Lễ hội Văn hoá, du lịch và ẩm thực trên cao nguyên đá

VHO - Lễ hội Văn hoá, du lịch và ẩm thực quốc tế - Hà Giang năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31.3.2024 tại Quảng trường 26/3 và Công viên cây xanh, TP Hà Giang.

Lễ hội Văn hoá, du lịch và ẩm thực trên cao nguyên đá - Anh 1

Xôi ngũ sắc đặc sản Hà Giang

Hà Giang không chỉ nức tiếng gần xa với phong cảnh non cao trùng điệp, hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, cánh đồng hoa tam giác mạch thơ mộng, rực rỡ sắc hồng tươi hay bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực đa dạng, phong phú với những món đặc sản cuốn hút thực khách khi đến xứ sở cao nguyên đá.

Lễ hội với chủ đề Hà Giang - Tinh hoa ẩm thực điểm đến hàng đầu châu Á, Hà Giang quyết tâm nâng tầm các giá trị văn hóa ẩm thực của địa phương, giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế; xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu ẩm thực du lịch thông qua sưu tầm, phục dựng, phát triển nền văn hóa ẩm thực và du lịch tinh túy, đặc sắc, chất lượng; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Đến với Hà Giang, bên cạnh trải nghiệm danh lam thắng cảnh, những phong tục tập quán riêng có, du khách chắc chắn không thể bỏ qua thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống tại điểm dừng chân ở các bản làng.

Lễ hội Văn hoá, du lịch và ẩm thực trên cao nguyên đá - Anh 2

Cháo ấu tẩu, món ăn đặc sản nổi tiếng ở Hà Giang

Nhắc tới Hà Giang du khách thường nhớ tới đặc sản cháo ấu tẩu. Món này ăn khá lạ miệng. Bát cháo có vị béo bùi pha lẫn chút đắng của ấu tẩu, mùi thơm ngon từ trứng gà và các loại rau gia vị ăn kèm. Ấu tẩu là loại củ đặc trưng của Hà Giang, chứa độc tố. Nhưng người Mông khử độc củ ấu bằng cách ngâm chúng vào nước vo gạo, rồi ninh tầm 4-5 tiếng. Sau đó đem tán nhuyễn, nấu cùng nước hầm xương và gạo nếp cái hoa vàng pha một ít gạo nếp tẻ. Cháo khi chín sẽ được múc ra bát ăn kèm thịt nạc băm, muối, tiêu và hành hoa. Ấu tẩu là món ăn bổ dưỡng, chữa cảm mạo, đau nhức… Trong những ngày đông giá lạnh trên miền đá núi, thưởng thức bát cháo ấu tẩu bổ dưỡng, nóng hổi chắc chắn là trải nghiệm rất khó quên của du khách.

Ngoài cháo ấu tẩu, thắng cố là món ngon khó cưỡng đối với thực khách khi tới cao nguyên đá. Thắng cố có nghĩa là canh thịt, là món ăn truyền thống của người Mông, được chế biến từ thịt ngựa với hương vị vô cùng đặc trưng. Ngày nay, để phù hợp với khách du lịch, chủ quán đã thay thế nguyên liệu bằng thịt trâu, bò, lợn. Đồng bào nơi đây cũng dùng nội tạng bò để nấu, vì thịt ngựa rất khó mua. Tinh túy của thắng cố đặc biệt ở nước dùng, được ninh từ xương và lục phủ ngũ tạng và phối trộn cùng 12 loại gia vị đặc trưng như hoa hồi, thảo quả và lá chanh… tạo nên nồi nước dùng thơm ngào ngạt. Phần thịt sẽ được rán sơ qua rồi cho vào nước dùng để ninh mềm. Món này có mùi ngai ngái đối với những người lần đầu nếm thử, nhưng càng ăn càng nghiền. Sẽ hấp dẫn hơn khi ăn kèm với mèn mén, bánh ngô nướng và nhắm rượu ngô.

Lễ hội Văn hoá, du lịch và ẩm thực trên cao nguyên đá - Anh 3

Bánh chưng gù là một loại bánh truyền thống, mang đậm nét bản sắc từ rất lâu đời của dân tộc Tày ở thôn Bản Tùy, tỉnh Hà Giang, là món ẩm thực không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết cổ truyền

Du khách tới Hà Giang trải nghiệm thiên đường hoa tam giác mạch cũng không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các đặc sản chế biến từ hạt tam giác mạch rất thơm ngon, độc đáo, rất được ưa chuộng như: Các loại bánh, phở, bia, mỳ, bún khô, rượu. Tam giác mạch là loài thảo mộc hoa có nhiều màu trắng, phơn phớt hồng, tím, đỏ, từ lâu đã nổi tiếng là một trong những loài hoa biểu tượng của vùng Đông Bắc Hà Giang.

Đặc biệt, những năm qua, Hà Giang nổi lên là điểm đến hấp dẫn hàng đầu, du lịch được định hình trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương này. Trong số các sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng lồng ghép tinh hoa văn hóa ẩm thực của địa phương. Đến với Hà Giang, du khách không chỉ được thưởng thức các đặc sản mà còn được chứng kiến quy trình chế biến món ăn, được chia sẻ về nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên của nguyên liệu do bà con các dân tộc thu hoạch có sẵn trên rừng như: Bi chuối rừng, mắc khén, măng rừng, lá màu làm xôi ngũ sắc hay các loại cây, con tự nuôi, trồng, chăm sóc để chế biến món ăn theo công thức truyền thống.

Theo kế hoạch, Lễ hội sẽ gồm một chuỗi các sự kiện đặc sắc, độc đáo, trong đó đáng chú ý nhất là chương trình xác lập kỷ lục Việt Nam 50 món ẩm thực, đồ uống chế biến từ tam giác mạch với sự tham gia của chuyên gia đầu bếp Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam trực tiếp chế tác món ăn, đồ uống, sáng tạo thực đơn 50 món từ nguyên liệu chính là tam giác mạch theo năm bộ phối hợp “cây, con, hoa, củ, quả”. Ngoài ra còn một loạt các hoạt động như: Tổ chức chấm thi và trao giải món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa ẩm thực, du lịch; chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng; Tổ chức chương trình khảo sát điểm đến tiêu biểu hàng đầu Châu Á – Hà Giang 2023; tổ chức Hội thảo định vị thương hiệu du lịch Hà Giang.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc