Cụ ông 91 tuổi với hơn 30 năm trông nom đình cổ
VHO- Mặc dù đã ở vào cái tuổi 91 nhưng cụ ông Quách Vĩnh Kinh ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum (Kon Tum) suốt 30 năm nay vẫn đều đặn ngày hai lần đến dọn dẹp, trông coi đình Trung Lương, một ngôi đình cổ có bề dày lịch sử 140 năm…
Ở tuổi 91 cụ ông Quách Vĩnh Kinh vẫn cần mẫn với công việc trông coi, lo hương khói ở đình Trung Lương
Cụ ông Quách Vĩnh Kinh, Trưởng ban trị sự đình Trung Lương năm nay đã 91 tuổi nhưng trông vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông có nhà riêng ở đường Phan Chu Trinh, phường Quyết Thắng (TP. Kon Tum) cách đình Trung Lương chừng 500m. Ở độ tuổi này, lẽ ra nên chọn an hưởng tuổi già, quây quần bên con cháu, nhưng ông lại dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho việc trông coi, quét dọn và lo hương khói tại đình. Từng làm Chủ nhiệm HTX Vận tải Tiền Phong từ năm 1977 đến 1995, nhưng ngay từ năm 1991, ông đã tham gia vào Ban quản sự đình Trung Lương. “Ban quản sự lúc đó chỉ có 5 người, tự đứng ra tổ chức việc trông coi đình, chứ không được “bầu bán” hay trả công gì cả. Giờ họ đều đã mất, chỉ còn lại mình tôi. Hiện có thêm mấy anh em trẻ nữa cùng tham gia”, ông Kinh tâm sự.
Cứ đúng 5h sáng mỗi ngày, ông lóc cóc đạp xe hoặc thả bộ đến quét dọn, thắp hương trong đình, rồi quay ra chăm sóc cây cảnh. Buổi chiều, từ 15h ông lại có mặt để quét dọn, tưới cây, rồi vào trong điện thờ lau chùi, thắp đèn, đốt hương, xong xuôi đâu đó mới quay về nhà. Mọi việc cứ thế như một điệp khúc lặp đi lặp lại ròng rã suốt 30 năm qua nhưng ông không hề thấy mệt mỏi hay chán nản. Mỗi khi trái gió trở trời không ra đình được, ông cứ đứng ngồi không yên, bứt rứt trong lòng. Có những hôm mưa bão, ngoài trời sấm chớp ầm ầm, ông vẫn chùm áo mưa lọ mọ đến để kiểm tra xem có viên ngói nào bị vỡ dột hoặc chái nhà nào thấm nước. Ông làm công việc ấy đều đặn, cần mẫn với tấm lòng thành kính, trân trọng tổ tiên, nguồn cội. Lý giải cho việc làm của mình, ông Quách Vĩnh Kinh cười hiền: “Sông có mạch, suối có nguồn, cỏ cây còn có cội rễ huống chi là con người. Tôi làm việc này với tâm nguyện mình có ngày hôm nay phải nhớ ơn tổ tiên, ông bà. Hơn nữa, đình Trung Lương là di tích lịch sử nên mình càng phải ra sức giữ gìn. Sau này tôi không còn nữa thì các con các cháu sẽ noi gương mà làm theo. Đây là việc làm tri ân đối với các vị tiền nhân”.
Khuôn viên đình Trung Lương ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum
Ngày thường là thế, vào những dịp lễ, Tết hằng năm, công việc của Ban quản sự nói chung và của ông cũng bận rộn hơn. Trong đêm Giao thừa đón năm mới, ông phải có mặt từ sớm để lo thắp đèn, cắm hương và mặc áo dài, khăn đóng cúng Giao thừa, cầu cho năm mới nhân khang vật thịnh, mọi sự tốt lành. Sau đó mới trở về nhà để thắp hương cúng bái tại nhà riêng. Ông nói: “Mình cúng đình là cúng thần, thần phải được cúng trước, ông bà ở nhà mình cúng sau. Đó cũng hợp với lẽ trời”. Đình có 4 ngày lễ lớn trong năm, đó là lễ Tế Xuân vào ngày 11-12.2 âm lịch, giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10.3 âm lịch, lễ tế các vị “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ” vào ngày 10.8 âm lịch và lễ Tất niên vào ngày 10 tháng Chạp.
Hiện tại, ông Quách Vĩnh Kinh vẫn còn hai điều trăn trở, đó là “vì sao đình Trung Lương có lịch sử hơn 140 năm vẫn chưa được cơ quan chức năng xem xét để công nhận là di tích cấp cao hơn và hiện tại ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhưng sau nhiều lần xin phép tu sửa nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời của cơ quan chức năng. Mong rằng những lo lắng băn khoăn của ông sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất.
NGỌC HÒA