​Giáo dục giá trị sống cho học sinh: Muộn còn hơn không

VH- Bên cạnh các hình thức sinh động như sân chơi thể thao, giao lưu nghệ thuật, hội trại, chuyên đề rèn kỹ năng…, trong năm học 2018-2019 này, nhiều trường đã rất chú trọng đến việc giáo dục những giá trị sống, lòng yêu thương cho học sinh và đẩy mạnh vai trò của văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Chuyên đề “Ứng xử thông minh” được tổ chức vào cuối tuần qua, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) Huỳnh Thanh Phú chia sẻ, cách hành xử của thầy cô rất quan trọng trong việc góp phần hình thành nhân cách học sinh.

​Giáo dục giá trị sống cho học sinh: Muộn còn hơn không - Anh 1

 Chuyên đề “Văn hóa ứng xử” tại Trường THPT Lương Thế Vinh

Giáo viên cần nói lời đẹp đến học sinh

“Tôi đã chứng kiến nhiều giáo viên nói chuyện với học trò của mình rất thô tục, thiếu văn hóa, lời nói đó như kim châm muối xát vào lòng học trò. Có khi những lời nói tưởng như vô hại đó đã dẫn đến nhiều tai họa khôn lường. Một câu nói nặng nề có thể phá hủy tâm hồn và tương lai một con người. Trái lại, nói khéo léo, ứng xử tế nhị có thể đem lại thành công cho các em”, thầy Phú tâm tư.

Ông cũng cho biết, cách đánh giá học sinh hiện nay cần thay đổi theo hướng xây dựng nhân cách mở. Với học trò, giáo viên cần biết cổ vũ khi các em đạt thành tích hoặc động viên và nâng đỡ giúp học sinh rũ bỏ cảm giác tự ti. Khi nhà trường chăm sóc, dạy dỗ học sinh bằng tấm lòng yêu thương thì các em sẽ ứng xử với xã hội bằng những giá trị yêu thương đó. Do vậy, các thầy cô cần biết nói lời hay, ứng xử khôn khéo để hình thành lối sống đẹp cho học sinh.

Theo một chuyên gia, có một thực tế cần phải đối mặt là từ khi tổ chức thi trắc nghiệm đến nay đã hình thành một lứa học sinh thiếu tư duy. “Phương pháp thi trắc nghiệm của chúng ta đã khiến nhiều khi học trò làm không đúng nhưng may mắn có điểm, và quá trình đúng sai này không kiểm soát được, từ đó hình thành ở học sinh sự lười biếng tư duy, không chịu khó suy nghĩ đầu tư cho bài học”, vị chuyên gia này lo lắng. Nhiều giáo viên cho rằng nên chấp nhận nhiều dạng học sinh khác nhau để có thái độ cư xử đúng mực, phù hợp, tạo cơ hội để các em phát triển nhân cách. Trong phương pháp giảng dạy cần liên hệ với cuộc sống đời thường, đem những câu chuyện về nhân vật lịch sử, những bậc vĩ nhân, tuồng tích để dạy dỗ học trò, thông qua đó các học sinh rút ra được ý nghĩa và cách ứng xử trong cuộc sống.

 

​Giáo dục giá trị sống cho học sinh: Muộn còn hơn không - Anh 2

Các học sinh Trường THPT Nguyễn Du hào hứng tham gia một hoạt động đầu năm học mới

Trang bị cho học sinh kỹ năng và lòng yêu thương

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) cũng cho biết, từ năm học 2018-2019 nhà trường sẽ đưa giá trị sống vào trường học với 4 giá trị cốt lõi, đó là giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, giá trị trách nhiệm và giá trị trung thực. Mở đầu cho hoạt động này là chương trình chuyên đề “Văn hóa ứng xử” vừa được nhà trường tổ chức cho toàn thể các học sinh từ khối 6 đến khối 12 nhằm giáo dục các kỹ năng sống cho các em.

Tại đây, chuyên gia tư vấn tâm lý đã cùng học sinh tháo gỡ nhiều tình huống mà các em thường va chạm trong nhà trường và ngoài xã hội, đồng thời giáo dục học sinh biết yêu quý bản thân, trân trọng giá trị cuộc sống, yêu thương những người xung quanh. “Các giá trị cốt lõi này không chỉ lồng ghép vào các bài học mà sẽ được nhà trường thực hiện xuyên suốt trong toàn bộ mọi hoạt động, mọi sự kiện của cả năm học. Chương trình sẽ giáo dục một cách bài bản từ những câu chuyện thực tế mang thông điệp, để các em cảm nhận và thay đổi nhận thức theo hướng tích cực. Trong thời gian tới nhà trường tổ chức tiếp các chuyên đề như sử dụng facebook hiệu quả, phòng chống xâm hại tình dục và các câu lạc bộ để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo và phát triển tố chất cho học sinh.”, Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm chia sẻ.

Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ những ngày đầu năm học mới vừa qua, Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM) đã dành nhiều thời gian để trò chuyện với học sinh về tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô để các em biết nâng niu giá trị cuộc sống. Nhà trường đặc biệt lưu ý nhắc nhở và hướng dẫn học sinh cách ứng xử với mạng xã hội sao cho hiệu quả. Theo đó, thế giới mới trên mạng xã hội có muôn hình vạn trạng, nếu học sinh sử dụng không đúng sẽ dễ bị sa ngã, ảnh hưởng tiêu cực cũng phát sinh từ đây nếu như học sinh không biết cách ứng xử phù hợp.

Song song các hoạt động nói trên, trong hai tuần lễ đầu tiên của năm học mới, nhiều trường đã trang bị cho học sinh các kỹ năng thực hành xã hội như “Kỹ năng quản lý cảm xúc”, “Kỹ năng tự nhận thức bản thân”; “Kỹ năng ứng phó”, “Kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn”… do các chuyên gia tâm lý hướng dẫn và trò chuyện cùng học sinh. Thông qua các chuyên đề, học sinh được rèn luyện kỹ năng ứng phó với tình huống nguy hiểm để biết cách bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác. Song song đó, các em hình thành ý thức về quản lý cảm xúc, biết bày tỏ chính kiến, quan điểm, thấy được động cơ học tập cũng như biết phát huy những mặt mạnh, khắc phục điểm yếu để tổ chức tốt cuộc sống của bản thân. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc