Đưa không gian trầu cau ảo 3D vào giáo trình để khuyến khích học tập sáng tạo
VHO - Với sự hỗ trợ của một sáng kiến thuộc Liên minh Châu Âu, các nghiên cứu viên Đại học RMIT đã đưa văn hóa trầu cau Việt đến với khán giả toàn cầu qua trải nghiệm ảo 3D.
Làng trầu cau Việt Nam trong không gian ảo 3D
Dự án 3D do nhóm nghiên cứu viên Đại học RMIT Việt Nam gồm TS Emma Duester, ThS Ondris Pui và ThS Michal Teague thực hiện trong khuôn khổ sự kiện “Built with Bits” – được tổ chức bởi Europeana, sáng kiến hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực di sản văn hóa. Dự án của RMIT mang đến không gian trực tuyến miễn phí nơi khách tham quan có thể tìm hiểu về văn hóa trầu cau của Việt Nam qua các hiện vật 3D, văn bản, hình ảnh và video giàu tính tương tác.
Phong tục ăn trầu là nét truyền thống văn hóa quan trọng ở Việt Nam và một số quốc gia khác. Phong tục cổ truyền này dùng đến các dụng cụ như dao, cối chuyên dụng và nhiều loại tráp, túi và bình đựng khác nhau.
Mười hiện vật như vậy từ bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã được tái hiện dưới dạng 3D nhờ dự án do RMIT dẫn dắt từ năm 2021. Đó là các hiện vật: Bình vôi gốm, tráp đựng trầu, cối giã trầu, ống nhổ Bắc Ninh, túi trầu thôn Nà Làng, tráp đựng trầu cau Khmer, hộp đựng thuốc lào, dao dùng để bổ cau, cơi đựng trầu Bắc Cạn,… Dự án này đã được Europeana trao giải “Beyond Borders Project” (tạm dịch: Dự án vượt biên giới).
Giảng viên Ondris Pui, ĐH RMIT, phụ trách kỹ thuật cho dự án triển lãm ảo, cho biết các hiện vật 3D được tạo dựng bằng kỹ thuật photogrammetry (dựng mô hình 3D từ ảnh chụp). “Chúng tôi dùng điện thoại di động để chụp khoảng 100 đến 200 bức ảnh của mỗi hiện vật từ nhiều góc khác nhau. Sau đó, những bức hình này được đưa vào phần mềm để xử lý thành mô hình 3D. Các hiện vật phức tạp như đồ bằng vải và vật dụng tinh xảo được quét bằng máy scan 3D công nghiệp”, ông Pui cho biết.
Các hiện vật ở định dạng 3D có thể được sử dụng cho nhiều mục đích sáng tạo khác nhau. Chẳng hạn, đưa vào không gian thực tế ảo và thực tế tăng cường nhằm mục đích giáo dục. Đây chính là điều RMIT đã và đang làm với dự án do Europeana tài trợ.
Đặt ma-nơ-canh 3D vào không gian triển lãm là một cách hữu hiệu giúp khách tham quan hiểu được kích thước thật của hiện vật
Giảng viên Michal Teague, phụ trách nội dung cho dự án triển lãm ảo, chia sẻ câu chuyện hậu trường: “Chúng tôi muốn mọi người hình dung được kích thước thực tế của các hiện vật trong môi trường kỹ thuật số 3D. Giải pháp hữu hiệu mà chúng tôi tìm ra là đặt các ma-nơ-canh 3D vào không gian triển lãm để so sánh kích thước với hiện vật”. Bà cũng cho biết: “Chúng tôi còn đưa vào một số hiện vật từ các quốc gia khác như Sri Lanka, New Guinea và Ấn Độ – được lấy từ kho lưu trữ của Europeana – để so sánh giữa các nền văn hóa trầu cau khác nhau”.
Nếu như khách đến bảo tàng thường chỉ được nhìn hiện vật qua lớp kính chắn bảo vệ, khách tham quan không gian ảo 3D có thể xoay và phóng to từng hiện vật mà không phải lo sẽ làm hỏng chúng. Khách tham quan không gian 3D còn có thể soạn tin nhắn, viết ghi chú, thêm biểu tượng cảm xúc emoji hoặc trò chuyện bằng giọng nói với nhau. Họ có thể truy cập không gian 3D từ thiết bị cá nhân như điện thoại di động, máy tính và kính thực tế ảo.
“Nói một cách đơn giản, đây là không gian ảo hay vũ trụ ảo Metaverse nơi mọi người có thể học nhóm trực tuyến một cách trực quan”, ông Ondris Pui nói.
Trên thực tế, RMIT Việt Nam đang tiến hành đưa không gian trầu cau ảo 3D vào giáo trình để khuyến khích học tập sáng tạo. Ông Nick McIntosh, chuyên gia về Tương lai giáo dục tại RMIT và nhóm thiết kế trải nghiệm học RMIT do bà Sasha Stubbs dẫn dắt đang chuẩn bị hệ thống học tập Canvas của trường để sinh viên và công chúng có thể truy cập và sử dụng nội dung này làm học liệu trong tương lai gần.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, công nghệ 3D và môi trường kỹ thuật số đã trở nên phổ biến hơn và được chấp nhận như một nền tảng trưng bày trực tuyến các hiện vật bảo tàng. Trong hai năm qua, các nghiên cứu viên Đại học RMIT đã hợp tác chặt chẽ với một số bảo tàng Việt Nam để số hóa các hiện vật thành mô hình 3D và cung cấp giải pháp sáng tạo nhằm giới thiệu đến công chúng.
Nhóm đã đào tạo cho nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về cách quét 3D và trưng bày hiện vật trực tuyến. Nhóm cũng đang làm việc với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam về số hóa. Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Emma Duester rất vui mừng khi dự án trầu cau được Europeana lựa chọn. “Dự án vượt biên giới được trao cho những ứng viên đến từ ngoài khu vực Liên minh châu Âu với các dự án sử dụng nội dung mở của Europeana có tính phù hợp và độc đáo. Theo thông tin tôi được biết, chúng tôi là nhóm đầu tiên từ Việt Nam giành được giải thưởng này”, bà nói.
Bà Lê Cẩm Nhung từ phòng Hợp tác quốc tế, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cũng hào hứng không kém về dự án: “Giờ đây chúng tôi có thể chia sẻ bộ sưu tập của bảo tàng với thế giới”. Bà cho biết thêm, bảo tàng dự định đưa không gian trầu cau ảo này lên trang web như một phần mở rộng cho các triển lãm vật lý.
Truy cập Làng trầu cau 3D Việt Nam theo địa chỉ https://hubs.mozilla.com/scenes/3p9Eh2D để cảm nhận nhiều thú vị từ không gian thực tế áo này.
T.TRANG