“Thương hiệu nhà giáo đang xuống thấp”
VHO- Đó là một trong những nhận định rất đáng suy nghĩ vừa được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay” do Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức vào cuối tuần qua với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh các tỉnh, thành trong cả nước.
Các đại biểu lo lắng trước tình trạng đạo đức nhà giáo xuống cấp như hiện nay
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo đang xuống cấp trầm trọng.
Vi phạm đạo đức nhà giáo rất “tinh vi”
Theo TS Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM, phẩm chất đạo đức của nhà giáo không chỉ góp phần quyết định chất lượng, kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục mà còn tác động lâu dài đến giáo dục toàn diện đối với các thế hệ học sinh. Trong thực tế thời gian gần đây, ngành giáo dục liên tục xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, gây hoang mang và bất bình trong xã hội, khiến một bộ phận xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.
Nhà giáo Võ Diệu Thanh, Trường Tiểu học B Chợ Vàm, Phú Tân (An Giang) nhận đinh, xét về mặt tâm lý, học sinh đôi khi tin cậy thầy cô hơn cha mẹ, và thực tế phụ huynh gần như giao trọn quyền dạy học cho giáo viên vì họ ý thức bản thân mình không có chuyên môn. Thế nhưng một bộ phận người thầy đã từng bước phá vỡ niềm tin đó. Những giáo viên này “dễ dãi” trong xử lý nghiệp vụ, góp phần tạo ra sản phẩm lỗi về nhiều mặt trong đó phổ biến và gây bức xúc nhất là bạo lực học đường diễn ra tràn lan ở mọi lứa tuổi. Với vấn nạn này thì giáo viên không thể là người đứng ngoài cuộc. Từ thực tế đó, nhà giáo Võ Diệu Thanh cho rằng, đạo đức nhà giáo cần được xây dựng từ chính ý thức nghề nghiệp của giáo viên. Người thầy ngoài việc nâng cao kỹ năng, kiến thức còn cần bồi dưỡng tình yêu thương, sẵn sàng tiếp nhận học sinh cá biệt.
Từ những góc độ khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đại bộ phận nhà giáo nước ta hiện nay có phẩm chất đạo đức tốt, song vẫn còn một bộ phận giáo viên thiếu gương mẫu, không đấu tranh với những gian dối trong giáo dục, bị lôi cuốn vào những việc làm tiêu cực. Bên cạnh đó còn có hiện tượng vi phạm đạo đức, lương tâm nhà giáo rất “tinh vi”. PGS.TS Trần Thị Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, hiện tượng học sinh đánh hội đồng bạn một cách dã man, các vụ án mua điểm, mua bằng giả, bạo hành… đều mang dáng dấp của những tấm gương nhà giáo dục phi đạo đức sư phạm.
Theo PGS Phương, có những hiện tượng vi phạm đạo đức không chỉ là chuyện vi phạm quy định pháp luật mà vi phạm lương tâm nghề nghiệp “tinh vi”, nhiều giáo viên mượn danh đổi mới giáo dục mà dạy học sinh theo kiểu “đem con bỏ chợ”, “hạn chế” giảng bài để cho các em tự học. Hậu quả là thầy quá nhàn còn học sinh… chẳng biết gì. “Hay như nhiều giảng viên tự coi giảng đường là thánh địa của mình, muốn nhồi nhét gì vào đầu học sinh, sinh viên thì nhồi nhét, không ai có thể kiểm soát được. Thậm chí đem những tư tưởng không chính thống vào dạy sinh viên… Tôi cho rằng kiểu dạy học như thế là không có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp”, PGS Phương bức xúc.
Mỗi nhà giáo chính là tấm gương về đạo đức lối sống của học trò
Lúng túng về chuẩn đạo đức nhà giáo
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo cũng được các nhà khoa học chỉ ra, như tư duy giáo dục chậm đổi mới; mặt trái của nền kinh tế thị trường; việc chậm đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm; công tác quản lý đội ngũ giáo viên hạn chế; việc thanh kiểm tra chưa kịp thời và không nghiêm minh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho nhà giáo còn bị coi nhẹ…
TS Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ, chính các nhà quản lý cũng gặp khó khăn, lúng túng trong quy định chuẩn mực đạo đức nhà giáo, vì thế không biết chuẩn nào để dựa vào đó đánh giá. “Giáo viên cũng chưa có một chuẩn rõ ràng nào để phấn đấu làm một nhà giáo có đạo đức. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra các chuẩn chung chung nên chưa thể đáp ứng được trong khi thực tế phức tạp hơn rất nhiều”. Cùng quan điểm này, ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu nói rằng, hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa xây dựng được những chuẩn mực mang tính nhân văn, đạo đức nhà giáo, mà không có chuẩn mực để quản lý thì sẽ dẫn đến lúng túng.
Bàn về góc độ chuẩn mực trong đạo đức nhà giáo, nhiều đại biểu cho rằng, đạo đức cũng chính là văn hóa của nhà giáo, trong giai đoạn hiện nay, giữ được bản sắc dân tộc được coi là nền tảng để đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong tình hình mới. Người giáo viên có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ trẻ hệ thống tri thức khoa học, kỹ năng lao động, truyền bá cho lớp trẻ các giá trị đạo đức chân chính, những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Theo PGS.TS Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM, để đưa nền giáo dục phát triển thì cơ chế quản lý phải được đặt lên hàng đầu. Nhà giáo trước hết phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, truyền lửa cho học sinh, phải biết tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, nhà giáo phải biết thấu hiểu, hy sinh, bản lĩnh và tỏa sáng làm gương cho học trò.
PGS Việt cho biết, từ các ý kiến của đại biểu, ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp gửi tới Bộ GD&ĐT để có cái nhìn toàn diện hơn, trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp nhằm tăng cường, nâng cao đạo đức đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới.
Nhiều giảng viên tự coi giảng đường là thánh địa của mình, muốn nhồi nhét gì vào đầu học sinh, sinh viên thì nhồi nhét, không ai có thể kiểm soát được. Thậm chí đem những tư tưởng không chính thống vào dạy sinh viên… Tôi cho rằng kiểu dạy học như thế là không có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. (PGS.TS Trần Thị Mai Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) |
THÙY TRANG