Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Các địa phương kêu quá thiếu giáo viên

Thứ Sáu 11/01/2019 | 10:06 GMT+7

VHO- Về đổi mới chương trình, SGK, xây dựng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất… cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM), tại Hội nghị triển khai chương trình này do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 9.1, hầu hết các địa phương cho biết khó khăn nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên.

 Giáo viên TP.HCM trong một đợt tuyển dụng

 Còn thiếu gần 76.000 giáo viên

Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn các cấp học là gần 99%. Tính đến tháng 10.2018, cả nước có trên 1,1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Báo cáo của các Sở GD&ĐT cho hay, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là gần 76.000 người, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với trên 43.700 giáo viên.

Riêng cấp THCS hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu trên 10.000 giáo viên THCS; thừa trên 12.000 giáo viên THCS các môn khác.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục cho biết, để chuẩn bị đội ngũ, Bộ đã phân công các trường sư phạm chủ chốt phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên. Cụ thể, Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông) sẽ bồi dưỡng trực tiếp cho 360 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên và 4.000 CBQL trường phổ thông cốt cán và bồi dưỡng thường xuyên qua mạng kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp nâng cao năng lực nghề nghiệp cho 882.500 giáo viên và 70.000 CBQL. Nếu mỗi trường THPT dự kiến bố trí 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì cần đào tạo mới khoảng 2.700 giáo viên Âm nhạc và 2.700 giáo viên Mỹ thuật. Hiện nay, toàn quốc thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh và 5.600 giáo viên Tin học ở tiểu học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Nguyễn Minh Tường cho biết, tỉnh đang thiếu 800 giáo viên. Để triển khai CT GDPTM từ năm học 2020-2021, toàn tỉnh dự kiến triển khai 1.100 lớp 1 với 2.400 giáo viên, đồng thời ở cấp tiểu học cần xây dựng mới 436 phòng học, 228 phòng máy vi tính với hơn 5.500 máy vi tính. “Với nhu cầu như vậy thì Phú Thọ đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tường than.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang bày tỏ, hiện nay ngành đang thực hiện việc tinh giản biên chế, vậy việc sắp xếp lại đội ngũ giáo viên như thế nào để không thừa cũng không thiếu khi phải thực hiện dạy tích hợp theo CT GDPTM.

Sẽ xảy ra tình trạng vừa tuyển dụng thì phải bồi dưỡng lại

Liên quan đến chuẩn giáo viên hiện nay, ông Nguyễn Thanh Giang đặt câu hỏi: “Hiện đội ngũ giáo viên trong biên chế ngành thì đang được tập huấn để giảng dạy CT GDPTM, nhưng đội ngũ giáo viên mới thì chúng tôi gặp lúng túng, nên đưa ra tiêu chí gì, tiêu chuẩn nào để tuyển dụng, nhằm tránh việc vừa tuyển xong lại đưa đi bồi dưỡng lại?”. Trả lời thắc mắc này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành nói rằng, sẽ có lộ trình bồi dưỡng thêm cho giáo viên về phương pháp dạy học để có thể dạy tích hợp các môn học, vừa bồi dưỡng giáo viên cũ và cả giáo viên mới ra trường.

Sau khi nghe ông Nguyễn Xuân Thành giải thích, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục nêu băn khoăn: “Đội ngũ giáo viên trước đây hầu như được đào tạo theo từng môn học một, nhưng tôi cho rằng khi đặt vấn đề phải bồi dưỡng giáo viên thì không chỉ bồi dưỡng về phương pháp tích hợp, tôi nghĩ cái gốc là kiến thức các môn học”. Ông Quý cũng nói rằng phương pháp bồi dưỡng giáo viên mà Bộ cho hay là chủ yếu tự đào tạo qua internet, nhưng nhiều địa phương khu vực miền núi hiện nay không có internet, thậm chí còn không có điện thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chương trình bồi dưỡng, bên cạnh đó Bộ cần tính toán cho con em vùng dân tộc không bị thiệt thòi khi áp dụng CT GDPTM.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị Bộ GD&ĐT và các trường sư phạm khi biên soạn tài liệu bồi dưỡng cần có tính “mở”, xây dựng các kho dữ liệu lớn, công bố lực lượng chuyên gia nắm rõ chương trình để giáo viên có thể tiếp cận bất cứ thời điểm nào, trên tinh thần không “cầm tay chỉ việc” như trước đây. “Chúng ta đã thất bại trong chương trình bồi dưỡng giáo viên trước đây, vì cứ nghĩ các thầy cô giáo có trình độ như nhau, nhưng thực sự không phải vậy, mỗi giáo viên có thế mạnh riêng, cho nên chương trình bồi dưỡng cần mở rộng đa dạng, để giáo viên thấy mình yếu ở đâu thì học hỏi ở đó”, ông Vĩnh nói.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Bộ sớm ban hành nội dung bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Đặc biệt là công bố bộ sách giáo khoa mới để giáo viên tự nghiên cứu, các nhà trường tự bồi dưỡng, nếu triển khai chậm thì gây khó khăn cho các trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chương trình bồi dưỡng giáo viên cho CT GDPTM đã có sẵn rồi, sau hội nghị hôm nay bắt đầu triển khai. Trong đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ được đẩy mạnh thông qua hình thức tập huấn trực tuyến, để bảo đảm giáo viên được tập huấn kịp thời, đầy đủ, thầy cô giáo không nhất thiết phải theo các lớp học tập trung như trước đây mà có thể học ở mọi lúc mọi nơi, còn nội dung tập huấn trực tiếp chủ yếu dành để trao đổi kinh nghiệm, truyền hứng thú cho người học. “Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng Nhạ cũng nói thêm rằng tỷ lệ gần 99% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn như công bố đó là theo chuẩn cũ, còn áp dụng CT GDPTM thì cần phải tập huấn, bồi dưỡng rất nhiều mới đáp ứng được. 

 Chương trình vừa được Bộ GD&ĐT công bố mới là cái khung và theo lý giải của Bộ cũng có giảm tải. Nhưng nếu đi vào chi tiết thì có những phần chưa đạt yêu cầu theo mục tiêu đã đặt ra. Ví dụ trong chương trình mới phải tăng cường ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Muốn vươn ra thế giới thì phải giỏi ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh được coi là ngoại ngữ chính. Còn CNTT giúp học sinh rất đắc lực trong việc tra cứu kiến thức theo phương pháp dạy và học mới. Trong khi đó, CT GDPTM ở lớp 1 và lớp 2 mới chỉ đặt ra mục tiêu chung chung là “làm quen” với tiếng Anh với mức độ khiêm tốn trong phạm vi 70 từ. Trước đây nhiều người cho rằng tiếng Anh được dạy từ lớp 3 là rất lãng phí thời gian của trẻ thì bây giờ Bộ GD&ĐT “sửa đổi” bằng cách dạy tiếng Anh từ lớp 2. Lẽ ra phải đưa tiếng Anh vào dạy từ lớp 1 để trẻ có thể có vốn ngoại ngữ ngay từ ban đầu.

Chúng ta cần chờ đợi các bộ SGK mới, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy mới được thực hiện thế nào... khi đó mới có thể đánh giá cụ thể xem chương trình mới có hiệu quả không, có giảm tải không và học sinh tiếp thu tốt không...

(PGS.TS TRẦN XUÂN NHĨ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT)

QUỐC HÙNG ghi

 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top