Về vụ học sinh bị tát hàng trăm cái, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Lẽ ra hiệu trưởng cũng phải nhận trách nhiệm!
VHO- Hôm qua, 25.11, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gần như không nén được sự bức xúc của mình khi Văn Hoá gọi điện trao đổi với ông về vụ việc một HS bị nhận 231 cái tát xảy ra tại một trường học ở Quảng Bình.
Trường THCS Duy Ninh nơi xảy ra sự việc
- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết: Ba, bốn ngày qua, rất nhiều người gọi điện tâm sự và hỏi tôi ý kiến về vấn đề này. Như thế có thể nói đó là vụ việc “nóng” được nhiều người và dư luận quan tâm. Cách đây không lâu cũng xảy ra một vụ việc có một học sinh được cho là có lỗi đã bị cô giáo bắt tự tát vào mặt mình nhiều lần và đã bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Sau đó cô giáo ấy cũng đã bị nhận mức kỷ luật khá nặng.
Đó là những hành vi không đúng chút nào và đáng xấu hổ đối với những người mang danh hiệu thầy cô giáo. Đúng ra, thầy cô giáo phải như mẹ hiền chứ sao lại thế? Giờ lại có một cô giáo bắt hàng chục học sinh tát bạn học của mình mấy trăm cái, dẫn tới phải nhập viện thì hành động đó quá là sai trái, không thể tưởng tượng nổi. Dư luận đang lên án dữ dội hành vi của cô giáo ấy là điều quá dễ hiểu. Cho dù học sinh có sai như thế nào thì giáo viên cũng chỉ nên dùng lời lẽ của mình để thuyết phục, khuyên răn các em, không thể dùng hình thức bạo lực được.
Liên quan đến sự việc em H.L.N, học sinh lớp 6 trường THCS xã Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) phải nhập viện vì bị phạt 231 cái tát, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về sự việc, Bộ đã yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình kiểm tra, xử lý và có báo cáo sớm nhất về Bộ. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, dù nguyên nhân là gì thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Vì vậy, nhà trường phải xem xét và xử lý thật nghiêm |
P.V: Là cựu Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS nhìn nhận và đề xuất đối với vụ việc thế nào?
- Trước hết tôi mong các cấp lãnh đạo ngành cần xử lý thích đáng trường hợp này để làm gương cho những người khác, không thể xử lý theo kiểu xuê xoa, “hòa cả làng” như cảnh cáo hay phê bình được. Qua báo chí tôi cũng nghe thông tin hiệu trưởng trường có học sinh bị tát xin báo chí không lên tiếng về vụ việc nghiêm trọng nói trên bởi trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nói thực lòng là tôi xấu hổ thay cho hiệu trưởng trường đó.
Lẽ ra hiệu trưởng phải nhận trách nhiệm, xin lỗi em học sinh cùng gia đình em và dư luận toàn xã hội, sau đó có được phong cũng không nhận danh hiệu trường chuẩn… Một trường học mà có giáo viên vi phạm nghiêm trọng như thế đối với học sinh thì nhận danh hiệu trường chuẩn để làm gì và có xứng đáng không? Một trường học tốt không chỉ có cơ sở vật chất tốt, đạt chuẩn mà còn phải có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đạo đức tốt, nhất là chuẩn mực của người thầy, người mà tôi cho rằng thầy cô mà có hành vi như thế thì đạo đức kém quá. Vì thế tôi cho rằng lãnh ngành giáo dục phải nghiêm khắc với trường hợp này và mong những trường hợp như thế không xảy ra nữa trong ngành giáo dục, làm ảnh hưởng tới hàng vạn thầy cô giáo chân chính, đức độ khác.
Thưa PGS, chúng tôi rất lấy làm lạ là, chưa hết vụ việc này lại xảy ra trường hợp khác đối với giáo viên. Phải chăng ở đây còn có sự né tránh trong xử lý?
- Theo tôi, trong một số trường hợp vừa qua, có thể giáo viên không chỉ vi phạm đạo đức người thầy mà con vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, xâm phạm thân thể người khác, xúc phạm danh dự…, thậm chí có thể xử lý hình sự. Lẽ ra tất cả những vụ việc đó phải được xử lý nghiêm để thể hiện cầu thị, luôn nghiêm khắc với những vi phạm kiểu như thế và vì danh dự của hàng vạn giáo viên khác. Nhưng khi xử lý không nghiêm chứng tỏ những người có trách nhiệm coi thường vụ việc, coi thường dư luận.
Nếu Bộ GD&ĐT không kịp thời lên án, xử lý, ngăn chặn những vụ việc đó thì không có gì đảm bảo là những vụ việc tương tự sẽ không xảy ra. Nếu không xử lý nghiêm thì những vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra như những vết dầu loang làm xói mòn lòng tin, sự kính trọng của người dân đối với thầy cô nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Vì thế trường hợp cô giáo cho bạn học tát học sinh mấy trăm cái không thể xử lý nhẹ mà phải xử lý nghiêm, và tôi rất tán thành ý kiến thậm chí có thể đưa cô giáo này ra khỏi ngành. Có xử lý như vậy mới có tác dụng răn đe khiến nhiều giáo viên khác phải tự điều chỉnh hành vi trong những ngữ cảnh tương tự.
Không phải lần đầu, công an vào cuộc Sự việc diễn ra vào buổi học chiều 19.11, khi học sinh Hoàng Long Nhật thấy cô giáo ghi trên bảng dòng chữ “Dân ca Thanh Hoá” thì em đọc theo đến chữ “Thanh” thì bạn ngồi cạnh bên liền phản ứng cho rằng Nhật chửi tên ba mẹ của bạn đó nên đã nói với cô giáo chủ nhiệm. Khi nghe học sinh báo lại là bạn Nhật nói bậy, cô giáo chủ nhiệm lớp 6.2 Nguyễn Thị Phương Thủy liền ra lệnh cho lớp “sau giờ học mỗi bạn phải tát Nhật 10 cái. Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị Nhật tát lại gấp đôi”. Bà Trần Thị Chước, mẹ của HS Nhật cho biết, lúc cháu về nhà, thấy mặt con sưng vù tím tái tôi mới gặng hỏi nó nguyên nhân vì sao. Và khi nghe nó nói bị cô giáo ra lệnh cho cả lớp tát vào mặt, tôi bức xúc lắm. Tôi không ngờ, để giáo dục học sinh thành người mà cô giáo lại dùng hình phạt nặng nề, ảnh hưởng nhân phẩm đến như vậy. Bà Chước cho biết thêm, sau khi sự việc xảy ra, cô Thủy có đưa đến 10 triệu, xin tha thứ nhưng gia đình trả lại. Còn nhà trường và chính quyền địa phương cũng đến thăm nhưng chủ yếu là thuyết phục gia đình không làm to chuyện, vì nhà trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nói về việc ra lệnh cho học sinh cả lớp tát vào má học sinh Nhật, cô giáo Thủy cho biết: “Hôm đó tôi lên lớp thì nghe học sinh thưa lại là em Nhật nói tục, chửi mẹ của bạn bên cạnh. Và theo quy định ai chửi tục là sẽ bị các bạn tát nên một số em trong lớp mới tát em Nhật. Do bị đau nên Nhật chửi tục, tôi mới tát em một cái rồi đi ra ngoài. Tôi biết rõ việc làm này là sai nên sau đó đã đến nhà xin lỗi gia đình em. Cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”. Cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận toàn bộ sự việc và xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu không, toàn bộ công sức của tập thể nhà trường đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không chỉ là lần đầu tiên cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy ra lệnh cho cả lớp tát học sinh bị vi phạm, mà trước đó tại trường này đã có nhiều học sinh khác đã bị xử phạt như vậy. Hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. PHẠM PHÚ - TÂN BÌNH |
Nếu đủ yếu tố thì cần xử lý hình sự “Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối tới Sở LĐ,TB&XH Quảng Bình và Tổng đài bảo vệ trẻ em vùng tại Đà Nẵng để kịp thời, tư vấn, hỗ trợ cháu bé một cách tốt nhất. Liên quan đến hành vi vi phạm của giáo viên, đến nay Bộ GD&ĐT đã có hình thức xử lý theo quy định của Luật Công chức, viên chức, và cơ quan điều tra đã vào cuộc. Còn tổn thương như thế nào phải chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng, nếu đủ yếu tố hình sự thì cô giáo bị xử lý hình sự. Cần phải làm điểm một vài vụ, nếu không thì không có tác dụng răn đe. Vụ việc xảy ra tại Quảng Bình đã cho thấy rõ vấn đề. Tôi cho rằng, giáo viên cũng là công dân và công dân thì phải bình đẳng trước pháp luật, nếu có hành vi bạo hành thì cần bị xử lý, nếu chưa đủ yếu tố hình sự thì bị xử lý về mặt hành chính. Người khác gây ra hậu quả bị xử lý thế nào thì giáo viên cũng phải chịu hình thức xử lý như thế. Đặc biệt, làm nghề giáo thì phải gương mẫu hơn, phải yêu thương, kiên trì dạy dỗ các cháu chứ không thể cho mình là giáo viên thì có quyền nóng giận, đánh đập hoặc gây bạo lực cho học sinh. Một nhà nước pháp quyền, mọi người vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm, chứ không thể nói không được phép xử phạt”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Q.HOA |
QUỐC HÙNG