Thương mại điện tử xuyên biên giới: Có thể mua tận gốc, bán tận ngọn
VHO - Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài khiến kênh xuất khẩu truyền thống gặp nhiều khó khăn, thì thương mại điện tử xuyên biên giới đang là cánh cửa thần kỳ mở “luồng xanh” đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, mở ra tiềm năng lớn về kênh bán hàng mới trong giao thương quốc tế, góp phần triển kinh tế số Việt Nam.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu thế mạnh mẽ trong thương mại điện tử nói chung. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, khi kênh xuất khẩu truyền thống đang gặp những khó khăn nhất định thì thương mại điện tử nói chung hay thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng đã trở thành một trong những giải pháp tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Nắm bắt được xu thế này, ngay từ tháng 5.2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra trong Kế hoạch là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương. Cụ thể là xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam và thế giới.
Trước đó, trong khuôn khổ hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc, nội dung xây dựng “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc đã được hai bên thống nhất từ năm 2019 -2020.
Vải thiều Bắc Giang đã ra thế giới nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới (Ảnh: VGP)
Để triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS) thuộc Bộ Công Thương đã hợp tác Tổng Công ty Bưu chính Viettel - Viettel Post thí điểm xuất khẩu vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Sự thành công của mô hình thí điểm này đã ghi dấu mốc quan trọng đối với ngành TMĐT Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.
Tiếp nối thành công đó, cuối tháng 11 vừa qua, Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử DJ.com đã được triển khai. JD.com là sàn thương mại điện tử của Trung Quốc, là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà sản xuất, thương hiệu, các sản phẩm hàng hoá, đặc sản của Việt Nam thông qua sự kết nối, tổ chức hỗ trợ của các cơ quan chức năng phía Việt Nam, sự kiểm tra, đánh giá năng lực sản xuất, tính hiệu quả trong phân phối của Sàn thương mại điện tử và sự tính toán hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể tiến hành phân phối trên sàn thương mại điện tử uy tín ở nước ngoài, đảm bảo hàng hoá của doanh nghiệp xuất khẩu trên Gian hàng Quốc gia Việt Nam được phân phối tới tận tay người tiêu dùng Trung Quốc. Mô hình này đã được nhiều quốc gia áp dụng trong thời gian qua.
Đến với Gian hàng Quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình. Với tư cách là đối tác đồng hành với Cục TMĐT và KTS từ các chương trình phát triển thương mại điện tử trong nước từ nhiều năm qua, Viettel Post sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với Cục TMĐT và KTS trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong xuất khẩu cũng như tư vấn vận hành và logistics ở một số thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ .
Có thể thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một trong những giải pháp tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội mới giúp các mô hình thương mại điện tử dần gắn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, trở thành kênh xuất khẩu mới, bổ sung bên cạnh các kênh xuất khẩu truyền thống, có tính lan tỏa và mở rộng tập khách hàng.
HOÀNG HƯƠNG