Kiên Giang vinh danh “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” trong năm 2022
VHO- Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang năm 2021-2025 đã ban hành kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022. Trong quý II sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”.
Thương hiệu nước mắm Khải Hoàn được sản xuất từ Phú Quốc được nhiều người biết đến
Ngày 27.5.2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc.
Theo Phòng Kinh tế, UBND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, năm 2021, thành phố biển đảo này sản xuất chế biến hơn 14 triệu lít nước mắm (30ºN), vượt trên 17% kế hoạch, tăng 7,2% so với năm 2020. Nước mắm Phú Quốc được bình chọn là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang năm 2021.
Thành phố Phú Quốc hiện có hơn 60 doanh nghiệp, với khoảng 7.200 thùng ủ chượp cá cơm nguyên liệu chế biến nước mắm. Sản xuất chế biến nước mắm đảo ngọc Phú Quốc là nghề truyền thống, hình thành và phát triển hơn 200 năm được khẳng định là một sản phẩm đặc biệt của Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng.
Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển mạnh và hưng thịnh từ năm 1945 đến nay. Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Bộ Thủy sản cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1.6.2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam, Tháng 7.2013 Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Tháng 8.2013, Bộ Công Thương trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc, từ đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và phát triển đến nay.
Khách du lịch tham quan nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc
Hội Nước mắm Phú Quốc được thành lập tháng 10.2000, hiện tại có 53 hội viên. Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc bà Hồ Kim Liên cho biết, ngoài thuận lợi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, làng nghề nước mắm Phú Quốc luôn được UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc quan tâm giữ vững, phát triển. Nhiều năm qua, người tiêu dùng khắp nơi biết đến nhiều về thương hiệu nước mắm Phú Quốc, giúp bán được nhiều hơn sản phẩm truyền thống làng nghề. Đây còn là một sản phẩm du lịch độc đáo trên thành phố đảo Phú Quốc, thu hút du khách đến tham quan, vừa tìm hiểu văn hóa làng nghề nói riêng và vừa khám phá đời sống văn hóa của người dân trên đảo Ngọc.
Phú Quốc đang quy hoạch, phát triển, bảo tồn nghề sản xuất nước mắm truyền thống gắn với phát triển du lịch; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nước mắm và việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Hiệp hội nước mắm Phú Quốc hỗ trợ, hướng dẫn để các doanh nghiệp sản xuất thực hiện đúng quy định chế biến nước mắm mang chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đào tạo lao động, thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu và tiện lợi của người tiêu dùng; tư vấn, hợp tác đầu tư và các vấn đề có liên quan cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước...
Sau khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm nước mắm Phú Quốc tiếp tục hướng tới việc được UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Điều này giúp tăng giá trị thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc, góp phần nâng tầm di sản văn hóa bản địa, khẳng định thương hiệu nước mắn Phú Quốc với bạn bè quốc tế.
THẾ HẠNH