BHXH Việt Nam chỉ đạo đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân
VHO- Hiện tượng thiếu thuốc, khan hiếm vật tư y tế diễn ra suốt nhiều tháng qua tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT phải chờ đợi để được điều trị nhưng họ không biết chờ đến bao giờ.
Bà N.T.V (65 tuổi, quê Hà Nam) mắc bệnh đau khớp gối nhiều năm qua nhưng được bác sĩ chỉ định uống thuốc. Tháng trước, bà được bác sĩ bệnh viện tỉnh chuyển tuyến đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để phẫu thuật. Tuy nhiên, bà đã làm xong các thủ tục nhập viện nhưng Bệnh viện thông báo hiện nay chưa có khớp thanh toán BHYT nên bà bảo chờ mổ. Gia đình bà, cho biết đã chờ nửa tháng nay nhưng bà vẫn chưa được mổ, đã tìm hiểu một số bệnh viện Trung ương khác, nhưng gia đình cũng không chắc có được thanh toán BHYT hay phải chi trả dịch vụ.
Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế gây khó cho bác sĩ và bức xúc cho bệnh nhân (ảnh minh hoạ)
“Thiếu vật tư y tế, chúng tôi liên tục phải xin lỗi bệnh nhân dù họ đã chuẩn bị lên bàn mổ vì vật tư đã được sử dụng cho các ca cấp cứu. Nhiều người bệnh chúng tôi phải tư vấn để họ đưa ra lựa chọn, hoặc chờ khi có vật tư thay thế để được thanh toán BHYT, hoặc họ phải chấp nhận mua ngoài, hoặc tới cơ sở y tế khác để được can thiệp”, một bác sĩ ở bệnh viện tuyến Trung ương chia sẻ về tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế.
Với một số loại vật tư, trang thiết bị được bệnh viện mua trực tiếp thì có thể điều trị cho bệnh nhân thanh toán dịch vụ, còn những loại được thanh toán BHYT thì đang bị thiếu, bệnh nhân phải chờ đợi. Tình trạng này đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế, từ bệnh viện tuyến Trung ương tới các bệnh viện hạng 2, 3 ở tuyến tỉnh. Không chỉ là những loại vật tư tiêu hao thông thường, mà còn cả những loại thuốc đặc biệt như chống thải ghép, hóa chất, thuốc gây mê… Điều này dẫn đến việc bác sĩ thiếu thuốc, thiếu “vũ khí” để chữa bệnh còn bệnh nhân cũng bức xúc, lo lắng khi bệnh viện không đủ vật tư, thuốc để điều trị, thậm chí còn đề nghị gia đình tự đi mua.
Trước thực trạng này, ngày 14.6, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 1576/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân về việc đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Công văn nêu rõ, qua công tác theo dõi của BHXH Việt Nam và phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở KCB BHYT đã xảy ra tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT, về đấu thầu mua sắm và cung ứng thuốc BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở KCB BHYT theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung, kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh BHYT, đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm của cơ sở KCB về bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và DVKT phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”.
Chủ động đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu. Đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế.
Trước đó, vào ngày 13.6, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1566/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc đấu thầu mua, sắm thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác KCB BHYT. BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn… tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều loại thuốc hiện nay rất khó để tiến hành đấu thầu, trong đó, việc yêu cầu đấu thầu thuốc năm sau phải rẻ hơn năm trước cũng rất bất cập.Thí dụ, để theo dõi và điều trị cho hàng nghìn người bệnh sau ghép tạng, việc duy trì thuốc chống thải ghép thường xuyên rất quan trọng nhưng không dễ để mua được. Một số thuốc đặc biệt như thuốc gây mê (gây nghiện) cũng vô cùng khó khăn để có thể mua được bởi vì đây là loại thuốc được kiểm soát chặt chẽ. Theo quy định đấu thầu, giá rẻ thì mua nhưng không nơi nào chào bán giá rẻ.
Q.HOA