Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người”

VH- Phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000-2018 vào sáng 21.9 tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần giành nhiều thời lượng hơn để tuyên truyền về những tấm gương người tốt việc tốt, phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người” - Anh 1
    

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Sợi dây gắn kết các phong trào thi đua
Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, 18 năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến nay, Phong trào đã trở thành sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc.
Xây dựng đời sống văn hóa là nhu cầu, nguyện vọng của  các tầng lớp nhân dân bởi theo Thủ tướng, “ai cũng muốn gia đình hạnh phúc, ai cũng xóm làng yên ấm”.
Phong trào được bắt nguồn từ sự tự nguyện giao ước thi đua của 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) vào thập niên 60, quy ước về xây dựng làng văn hóa Trang Liệt (Bắc Ninh) và Nông Cống (Thanh Hóa) vào những năm 1990 của thế kỷ XX, đây là những mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa đầu tiên được hình thành ở nước ta.
Tại Tam Kỳ (Quảng Nam), nơi được lựa chọn để phát động phong trào TDĐKXDĐSVH   trong  cả nước vào năm 2000, đã có rất nhiều sáng tạo trong việc xây dựng và phát huy văn hóa dòng tộc, hương ước, quy ước cộng đồng. Huyện Hải Hậu (Nam Định) tiếp tục phát huy truyền thống trong xây dựng và giữ vững danh hiệu “Huyện Văn hóa-Anh hùng”...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 18 năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn,  gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Phong trào có sự phát triển mạnh mẽ, tác dụng tích cực, lan tỏa đến mọi lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội.  
Đặc biệt, việc xây dựng gia đình văn hóa, có truyền thống tốt đẹp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo được chú trọng, góp phần to lớn trong việc duy trì và bảo vệ các tế bào của xã hội lành mạnh. Năm 2017, đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa. Cả nước đã có trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; đã công nhận hơn 69.000 làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa; đã có gần 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 38,9%), 55 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Đây có thể coi là những hạt nhân, điểm sáng cần tiếp tục được nhân rộng.

Phong trào TDĐKXDĐSVH trong những năm qua cũng đã khơi lòng niềm tự hào dân tộc, các truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông được phát huy, đạo lý uống nước nhớ nguồn được đề cao, tình làng nghĩa xóm được nhân rộng. 
Phong trào văn hoá ở huyện nông thôn mới cũng có nhiều ấn tượng, “người ta trồng hoa trước nhà để mọi người cùng thưởng thức hay có những con kênh, dòng sông không một cọng rác”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước. Đặc biệt, gần đây, Bộ VHTTDL đã giành nhiều công sức nghiên cứu, hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Nghị định 122 ngày 17.9.2018 quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân dân phố văn hoá. Đây là văn bản quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn  hóa trong thời gian tới.
“Nếu đời sống vật chất mà không có tinh thần thì không có ý nghĩa”
 Thủ tướng cho rằng, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này. Trước hết là vấn đề nhận thức, nhiều nơi còn cho rằng việc thực hiện phong trào là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa, chứ không phải là của các cấp, các ngành, của cộng đồng,  của toàn dân… 
Chất lượng danh hiệu văn hóa chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng miền, kết quả chưa thực sự bền vững. Không ít gia đình tuy được công nhận là gia đình văn hóa nhưng chưa phát huy được yếu tố văn hóa cũng như giá trị cao đẹp của gia đình trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong triển khai thực hiện phong trào còn thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ phân công nên chất lượng hoạt động của BCĐ ở một số nơi chưa cao. Năng lực tổ chức của nhiều cán bộ phong trào còn hạn chế, việc huy động nguồn lực cho hoạt động của phong trào các cấp còn khó khăn, chưa đúng yêu cầu. 
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh quan tâm đến phát triển kinh tế thì phải đặc biệt quan tâm vấn đề văn hóa. Nếu đời sống vật chất mà không có tinh thần, không có văn hóa thì không có ý nghĩa nữa. Chúng ta xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN chứ không phải xây dựng xã hội thị trường.  
“Các đồng chí hãy dành thời gian, nguồn lực cho công việc này để chúng ta có cộng đồng, gia đình văn hóa đầy ắp tiếng cười, tình cảm thân thương, chia sẻ”, Thủ tướng bày tỏ.
Trước những bất cập trên, Thủ tướng chỉ đạo, phải tiếp tục đổi mới cả nhận thức và hành động để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo chuyển biến tích cực.    

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội; chăm lo bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam đủ tự tin, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập thế giới, đủ sức đề kháng với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa. 
Không có câu phê phán nào đau buồn hơn việc người ta nói “anh kém văn hóa, gia đình kém văn hóa, thôn bản kém văn hóa”.
Theo Thủ tướng, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các cấp, trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn. Cần đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý. Xây dựng đời sống văn hóa là việc làm của toàn dân, là nhiệm vụ toàn diện và lâu dài, phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện.
Thủ tướng đề nghị BCĐ TƯ  Phong trào TDĐKXDĐSVH cần xây dựng kế hoạch phối hợp các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy lối sống: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành nhằm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào. Tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo.
Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị sẽ đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sáng tạo để tạo ra một động lực mới, khí thế mới, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt phong trào, xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng.

Phương Anh; ảnh: Trần Huấn
 

Ý kiến bạn đọc