Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc

VHO - Lai Châu những ngày này trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết bởi không khí của Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Không phân biệt già, trẻ, gái, trai, bà con thuộc đồng bào các dân tộc rất ít người đã cùng về đây mở hội; cùng nhau quảng bá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Tất cả đã vẽ nên bức tranh văn hóa đa sắc màu tại nơi phên dậu của Tổ quốc, khiến người ở luôn một lòng thương mến, người đi phải quyến luyến khi rời bước.

Tại TP. Lai Châu, các hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao của Ngày hội đang diễn ra hết sức sôi động. Vượt đường xá xa xôi, có khi lên đến cả trăm cây số, dù có phần mệt mỏi nhưng các nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người bằng cả nhiệt huyết, tình yêu với văn hoá dân tộc đang tổ chức nhiều hoạt động góp phần nâng cao vị thế văn hóa của dân tộc mình. 

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 1

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 2

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 3

Họ đã giúp du khách được “chạm” đến kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Để từ đó, hiểu, yêu hơn văn hóa đồng bào các dân tộc rất ít người. Bên cạnh lan tỏa những nét đẹp văn hóa ấy, đồng bào các dân tộc tham gia Ngày hội đều mong muốn có sự chung tay của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Đại diện cho tỉnh Thái Nguyên tham gia Ngày hội lần này là đoàn nghệ nhân, người dân cộng đồng dân tộc Ngái đang sinh sống ở địa phương. Ông Thẩm Dịch Thọ, người Ngái ở huyện Đồng Hỷ  cho biết với việc tham dự Ngày hội, bà con dân tộc Ngái ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung rất phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Để đến với Ngày hội, chúng tôi cũng đã thành lập một tổ gồm 22 người, chuẩn bị chu đáo, đem đến Ngày hội những nét văn hóa đặc sắc nhất.

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 4

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 5

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 6

Trên tinh thần tôn trọng các giá trị văn hóa nguyên gốc, đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Ngái tỉnh Thái Nguyên đã tham gia nhiều hoạt động trình diễn về trang phục, ẩm thực, dân ca dân vũ, nghi lễ và thi đấu các môn thể thao dân tộc. 

Ông Thẩm Dịch Thọ cũng chia sẻ, bên cạnh các trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, đoàn dân tộc Ngái của tỉnh Thái Nguyên mong muốn được giới thiệu đến du khách trong nước, quốc tế trang phục của dân tộc mình. 

“Y phục của người Ngái thường không thêu thùa. Nam mặc quần lá tọa, áo có 2 hoặc 3 túi. Nữ mặc áo 5 thân, cài khuy vải bên phải. Do đặc thù là các dân tộc có số dân rất ít người, việc bảo tồn trang phục của người Ngái gặp không ít khó khăn. Trình diễn trang phục của dân tộc Ngái tại Ngày hội, chúng tôi mong muốn được tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc mình trong nền văn hóa đa dạng mà thống nhất của cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa quý báu cũng như ý thức bảo tồn các giá trị đó”, ông Thọ chia sẻ.

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 7

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 8

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 9

Với nghệ nhân Lý Thị Gióng (dân tộc Cống, tỉnh Lai Châu), bà cho hay tuy dân số không nhiều, nhưng đồng bào Cống vẫn giữ được những giá trị văn hóa riêng. Lễ hội Tết Ngô là một trong những nét văn hóa đặc sắc từ ngàn xưa còn lưu lại .

Nghệ nhân Lý Thị Gióng tiếp tục nhấn mạnh, Tết Ngô gắn liền với những nét đẹp trong sinh hoạt của tộc người Cống, mang tính cộng đồng cao. Không chỉ Tết Ngô, văn hóa của đồng bào Cống là kho tàng văn hóa dân gian với nhiều loại hình nghệ thuật, xứng đáng được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy; góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Ngày hội, sự hiện diện của những gương mặt trẻ trong đoàn dân tộc đến từ các tỉnh là tín hiệu đáng mừng khi một bộ phận thế hệ trẻ đã có ý thức tham gia vào quá trình trao truyền các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc rất ít người. 

Em Hoàng Y Phấn (sinh năm 2001) thuộc đoàn dân tộc Brâu, tỉnh Kon Tum cho hay dân tộc Brâu có những giá trị văn hóa dân gian phong phú, đặc biệt là hệ thống tín ngưỡng, phong tục, lễ hội mang đậm chất tự nhiên và nhân văn; giúp con người không chỉ gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên, mà còn giữa con người với nhau, tạo nên một cộng đồng gắn kết bền chắc. 

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 10

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 11

Tuy nhiên, qua quá trình giao lưu văn hóa cũng như hội nhập, phát triển của đất nước, văn hoá của tộc người Brâu ở Kon Tum nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Một bộ phận thanh niên không mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình dẫn đến một số giá trị văn hóa truyền thống dần mất đi. 

“Tham gia Ngày hội lần này, bản thân em không giấu được sự tự hào khi được đại diện cho thế hệ trẻ dân tộc Brâu đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Em mong muốn không chỉ em mà các bạn trẻ khác, dù thuộc bất kỳ dân tộc nào hãy cất tiếng nói, hành động cụ thể để đứng lên bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình. Văn hoá truyền thống trường tồn cùng thời gian phải có thế hệ kế cận là những bạn trẻ trẻ năng động, nhiệt huyết”, em Hoàng Y Phấn bày tỏ.

Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người vẫn đang diễn ra đến ngày 5.11, tại TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu với sự tham gia của các các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, VĐV quần chúng dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái; đến từ 11 tỉnh gồm Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum.

Ngày hội là sự kiện nhằm cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 12

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 13

Trong chuỗi các hoạt động, ngoài Lễ dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu, lễ khai mạc và bế mạc, Ngày hội có nhiều hoạt động đặc sắc như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; liên hoan văn nghệ quần chúng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người…

Bên cạnh đó, BTC đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội.

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 14

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 15

Lung linh sắc màu văn hóa nơi phên dậu của Tổ quốc - Anh 16

Cùng với Ngày hội, tỉnh Lai Châu tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Du lịch – Văn hoá Lai Châu năm 2023 gồm không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu và thưởng trà, sâm, lan và sinh vật cảnh của Lai Châu; tổ chức Giải đua mô tô mở rộng lần thứ nhất tại huyện Tân Uyên; đăng cai tổ chức Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng Việt Nam mở rộng lần thứ II; đoàn famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước…

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc