Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường

VHO - Ngày 22.7, tại TP.HCM, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) phối hợp cùng WildAid (Tổ chức Cứu trợ động vật hoang dã) khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” với sự kiện mở màn mang tên “Cống phẩm dâng thịt”. Chiến dịch với mong muốn hướng cộng đồng đến thói quen ăn uống lành mạnh, lựa chọn bữa ăn nhiều rau hạt, ít thịt nhằm tác động lên môi trường. Buổi ra mắt có sự tham dự của đông đảo cơ quan truyền thông, các tổ chức đối tác, tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động xã hội,…

Tại sự kiện, ban tổ chức Chiến dịch đã chính thức ra mắt thông điệp truyền thông (PSA - Public Service Announcement) mang tên “Cống phẩm dâng thịt”. PSA tái hiện nghi lễ tiến cống dâng lên những lu nước và gốc cây rừng cho một miếng thịt. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho hàng trăm mét vuông rừng và hàng ngàn lít nước mà thiên nhiên phải hi sinh trong quá trình chăn nuôi và sản xuất thịt.

Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường - ảnh 1

Tái hiện nghi lễ tiến cống dâng lên những lu nước và gốc cây rừng cho một miếng thịt

Điểm nhấn của sự kiện và cũng là nội dung được tiếp nối, khai thác sâu hơn ý tưởng của PSA là vở kịch nói Cống phẩm dâng thịt do nhóm kịch CKT của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) thể hiện.

Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường - ảnh 2

Vở kịch Cống phẩm dâng thịt do các sinh viên trình diễn trong khuôn khổ Chiến dịch

Lấy viễn cảnh về một tương lai Trái đất cạn kiệt tài nguyên thiên vì phục vụ quá mức cho việc sản xuất thịt, đang bị thống trị bởi Đại Ma Vương Thịt, hai nhân vật An và Bình đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chiến thắng Đại Ma Vương Thịt, đem Mẹ Thiên Nhiên về với Trái Đất.

Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường - ảnh 3

Cống phẩm dâng thịt sẽ tiếp tục biểu diễn miễn phí vào các ngày 24, 25, 31.7 và 1.8

Bằng nghệ thuật sân khấu đặc sắc, lối diễn xuất tự nhiên, những thông tin môi trường được khéo léo cung cấp đan xen vào những diễn biến kịch tính không chỉ khiến người xem được khơi dậy cảm xúc kết nối với thiên nhiên mà đó còn là cơ hội để mỗi người nghiền ngẫm và suy tư về vai trò và trách nhiệm của con người đối với tài nguyên thiên nhiên, của bản thân trong bức tranh lớn hơn về môi trường và Trái đất.

Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường - ảnh 4

Hình ảnh ẩn dụ cho hàng trăm mét vuông rừng và hàng ngàn lít nước mà thiên nhiên phải hi sinh trong quá trình chăn nuôi và sản xuất thịt

Theo các khảo sát cho biết, hoạt động chăn nuôi là một trong những tác nhân chính của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên đất và nước khi thải ra đến 7.1 GT khí CO2 hằng năm, tương đương với 14,5% tổng lượng khí nhà kính nhân tạo toàn cầu, xấp xỉ tổng lượng khí thải từ các phương tiện giao thông. (FAO, 2013). Dự đoán rằng sự tăng trưởng của chăn nuôi do nhu cầu sử dụng thịt tăng cao sẽ dẫn đến sự gia tăng ít nhất 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 tại đồng bằng sông Hồng - một trong những vùng chăn nuôi lớn nhất nước. Việt Nam đang nằm trong danh sách 20 quốc gia có lượng phát thải GHG cao nhất trong cơ sở dữ liệu của UNFCCC và FAOSTAT. Trong số đó, phát thải từ chăn nuôi chiếm khoảng 20% lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp (theo bản kiểm kê khí thải GHG quốc gia năm 2010). Số lượng nước tiêu thụ tính riêng chăn nuôi chiếm tới 29% trên tổng lượng nước của toàn ngành nông nghiệp. Trong vòng 9 năm, từ 1996-2005, chăn nuôi trên toàn cầu đã tiêu thụ hết 2.422 tỷ m3 nước/năm. Để có được 1 kg thịt bò, lượng nước phải tiêu tốn trung bình lên đến hơn 15 lít cho các nhu cầu từ cơ bản như ăn uống, vệ sinh, làm mát, đến các nhu cầu gián tiếp như tưới tiêu, phân bón, thuốc trừ sâu nhằm sản xuất thức ăn. Tương tự, lượng nước tiêu thụ cho thịt heo là 6 lít/kg và gia cầm là hơn 4 lít/kg (Theo báo cáo Water Research Series No.48 của UNESCO-IHE Institute for Water Education). Tổng diện tích đất sử dụng cho việc chăn thả gia súc tương đương với khoảng 26% tổng bề mặt diện tích đất toàn thế giới. Nông nghiệp chăn nuôi chiếm 80% nguyên nhân phá rừng trên toàn thế giới (theo Yale School of Forestry & Environmental Studies). Điều này đồng thời gây nên sự suy giảm đa dạng sinh học diện rộng vì làm gián đoạn chu trình dinh dưỡng của các loài động vật, thay đổi hệ thống nước ngọt và thay đổi cấu trúc hệ sinh thái. 

Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường - ảnh 5

“Cống phẩm dâng thịt” với thông điệp “Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên” nhằm góp phần bảo vệ những nguồn tài nguyên vô giá

Tại Việt Nam, mức độ tiêu thụ thịt tăng cao hơn hẳn các nước trong cùng khu vực như Thái lan là 19,1kg/người và Trung Quốc là 48,4kg/người (Theo OECD data). Trên thế giới, lượng thịt tiêu thụ bình quân đầu người trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 50 năm qua, từ khoảng 23kg (năm 1961) lên 43kg (năm 2014) vì tốc độ gia tăng dân số, tăng gấp bốn hoặc năm lần kể từ năm 1961 (theo Our world in data). Từ năm 2016 đến 2018, sản lượng thịt trên toàn thế giới đã tăng từ 317 triệu tấn lên 327 triệu tấn (theo báo cáo Global production of meat 2016-2018, M. Shahbandeh). Đến năm 2050, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng lên 9,7 tỷ, kéo theo là nhu cầu về lương thực tăng vọt (Theo Liên Hợp Quốc, 2019). WHO đã dự đoán mức độ tiêu thụ thịt toàn cầu tăng 76% vào giữa thế kỷ, bao gồm tăng gấp đôi lượng tiêu thụ thịt gia cầm, tăng 69% thịt bò và 42% thịt lợn (theo báo The Guardian, 2018).

Khởi động chiến dịch “Ăn lành hơn” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường - ảnh 6

Các đại biểu là MC, huấn luyện viên, nhà hoạt động xã hội,... hưởng ứng chiến dịch

Trong bối cảnh mức độ tiêu thụ thịt tại Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh, gần gấp 3 lần trong 2 thập kỷ vừa qua, từ 18,8 kg/người năm 2000 đến 52,6 kg/người năm 2018 (theo OECD Data), đại diện CHANGE cho biết hi vọng “Cống phẩm dâng thịt” với thông điệp “Bớt một lạng, giữ vạn tài nguyên” có thể tác động, khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen ăn uống, chủ động lựa chọn “ăn lành hơn”, nhiều rau xanh và giảm lượng thịt quá mức cần thiết trong chế độ ăn uống để vừa tốt cho sức khoẻ và góp phần bảo vệ những nguồn tài nguyên vô giá. 
Ban tổ chức cho biết, vở kịch ngắn “Cống phẩm dâng thịt” sẽ mở cửa miễn phí tiếp đón cộng đồng đến thưởng thức. Địa điểm biểu diễn tại Hội trường D, Trường ĐH KHXH&NV, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Các suất diễn: Thứ 6 (24.7): 19h30 - 20h15; Thứ 7 (25.7): 15:h0 - 16h15 và 19h30 - 20h15. Suất diễn tương tự vào hai ngày 31.7 và 1.8.2020. Link đăng ký vé suất diễn ngày 24 và 25.7 tại bit.ly/vekich242507. Đăng ký vé suất diễn ngày 31.7 và 1.8 tại bit.ly/vekich31070108. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc