Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Mâm cơm Tết Việt

Thứ Năm 27/01/2022 | 17:34 GMT+7

VHO- Mâm cơm Tết Việt luôn là một nét văn hoá truyền thống mang đậm dấu ấn của người Việt. Ở mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món ăn truyền thống mang phong vị rất riêng.

Tết của người Việt nhất thiết phải có mâm cỗ với các món ăn đặc biệt mà ngày thường ít có. Theo các nghệ nhân, ẩm thực Tết xưa thường mang đậm tính vùng miền. Người phụ nữ hiện đại ngày nay đã có rất nhiều sự lựa chọn trong việc chuẩn bị cho những bữa cơm ngày Tết. Thế nhưng, ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt, dù thành đạt đến đâu, cuộc sống phú quý thế nào thì mâm cơm Việt trong ngày Tết vẫn luôn là một biểu trưng cho vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Mâm cơm đó phải do chính bàn tay người phụ nữ thực hiện chứ không phải là những món ăn mua sẵn. Nếu thực hiện được một một mâm cỗ chỉn chu trong ngày mùng 1 Tết để dâng cúng Tổ tiên, các thành viên trong gia đình cũng sẽ luôn cảm thấy gia phong nề nếp, thấy sự ấm cúng và tình thân gắn kết. Thiêng liêng hơn bất cứ điều gì, mâm cơm Tết Việt chính là cách để đưa tất cả những người thân trong gia đình cùng quay quần trong ngày đầu năm mới, cúng lễ Tổ tiên, thực hiện các nghi thức truyền thống như chúc Tết, mừng tuổi, cùng nhau ăn bữa cơm tân niên. Sau đó mỗi người mới đi đâu thì đi.

Đặc trưng mâm cỗ Tết Việt ở miền Bắc, đặc trưng nhất là Hà Nội, Nam Định hay một số vùng Kinh đô với những nét tương đồng văn hóa, đều được chuẩn bị rất trang trọng, thành kính. Từ xa xưa, mâm cỗ được chuẩn bị kỹ càng, ví dụ từ tháng 12, củ cải sẽ được mua về phơi nắng để đến Tết xào thịt nạc. Măng cũng được chuẩn bị loại măng già khô về nhặt kỹ, phơi săn để luộc, đến Tết ninh chân giò. Gà được nuôi, thóc để ở cót đến gần Tết mới xay xát, chuẩn bị để đồ xôi. Đặc biệt, mâm cỗ Tết của người miền Bắc bao giờ cũng thể hiện sự tinh tế và khéo léo, chú trọng hình thức, phối hợp hài hòa giữa những món nước và món khô, giữa thịt và rau. Mâm cỗ truyền thống luôn phải đầy đủ màu sắc.

Mâm cỗ Hà Nội được đánh giá là bài bản và giữ được nét cổ truyền của người Việt. Mâm cỗ Tết Việt đặc trưng thường không thể thiếu các món như bánh chưng, xôi, giò, đĩa xào, gà, thịt đông/mộc đông, chân giò ninh măng. Ý nghĩa của mâm cỗ thể hiện sự no đủ, những nét văn hóa truyền thống, được người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị. Thông qua việc soạn sửa mâm cơm ngày Tết, người phụ nữ thể hiện vai trò chăm chút và giữ ngọn lửa ấm, quy tụ các thành viên trong gia đình trong ngày đầu năm. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng truyền thống xưa nay vẫn là hình ảnh gia đình quây quần bên mâm cơm trong ngày đầu tiên của năm mới. Những hình ảnh hạnh phúc, ấm áp đó vẫn sẽ còn mãi theo thời gian.

HOÀNG NGÂN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top