làm đang có khoảng cách khá xa.

“Chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng”

Em Lê Ngọc Phương Trinh, HS lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Hiền (TP.HCM) chia sẻ: “Thú thật rất nhiều bạn bè em dường như không có khái niệm đọc sách mà Ipad, smartphone, laptop, game online, Facebook, mạng xã hội… đang chiếm hết sự chú ý của chúng em. Chúng em không đọc sách không phải hoàn toàn là do lỗi ở công nghệ điện tử”. Tuy nhiên, theo Phương Trinh, hiện tại thời gian đọc của HS dường như không có. “Chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng. 6 giờ sáng đã dậy đi học đến 4- 5 giờ chiều, sau đó còn phải học thêm đến 8 - 9 giờ tối mới về nhà. Chưa hết, phải làm bài ở trên trường đến tận 10 - 11 giờ đêm, lúc đó chúng em chỉ muốn đi ngủ thôi”, Phương Trinh nói.

Nhà văn Văn Thành Lê, chuyên trách Truyền thông NXB Kim Đồng cho hay, trong quá trình thực hiện chương trình “Cùng trang sách bước đến tương lai”, NXB đã giao lưu với hơn 70 trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thuộc miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Qua đó nhận thấy rằng, hiện nay nhiều HS rất mê đọc sách nhưng rất đáng tiếc là sách chưa tiếp cận được với các em. “Nhà sách thì không phải quận, huyện nào cũng có, do đó môi trường để các em tiếp xúc được với sách là ở thư viện trường học. Tuy nhiên, có đi thực tế mới thấy ngay cả những quận trung tâm của TP.HCM thì số lượng đầu sách trong thư viện rất nghèo nàn”, nhà văn Văn Thành Lê tâm tư.

Theo một HS cấp 2 trên địa bàn quận 7, “nơi đây gần như không có lấy một không gian đọc sách, những địa điểm như nhà sách Nguyễn Văn Cừ thì hầu như chỉ có sách giáo khoa, sách bài tập. Trong khi đó, một không gian đọc sách tuyệt vời cũng là một trong những yếu tố thôi thúc chúng em đọc. Tuy nhiên, không có nhiều nơi đọc sách miễn phí gần chỗ ở và việc học đã chiếm hết thời gian trong ngày là một trong những hạn chế cho việc đọc sách của chúng em”, học sinh này bày tỏ.

Lê Nguyễn Vân Anh, HS lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10, TP.HCM) pht biểu ý kiến ti buổi Ta đm

Xây dựng Thành phố thông minh cần gắn với Thành phố đọc sách

Tại tọa đàm, giáo viên, HS và phụ huynh đã chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế. Thông qua những câu chuyện cho thấy sách thật sự có tác động mạnh mẽ, tích cực đến việc hình thành tri thức và nhân cách của học sinh. Các ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng tiết đọc sách trong khung giờ chính thức của nhà trường, để hình thành và duy trì thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Giáo viên Lê Hữu Dũng, Trường Tiểu học Hùng Vương nói rằng, “tôi đề nghị Sở GD&ĐT đưa tiết đọc sách vào trong khung chương trình học của các trường học, đồng thời nên đưa tiết đọc sách vào việc kiểm tra đánh giá thi đua. Bởi nếu như được đọc tốt, HS sẽ phát triển toàn diện và có nhiều đức tính tốt hơn, cũng chính là góp phần thực hiện mục tiêu thắng lợi của chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay”. Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD&ĐT quận 7 cũng đồng quan điểm cho rằng, một thời gian dài chương trình học hàn lâm, lý thuyết suông với việc bắt buộc học thuộc lòng đã khiến học sinh “quên” đọc thêm sách. Do đó thời gian tới cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa các giải pháp để đưa sách đến với học sinh.

 Tại buổi Tọa đàm, BTC đã mời nhiều em học sinh đến dự và phát biểu ý kiến, trong đó đáng lưu ý không ít em cho rằng "có muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng gì vì thời gian đi học đã chiếm hết" . Trong ảnh: Em Cao Thanh Hiếu, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp - TP.HCM) pht biểu vềmong muốn đc sch Ảnh: THÙY TRANG

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho HS trong nhà trường xét cho cùng cũng chính là góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi lẽ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; 10 năng lực cốt lõi gồm 3 năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất)…

Có mặt tại tọa đàm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo mong muốn TP cần có chính sách đầu tư cho văn hóa đọc nhiều hơn nữa, tạo cơ sở vật chất để có những sản phẩm đọc đa dạng hơn. “Sự quan tâm chăm lo cho văn hóa đọc không chỉ gói gọn trách nhiệm trong ba đơn vị ký kết mà cần mở rộng ra toàn xã hội. TP.HCM đang xây dựng Thành phố thông minh cần gắn với Thành phố đọc sách”, bà Thảo đề nghị.

Tại buổi tọa đàm, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD&ĐT và Thành đoàn TP.HCM đã ký kết phối hợp công tác, đồng thời thống nhất sẽ ban hành thông báo liên tịch nhằm đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thói quen đọc sách tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của đội viên học sinh trên địa bàn TP. 

 Nếu cần, xin chủ trương của Bộ GD&ĐT để sớm triển khai

“Những chia sẻ, hiến kế từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, các thầy cô và học sinh được đúc kết trong tọa đàm, theo tôi sẽ thật giá trị và thiết thực. Ngành Giáo dục TP phải quyết tâm làm và phải làm ngay, làm có hiệu quả để tạo sự chuyển động, đổi mới trong thầy cô, học sinh, hệ thống các trường phổ thông trong TP, đồng thời nhân rộng trong toàn ngành giáo dục của cả nước…

Vì vậy, những đề nghị như cần đưa tiết đọc sách vào khung chương trình ở các cấp lớp học, nhân sự vận hành, các hoạt động truyền thông giao lưu, các cuộc thi đọc sách, kể chuyện; đến những kiến nghị tạo lập một danh mục khuyến đọc cho từng cấp lớp… Tôi nghĩ, tất cả những giải pháp gợi ý này đều khả thi, ngành giáo dục cần ra văn bản chỉ đạo hoặc nếu cần, xin chủ trương của Bộ GD&ĐT để sớm triển khai cho hệ thống các trường học trong TP.

Hãy tạo môi trường và động lực để giúp các cháu thấy việc đọc sách là một niềm vui cùng với nhiều lợi ích cho bản thân, thay vì hàng giờ dán mắt vào màn hình chơi game, lướt web tán gẫu vừa lãng phí thời gian vừa thật vô bổ…”

(Trích Thư ngỏ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi BTC buổi Tọa đàm)

 

 Chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng. 6 giờ sáng đã dậy đi học đến 4- 5 giờ chiều, sau đó còn phải học thêm đến 8 - 9 giờ tối mới về nhà. Chưa hết, phải làm bài ở trên trường đến tận 10 - 11 giờ đêm, lúc đó chúng em chỉ muốn đi ngủ thôi.

(Em Lê Ngọc Phương Trinh, HS lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Hiền,TP.HCM)

 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top