Nhiều điểm mới trong giáo dục đại học 2022

VHO - Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh năm 2022 đang được khởi động. Nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh cũng như mức học phí được áp dụng theo quy định mới. Đáng lưu ý, ngoài các phương thức tuyển sinh truyền thống, kỳ thi đánh giá năng lực cũng tiếp tục được triển khai mạnh, qua đó cho thấy bức tranh tuyển sinh 2022 khá đa dạng.

Nhiều điểm mới trong giáo dục đại học 2022 - Anh 1

Kỳ thi đánh giá năng lực tại TP.HCM năm 2021

Tìm kiếm năng lực chuyên biệt, phù hợp với tính chất ngành học
Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, đây là một trong các phương thức tuyển sinh của trường trong năm nay. Năm học trước, Nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong tháng 6.2021 tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Tây Ninh), tuy nhiên do diễn biến phức tạp dịch Covid-19 nên kỳ thi bị hủy.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Nguyễn Ngọc Trung cho biết, Kỳ thi dự kiến tổ chức nhiều đợt trong năm để tạo cơ hội cho thí sinh dự thi và sử dụng kết quả lần thi tốt nhất để xét tuyển. Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. 

Lý giải vì sao phải tổ chức kỳ thi này, Nhà trường cho biết: Hiện nay, một số trường ĐH tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực theo hình thức 1 bài thi đánh giá năng lực chung. Trong khi đó, đối với một số ngành học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (cũng như một số trường ĐH khác), thí sinh dự thi cần có những năng lực chuyên biệt cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. Chẳng hạn, thí sinh dự thi vào ngành Sư phạm Toán học thì cần được đánh giá năng lực Toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học tập ở bậc ĐH. Tương tự với các ngành khác như Hóa học, Vật lý học, Sinh học, các ngành Ngoại ngữ … Chính vì thế, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, đồng thời hướng đến việc tuyển chọn được những thí sinh có năng lực chuyên biệt phù hợp với yêu cầu đầu vào của các ngành học mang tính đặc thù của Trường trong hoạt động tuyển sinh và thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh theo Luật Giáo dục ĐH. 

Trong khi đó, kết thúc thời gian đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2022, có gần 85.000 thí sinh đăng ký. Đây là số lượng thí sinh đăng ký đông nhất từ trước đến nay. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện có 84 đơn vị (trường ĐH, CĐ) sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh với 1.266 ngành học; 57 đơn vị tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển chung. “Vừa qua, có khoảng 300.000 nguyện vọng xét tuyển đã được thí sinh đăng ký. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký 3-4 nguyện vọng”, ông Chính thông tin thêm.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra sáng 27.3 tại 17 địa phương. Trong số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, nhiều nhất là cụm thi TP.HCM với 42.000 thí sinh, kế đó là Khánh Hòa với 4.900 thí sinh, Đồng Nai 4.100, Bình Định 4.100, Bến Tre 3.700, Đà Nẵng 3.600, Đắk Lắk 3.400, Bình Dương 3.200, Bà Rịa - Vũng Tàu 2.500, Quảng Ngãi 2.500, Cần Thơ 2.000, An Giang 2.000,…

Học phí ĐH tăng
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2021, điều này đồng nghĩa với học phí của các cơ sở giáo dục ĐH từ năm 2022 trở đi sẽ được điều chỉnh theo quy định mới. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo. 

Nhiều điểm mới trong giáo dục đại học 2022 - Anh 2

Khối ngành y dược có mức học phí được điều chính tăng cao nhất

Cụ thể, từ năm học 2022, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật: 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược: 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội: 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng). 

Như vậy, so với năm 2021, mức học phí của các cơ sở giáo dục ĐH chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2-20,2 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập được xác định cao hơn từ 1,5-2,5 lần so với học phí ĐH. 

Ngoài ra, Nghị định 81 cũng quy định rõ mức học phí với các loại hình đào tạo, các chương trình, các cơ sở đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế. Cùng với đó, trong đề án tuyển sinh năm 2022, nhiều trường ĐH từ công lập chưa tự chủ, công lập tự chủ đến các trường ĐH tư đều có điều chỉnh theo hướng tăng học phí. 

Đại diện nhiều trường cũng cho rằng, trong tình hình dịch bệnh khó khăn như hiện nay, việc tăng học phí cũng ít nhiều tạo tâm lý e ngại ở người học. Do đó, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng đào tạo, các trường cũng cần đưa ra nhiều chính sách miễn giảm học phí, chương trình học bổng để chia sẻ, hỗ trợ với người học.

ANH HUY

Ý kiến bạn đọc