Khai mạc phiên họp thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV

VHO-Sáng 15.7, phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc tại phòng họp Tân Trào, nhà Quốc hội, Hà Nội. Phiên họp sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 15-17.7.

Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về 5 nội dung. Nội dung thứ nhất là cho ý kiến về  4 dự án luật, gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Khai mạc phiên họp thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV - Anh 1

Phiên họp lần thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

Nội dung tiếp theo là xem xét, quyết định việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định - tỉnh Nam Định, thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phiên họp lần thứ 35 này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp sẽ phát huy tinh thần đổi mới của kỳ họp thứ 7, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên công tác chuẩn bị tiến hành kỳ họp vẫn còn những hạn chế cần được rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ họp sau.

Khai mạc phiên họp thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV - Anh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc

“Từ kỳ họp thứ 7 đến nay, tuy thời gian không nhiều, chỉ khoảng 1 tháng nhưng với tinh thần phối hợp chặt chẽ, tích cực nghiên cứu chuẩn bị của các cơ quan, đến nay đã có 4 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vừa rồi, được tiếp thu chỉnh lý để kịp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị cho các phiên họp tiếp theo.

Trong buổi sáng ngày 15.7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 2 dự án luật là Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

 

Ý kiến bạn đọc