Ứng phó bão số 6: Đảm bảo an toàn cho du khách

VH- Mặc dù theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, bão số 6 (Mangkhut) đổ bộ vào phía Nam Trung Quốc nhưng các tỉnh Đông Bắc của VN sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh ở khu vực này đã ráo riết phòng, chống bão.

Sáng qua 16.9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại tỉnh Quảng Ninh. Trong chuyến kiểm tra, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan khi ứng phó với cơn bão số 6.

Ứng phó bão số 6: Đảm bảo an toàn cho du khách - Anh 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để chủ động vận hành an toàn và hiệu quả các hồ chứa nước. Ảnh: NHẬT BẮC

 Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng cũng đã kiểm đếm, thông báo cho 2.700 phương tiện tàu thuyền, gần 800 lồng bè, chòi canh trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Đến 10h sáng qua 16.9, gần 2.400 phương tiện đã về neo đậu tại các nơi tránh trú an toàn; trong đó có gần 300 phương tiện của người dân các tỉnh, thành khác. Quận Đồ Sơn cũng đã kêu gọi hơn 200 phương tiện và 9 chòi nuôi ngao về nơi neo đậu, trú bão; xây dựng phương án sơ tán tại chỗ hơn 1.800 người, sơ tán khỏi địa bàn gần 500 người.

Tại huyện Bạch Long Vĩ, hiện trong âu cảng không còn phương tiện neo đậu. Huyện Cát Hải đã ban hành lệnh cấm biển từ 8h sáng qua 16.9. Đến thời điểm này, gần 900 phương tiện tàu thuyền của nhân dân trong huyện và hơn 200 phương tiện của lao động các địa phương khác đã neo đậu an toàn. Các quận huyện, các Sở, ngành và lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã sẵn sàng huy động hơn 42.000 người, gần 1.500 xe ô tô các loại cùng, 4 xe thiết giáp, cùng nhiều phương tiện, vật tư xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bão vào.

Tại Quảng Ninh, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo ngày hôm nay 17.9, cho học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh nghỉ học; hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và tập trung phòng chống bão. Các ngày tiếp theo, Trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thông báo cụ thể, chi tiết, đầy đủ đến cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh biết về việc nghỉ học, hoãn tổ chức các hoạt động. Trường hợp học sinh không nhận được thông báo nghỉ học mà vẫn đến trường hoặc khi hết giờ học có gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt… thủ trưởng cơ sở giáo dục phải có phương án quản lý học sinh tại trường, chỉ cho học sinh về nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh trên đường về nhà.

l Xác định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó. Huyện Văn Lãng đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi các vị trí đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ sạt lở lớn, lũ quét; rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó.

Tại các khu vực biên giới, lực lượng biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét để cảnh báo, triển khai các biện pháp sơ tán kịp thời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động rà soát tình hình sạt lở đường biên, mốc biên giới để triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường phối hợp, chủ động bố trí lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Công điện Bộ VHTTDLL: Bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch

Ngày 15.9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có công điện gửi giám đốc Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ từ Nghệ An trở ra về tình hình ứng phó kịp thời với cơn bão số 6. Nội dung công điện nêu rõ:

Để chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu: Giám đốc Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ từ Nghệ An trở ra tổ chức rà soát, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện, hoạt động du lịch trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh trú an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển đối với tất cả phương tiện, hướng dẫn neo đậu và triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện, người dân tại nơi tránh trú và các công trình hạ tầng, nhà cửa phục vụ du lịch trên các đảo.

Các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch và các đơn vị trực thuộc Bộ kiểm tra, rà soát và có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch do đơn vị quản lý như: các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch và khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động du lịch tại các địa phương có ảnh hưởng của bão. Các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sát với tình hình cụ thể trên địa bàn về diễn biến của bão, các thông báo của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và Bộ VHTTDL để có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên và bảo vệ tài sản công do đơn vị quản lý. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị phối hợp với địa phương để triển khai các phương án đối phó với bão. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện và vật tư sẵn có để khắc phục hậu quả của bão và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu. THU SÂM

T.S - P.V

 

 

Ý kiến bạn đọc