Lễ mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

VHO - Thông tin từ Sở VHTT tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Anh 1

Tổ chức Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) là nét văn hóa đặc sắc, được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay. Mục đích tổ chức lễ hội là để cám ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa màng bội thu; đồng thời là dịp để cầu phúc, cầu sức khỏe cho dân làng được an bình, hạnh phúc.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy diễn ra sau mùa lúa rẫy chín vàng. Lễ hội được tổ chức trong phạm vi các gia đình, họ tộc, theo từng thôn, bản. Tùy thuộc vào thời gian gặt lúa mà ở mỗi bản và mỗi dòng họ tổ chức lễ hội vào từng thời điểm khác nhau. Cách thức bài trí mâm cỗ, lễ vật cũng khác nhau.

Trước khi vào lễ, các trưởng họ sẽ triệu tập con cháu để họp bàn và chọn ra ngày giờ đẹp nhất, tốt nhất để tổ chức lễ mừng cơm mới. Theo quan niệm của đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống tại xã Ngân Thủy, thời gian tốt nhất để cúng giàng, cúng thần linh là vào buổi sáng vì lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày.

Lễ mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Anh 2

Tổ chức lễ hội phải có cột nêu và một dĩa cơm nếp mới do chính gia đình, dòng họ làm ra

Tổ chức lễ hội phải có cột nêu. Cột nêu thường được đặt ở vị trí trung tâm tại địa điểm tổ chức lễ hội. Cột nêu trang trí hình cây lúa, có buộc các túm lúa sai hạt vào cột. Trên cột nêu trang trí hình học đơn giản, hình chim muông, mặt trăng, mặt trời… với các đường nét thanh thoát. Đồng bào Bru-Vân Kiều thường dùng 2 màu đen, đỏ để trang trí các họa tiết trên cột nêu.

Khi làm lễ, dân bản đứng xung quanh thành vòng tròn, chứng kiến các bậc cao niên, già làng, thầy cúng làm lễ. Khi nghi lễ đã hoàn thành, bà con dân bản đánh chiêng, phèng la và cùng nhau múa hát quanh cột nêu trong lễ hội.

Lễ mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Anh 3

Đồng bào đánh chiêng, phèng la và cùng nhau múa hát quanh cột nêu trong lễ hội

Điều bắt buộc tại lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ phải có một dĩa cơm nếp mới do chính gia đình, dòng họ làm ra. Cùng với đó là các ống cơm nếp trắng và cơm nếp than đựng trong ống lồ ô nướng trên bếp than. Trên mâm lễ còn có bát nước trong và những bông hoa được làm từ cây tre tượng trưng cho những bông lúa để cúng Giàng. Lễ vật còn có thịt của một con vật 4 chân (bò, dê, hoặc lợn) và ché rượu cần được ủ lâu năm.

Khi phần nghi lễ được tổ chức xong, đồng bào hào hứng tham gia phần hội với các điệu hát o oát, sa nớt, chà chấp… và những trò chơi dân gian như chơi xà hùa, bóng má, cháy xà rì.

Lễ mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Anh 4

Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình

Sau khi hát những làn điệu dân ca, vui những trò chơi truyền thống, người Bru – Vân Kiều cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ với những món ăn dân dã. Trong bữa cơm mới đầm ấm, sum vầy, sau những lời chúc sức khỏe là những câu chuyện, lời nhắn nhủ của trưởng họ, các già làng về một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hoà.

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc