Tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn
VHO - Sáng nay 25.3, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 144 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn với sự tham gia của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Hội nghị
Với nhiều điểm mới được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tế phát triển văn hóa nghệ thuật, giải trí của đất nước và thế giới, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14.12.2020 (thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP) và có hiệu lực từ ngày 1.2.2021 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Tăng quyền, tăng trách nhiệm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Ngày 14.12.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2021, thay thế cho Nghị định số 79 ngày 5.10.2012 và Nghị số 15 ngày 15.3.2016 trước đó. Hội nghị sẽ cung cấp và trang bị những nội dung cốt lõi của Nghị định số 144, những quy định mới so với các Nghị định trước nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trong thời gian tới.
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm 5 chương, 31 điều kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016 NĐ-CP, đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế các chính sách đã được Chính phủ thông qua cho phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Theo đó, Nghị định có một số điểm mới với nội dung cơ bản như sau: Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Nghị định số 144 đã cắt giảm 6/10 thủ tục hành chính bao gồm: Cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc thẩm quyền của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn; cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khẩu; cấp giấy phép phổ biển tác phẩm âm nhạc, sân khẩu; phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phuơng. Nghị định phân cấp quản lý theo hướng hoạt động biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó. Nội dung phân cấp bảo đảm tính thống nhất có sự phối hợp quản lý giữa Trung ương và địa phương đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kip thời ngăn chặn, xử lý theo cấp, địa bàn quản lý.
Nghị định không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.
Thi sinh dự thi người đẹp, người mẫu đáp ứng điều kiện không vi phạm trật tự công của Nhà nước: "Không trong thời gian bị áp dụng hiện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hinh sự", "Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Nhiều điểm mới thông thoáng, cởi mở hơn
Tại Hội nghị, NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, Nghị định số 144 về cơ bản không thay đổi phạm vi quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn so với Nghị định số 79 và Nghị định số 15 để tránh xáo trộn công vụ đang thực hiện và bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương và địa phương. Nghị định số 144 chỉ có một số điều chỉnh trong biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Cụ thể, Nghị định số 144 có nhiều điểm mới tạo điều kiện thông thoáng và cởi mở hơn như: Tập trung quản lý chuyên ngành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và nội dung biểu diễn nghệ thuật; xác định lại nội hàm khái niệm "biểu diễn nghệ thuật" và “loại hình nghệ thuật biểu diễn; quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý; quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam. Để bảo đảm thực thi quy định về phân cấp, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam; áp dụng biện pháp hậu kiểm đối với hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu điễn nghệ thuật; quy định biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên hệ thống phát thanh, truyền hinh và thông tin điện tử.
Đặc biệt, điểm đáng lưu ý, để bảo đảm thực thi quy định về phân cấp, Nghị định số 144 quy định cụ thể các trường hợp trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam. Việc dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm: Chương trình biểu diễn nghệ thuật; cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn và cuộc thi người đẹp, người mẫu được thực hiện trong trường hợp sau: Vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định số 144 là chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyển và toàn ven länh thổ nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xâm phạm an ninh quốc gia, phủ nhận thành tưu cách mang, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, phân biệt chủng tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 144; vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật là cơ quan tiếp nhận thông báo hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Việc thu hồi danh hiệu giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn và cuộc thi người đẹp, người mẫu do đơn vị tổ chức cuộc thi, liên hoan thực hiện trong các trường hợp sau: Cá nhân đạt danh hiệu, giải thưởng vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định; danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung để án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo. Trường hợp đơn vị tổ chức cuộc thi, liên hoan không thực hiện thu hồi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để hiểu rõ, nắm chắc những nội dung của Nghị định. Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm đến việc cấp phép biểu diễn, quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình đã đưa ra một ví dụ thực tế mà Sở VHTTDL Hà Giang đang gặp vướng mắc. Đó là, đã có nhiều chương trình nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân khi đã được thẩm định và thu phí nội dung ở một tỉnh A và tiếp tục muốn đến Hà Giang biểu diễn thì có phải đóng phí, thẩm định tiếp nữa hay không? Mặc dù hiện nay, với việc tiếp nhận này thì Hà Giang sẽ không thu phí nữa. Tuy nhiên, với những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì chương trình biểu diễn đúng với nội dung đã được cấp phép, nhưng đã có không ít đơn vị, tổ chức cá nhân ngoài công lập cũng đưa ra chương trình đã được cấp phép nhưng khi biểu diễn lại “treo đầu dê bán thịt chó”. Điều này khiến người dân rất bức xúc và việc xử lý như thế nào đối với những trường hợp vi phạm này như thế nào? Vì vậy, Sở VHTTDL Hà Giang đề nghị Bộ VHTTDL nên có hướng dẫn cụ thể hơn cho các tỉnh. Đồng thời cân nhắc lĩnh vực nào phân cấp, uỷ quyền cho Sở, cho huyện.
Về vấn đề này, TS. Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật là phải thực hiện đúng với nội dung đã thông báo, nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 144 và nếu làm sai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự.
THANH NGỌC; ảnh: VŨ MỪNG