Kỹ năng là điều quan trọng nhất

VH- Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra vào sáng qua 11.9 tại Hà Nội đã mở đầu cho Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, đã thu hút các diễn giả đến từ những tập đoàn công nghệ lớn của thế giới.

Kỹ năng là điều quan trọng nhất - Anh 1

 Các diễn giả tại Diễn đàn

Tại đây SV đến từ các trường ĐH đã được gợi mở những ý tưởng khởi nghiệp và làm sao theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

 WEF ASEAN 2018 diễn ra từ ngày 11-13.9 tại Hà Nội với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là một sự kiện đối ngoại quan trọng, được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới, tạo ra diễn đàn để thảo luận những thách thức và cơ hội của khu vực.

Mở đầu hội nghị WEF ASEAN lần thứ 19 là Diễn đàn mở “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, thu hút các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế và trong nước, các doanh nghiệp và thanh niên, SV đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn mở, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 ​Đổi mới để tạo ra thay đổi...

Sáng qua 11.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018, sự kiện quan trọng khởi động Diễn đàn WEF-ASEAN diễn ra tại Hà Nội từ 11-13.9. Tham gia Hội nghị có lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực ASEAN, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn toàn cầu và các công ty có đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Diễn đàn Tăng trưởng châu Á có chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng” với 18 phiên kỹ thuật. Trong đó, sẽ thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như tài chính nông nghiệp, đổi mới kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp với cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ chính xác trong nông nghiệp, nông nghiệp phát thải thấp, chuyển giao công nghệ tới người nông dân trong chuỗi giá trị, chuyển đổi lao động nông nghiệp… T.S

“Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035; kịch bản cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới”, ông Chu Ngọc Anh nói.

Tại Diễn đàn mở, ngoài ông Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới còn có sự tham gia của các diễn giả là những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia (25 tuổi), bà Annie Koh, Phó Chủ tịch Cơ quan Phát triển kinh doanh Singapore, ông Rajan Ananda, Giám đốc điều hành Google khu vực Đông - Bắc Á và Ấn Độ, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG đại diện doanh nghiệp Việt Nam… Diễn đàn mở tập trung thảo luận ba nội dung chính là: Vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các quốc gia Đông Nam Á; Sự thay đổi về nghề nghiệp trong thời kỳ bùng nổ các ứng dụng công nghệ cao đi kèm với những thách thức; Đưa ra cách thức tiếp cận mới, những chính sách quản trị phù hợp nhằm tận dụng và phát huy những lợi thế mà công nghiệp 4.0 đem lại.

Trao đổi với các bạn trẻ, ông Klaus Schwab cho rằng, thanh niên hãy nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi vì sự hiện diện của cuộc cách mạng đã không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh mà còn tạo ra sự khác biệt về nền kinh tế - xã hội. Trong tương lai, quốc gia thành công là quốc gia có thể nắm bắt cơ hội cũng như ưu thế mà cuộc cách mạng này mang lại.

Trả lời câu hỏi của sinh viên, các nhà lãnh đạo WEF khẳng định kỹ năng là điều quan trọng nhất và cần tạo kỹ năng từ thời sinh viên. Các doanh nghiệp ASEAN chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm sao giúp các doanh nghiệp này khai thác triệt để nền kinh tế số và làm chủ công nghệ chứ không phải là phụ thuộc vào chúng. Đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia Diễn đàn mở, Chủ tịch Lê Hồng Minh chia sẻ về những may mắn mà thế hệ trẻ hiện nay đang có là được hưởng thụ những thành tựu công nghệ hiện đại. 

 Sáng nay 12.9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN và thế giới cùng hàng trăm phóng viên quốc tế có uy tín.

Theo chương trình dự kiến, phiên khai mạc Hội nghị diễn ra vào lúc 10h15 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với chủ đề “Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu. Trước khi diễn ra lễ khai mạc, bắt đầu từ 8h30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF. Sau đó, Thủ tướng tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Chiều cùng ngày 12.9 Thủ tướng sẽ hội kiến Tổng thống Indonesia, Chủ tịch Điều hành châu Á- Thái Bình Dương của Google, Tổng giám đốc điều hành của Carlsberg, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đông Timor… Vào tối ngày 12.9, sẽ diễn ra Dạ hội Văn hoá Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dự nhiều sự kiện quan trọng khác như phiên thảo luận “Tầm nhìn mới khu vực sông Mekong” trong ngày 12.9, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam diễn ra ngày 13.9. Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, khoảng 55 phiên thảo luận về các vấn đề Chính phủ, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới đang quan tâm cùng sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ. Phiên bế mạc toàn thể và bàn giao chủ nhà Hội nghị WEF ASEAN sẽ diễn ra vào chiều ngày 13.9.

Sau khi kết thúc, các đại biểu WEF ASEAN sẽ có chuyến thăm thực địa tại Quảng Ninh và tham quan vịnh Hạ Long đến hết ngày 14.9.

THẢO LAM

 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc