VỤ “HAI HỌC SINH BỊ SÓNG CUỐN MẤT TÍCH KHI TẮM BIỂN Ở HUẾ”: Vẫn tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm

VH- Nhóm học sinh rủ nhau đi chơi và tắm biển ở xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vẫn chưa khỏi bàng hoàng, sợ hãi khi bị sóng cuốn. Ba học sinh may mắn được ứng cứu, nhưng hai thì mất tích theo con sóng dữ.

VỤ “HAI HỌC SINH BỊ SÓNG CUỐN MẤT TÍCH KHI TẮM BIỂN Ở HUẾ”: Vẫn tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm - Anh 1

Mới tựu trường được vài hôm, căn phòng của lớp 10B7, Trường THPT Vinh Lộc đã buồn vì vắng đi thành viên Nguyễn Đức Hoàng Mỹ. Chiều ngày 26.8 định mệnh, Mỹ cùng các bạn cùng trường và một vài học sinh của trường THCS Vinh Hưng (xã Vinh Hưng) rủ nhau đến bãi biển xã Lộc Bình chơi. Tại đây, sau khi ăn uống xong, 8 học sinh đã rủ nhau di chuyển về bãi biển giáp ranh giữa xã Lộc Bình và xã Vinh Hiền để tắm thì gặp nạn.

Ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình kể rằng: 5 học sinh đã bị sóng đánh cuốn ra xa. Lực lượng cứu hộ của xã nhận được tin báo đã ứng cứu được 2 em, người dân địa phương cứu được 1 em. Do sóng lớn nên không kịp ứng cứu được em Mỹ và Nguyễn Văn Nhật (lớp 9, trường THCS Vinh Hưng). “Chiều đó, vẫn có nhiều người dân và du khách tắm ở bãi biển chính của xã Lộc Bình. Ở đây, chúng tôi có trang bị dây phao cảnh báo và có bộ phận dân quân tự vệ túc trực cứu hộ. Nhưng nhóm học sinh đó đã di chuyển về đoạn giáp với biển Vinh Hiền, nơi đó không có trang bị hệ thống cảnh báo như các bãi tắm khác nên khi sự cố xảy ra không xoay sở kịp”, ông Phúng nói.

VỤ “HAI HỌC SINH BỊ SÓNG CUỐN MẤT TÍCH KHI TẮM BIỂN Ở HUẾ”: Vẫn tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm - Anh 2

Theo đại diện xã Lộc Bình, trong đêm 26.8 lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của học sinh Nguyễn Văn Nhật nhưng đến chiều qua 28.8 vẫn chưa tìm thấy cháu Mỹ. Không chỉ lực lượng cứu hộ của xã Lộc Bình, UBND huyện Phú Lộc cũng tăng cường nhóm thợ lặn tìm kiếm, người dân địa phương đã huy động tàu thuyền cùng tìm kiếm ở các vùng biển của các địa phương lân cận.

Bà Cái Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc cho biết: đại diện ngành đã đến thăm hỏi, động viên và chia buồn với gia đình có học sinh bị tử nạn khi tắm biển. Qua sự việc, Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường quản lý học sinh, phòng tránh đuối nước, đồng thời tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng chống đuối nước ở học sinh và trẻ nhỏ đến phụ huynh. “Hằng năm, chúng tôi đều mở các lớp dạy bơi ở các trường để phổ cập bơi cho các em. Nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên chỉ thực hiện ở quy mô nhất định, chưa thể phổ cập toàn bộ được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn kinh phí, các dự án để mở rộng phạm vi cho công tác dạy bơi tại trường học”, bà Hương nói.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Với thực trạng đuối nước ở học sinh trên địa bàn thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chủ động vận động các tổ chức để tổ chức dạy bơi cho học sinh từ 6 đến 14 tuổi. Do công tác xã hội hóa dạy bơi ở vùng nông thôn Thừa Thiên Huế còn khó khăn, ngân sách không có kinh phí nên ngành giáo dục tiếp tục vận động các tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cho việc dạy bơi cho học sinh. Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 thì tất cả các trường trên địa bàn đủ điều kiện dạy bơi cho học sinh của mình. 

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc