Sinh viên chương trình chất lượng cao: Chất lượng đầu vào giảm, đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu

VH- Chương trình đào tạo chất lượng cao là “chén cơm” của nhiều trường ĐH đào tạo hệ này nhờ vào học phí khá cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chương trình chất lượng cao đang phải đối mặt với nhiều thử thách, đó là sự cạnh tranh chia sẻ thị phần giữa các trường, trong khi phương pháp dạy và học còn bất cập, đặc biệt là chất lượng sinh viên chương trình đào tạo này chưa đáp ứng yêu cầu.

Sinh viên chương trình chất lượng cao: Chất lượng đầu vào giảm, đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu - Anh 1

 Các chuyên gia cho rằng sinh viên cần rèn luyện thói quen tự học chứ không thể chỉ phụ thuộc thời gian học tập trên lớp (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp thuộc chương trình chất lượng cao” tổ chức cuối tháng 8 vừa qua tại TP.HCM, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ, hiện nay chương trình đào tạo chất lượng cao chiếm 20% số lượng sinh viên chính quy các khóa, tạo nguồn thu không nhỏ cho nhà trường. Tuy nhiên, với trên 50 cơ sở đào tạo ngành luật trên cả nước, trong đó có những trường rất “nới lỏng” điều kiện tuyển sinh thì người học sẽ có xu hướng chọn trường đào tạo dễ dãi hơn. Bên cạnh đó, trong khi vẫn chưa có giáo trình riêng cho các chương trình chất lượng cao nhưng chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy liên tục sửa đổi từ năm 2008 đến nay đã gây không ít khó khăn cho trường. “Số lượng sinh viên chương trình chất lượng cao ngày càng tăng nhưng bên cạnh sinh viên giỏi thì đã xuất hiện nhiều sinh viên năng lực và thái độ học tập kém. So với những năm trước đây, “đầu vào” của sinh viên hiện nay đã giảm sút. Đáng lưu ý là kỹ năng của các sinh viên khi tốt nghiệp ra trường của chương trình này chưa đáp ứng được yêu cầu”, PGS.TS Bùi Xuân Hải tâm tư.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá đối với chương trình chất lượng cao như hiện nay là chưa ổn. Theo phân tích của các giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình giáo dục truyền thống trước đây sẽ phải thay đổi, trong đó thay đổi nhiều nhất là vai trò của người thầy và ở bản thân các trường ĐH vì đối tượng người học đã không như trước đây. Theo ThS Nguyễn Văn Trung, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, việc thích nghi với những biến đổi về công nghệ, thích ứng với các yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới đòi hỏi các trường và đội ngũ giảng viên phải có sự vận động, chuyển đổi cho phù hợp. Vai trò người thầy truyền thống cần đạt ở mức độ “tinh” hơn. Về phía các trường, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo áp lực trong hoạt động đào tạo. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo quan trọng trong tương lai, nó đòi hỏi các trường phải thay đổi phương pháp đào tạo thích ứng.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Khôi, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM, các nhà trường hiện nay cần thay đổi quan niệm trong dạy và học. Quan niệm truyền thống về dạy học cho rằng người thầy đóng vai trò trung tâm, cung cấp kiến thức mới hoàn toàn cho người học, còn người học như “tờ giấy trắng” đã không còn phù hợp. Vai trò của giảng viên ngày nay là người hỗ trợ, giúp đỡ người học để dạy cách tư duy, kỹ năng tự học. Giảng viên phải nhận thức được rằng trong thời đại thông tin tràn ngập ở mọi nơi mọi lúc, kiến thức không còn là lĩnh vực độc quyền của người thầy được nữa…

Kiều Giang

 

Ý kiến bạn đọc